Truyền thống đáng tự hào

Lịch sử từng ghi nhận người Hà Nội sớm giao thương với các khách buôn đến từ nhiều nước trên thế giới cũng như trong khu vực và từ nhiều tỉnh thành khắp cả nước. Không phải đến Hà Nội chỉ vì làm ăn, buôn bán và công việc, ghi nhận sự nhiệt tình, mến khách của nơi đây mà nhiều người chọn chốn này làm nơi đi về thường xuyên hoặc quê hương thứ hai của mình.

Nhiều năm trở lại đây, ngành Du lịch của Thủ đô đang phát triển mạnh mẽ, với nhiều chính sách ưu đãi, hấp dẫn. Hà Nội là điểm dừng chân của ngày càng nhiều du khách khắp năm châu. Nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc, những nét đẹp tiềm ẩn về cảnh sắc, con người của chúng ta thu hút bạn bè quốc tế lưu trú lại lâu để thưởng thức chứ không còn là điểm trung chuyển đến Sa Pa, Hạ Long… như trước nữa.

Đặc biệt một vài năm trở lại đây, chính quyền mạnh tay, sát sao quản lý các hoạt động du lịch, đẩy mạnh tuyên truyền văn hóa ứng xử nơi công cộng nên nạn chặt chém, ép giá, bắt chẹt du khách đã giảm gần như triệt để. Cùng với danh hiệu Thành phố vì hòa bình, thành phố sáng tạo mà UNESCO mới trao, Hà Nội của chúng tay ngày càng “ghi điểm” với người nước ngoài.

Điều đặc biệt ai ai cũng có thể cảm nhận đó là thái độ thân thiện, hiếu khách rất nhiệt tình, vô tư của người Hà Nội. Dường như bất cứ người Hà Nội nào cũng sẵn tâm lý lòng hiếu khách, coi các bạn quốc tế như người nhà. Chúng ta hiểu cảm giác khi không biết tiếng, lạc đường, cần sự giúp đỡ ở một nơi xa lạ như thế nào.

Vì thế, những người nước ngoài đi trên phố Hà Nội luôn nhận được những ánh mắt dõi theo, những nụ cười đầy thân thiện thay cho lời chào hỏi của chúng ta. Bất cứ ai cần chỉ đường, giải đáp thắc mắc gì người Hà Nội đều cố gắng giúp đỡ.

Anh Thông, nhân viên bảo vệ của một cơ quan trên phố Lý Thường Kiệt kể có lần một người khách Châu Âu hỏi đường đến khách sạn Hòa Bình, dù khả năng tiếng Anh hạn chế, anh Thông vẫn cố gắng diễn đạt một cách dễ hiểu, vận dụng mọi vốn từ nhớ được cộng với ngôn ngữ cử chỉ để chỉ đường cho vị khách này.

Anh Thuận (ở Hà Đông, Hà Nội) thì khi được hỏi đường quá xa nơi anh đang đứng, biết rằng mình khó có thể nói để bạn hiểu được nên đã không ngần ngại vỗ vỗ lên yên xe máy, đưa cho du khách đến từ Nga chiếc mũ bảo hiểm, mời anh này lên xe và chở đến tận nơi trong sự ngỡ ngàng của bạn.

Những người nước ngoài cảm ơn Việt Nam

Đó là lý do tại sao những ngày đầu năm 2020, trong khi dịch bệnh Covid-19 đang bùng phát mạnh mẽ ở Châu Á, Hà Nội của chúng ta vẫn là điểm đến hứa hẹn của rất nhiều khách quốc tế. Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Nhà tù Hỏa Lò, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam… vẫn đông đảo khách nước ngoài thoải mái dạo bước.

Những người nước ngoài nhiễm Covid-19 đã được chúng ta điều trị tích cực, có người bệnh rất nặng nhưng đã khỏi bệnh và trở về đất nước mình với đầy sự biết ơn. Đó là các bệnh nhân số 28, 55, 56 và còn nhiều người vẫn đang được chăm sóc hằng ngày tại các bệnh viện ở Hà Nội.

Điển hình là bệnh nhân số 237 người Thụy Điển bị tai nạn đã được đưa đi cấp cứu và phát hiện nhiễm Covid-19. Dù 89 nhân viên y tế có tiếp xúc với bệnh nhân này cũng phải xét nghiệm nhưng chúng ta không vì thế mà quay lưng hay từ chối điều trị cho họ. Thậm chí, từ thái độ bất hợp tác ban đầu, bệnh nhân này đã được thuyết phục để điều trị và khỏi bệnh.

Những ngày qua, trên trang Hanoi Massive Community, cộng đồng người nước ngoài tại Hà Nội đã đăng tải những bức ảnh với nhiều thông điệp cảm ơn gửi tới đội ngũ chống dịch Covid-19 tại Việt Nam.

Khởi đầu chiến dịch là tập hợp của 20 bức ảnh chụp từ những người đến từ Bồ Đào Nha, Mỹ, Anh, Ai Cập, Đức... Họ là các giáo viên, doanh nhân, quản lý bảo hiểm... đang sống và làm việc tại Hà Nội. Sau đó, chiến dịch lan ra mạnh mẽ trong cộng đồng người nước ngoài đang sinh sống tại Việt Nam.

"Việt Nam, chúng tôi yêu bạn. Gửi đến tất cả bác sĩ, y tá, quân nhân, cảnh sát và tình nguyện viên, cảm ơn các bạn vì sự hy sinh to lớn để bảo vệ chúng tôi". Những lời chia sẻ ấy cũng là thông điệp, là tình yêu thương, sự tri ân khiến chúng ta cảm thấy ấm lòng và được động viên rất nhiều.

Cách ly bằng thái độ đúng mực

Dù vậy, trong thời gian qua, không phải không manh nha có những thái độ kì thị người nước ngoài. Ban đầu là những vị khách đến từ Trung Quốc khi đại dịch đang bùng phát ở nước này; tiếp theo là những người Hàn Quốc; cuối cùng là những vị khách “mắt xanh mũi lõ” tóc đủ màu khi dịch Covid-19 lan ra toàn thế giới và hoành hành dữ dội nhất ở Châu Âu.

Chị Thương, một nhân viên văn phòng tại Hà Nội kể lúc cả nước chưa thực hiện cách ly xã hội, chị và các bạn đôi lúc có việc cần ra phố hoặc đi dạo, mua sắm, cứ thấy người nước ngoài là họ tự động đưa khẩu trang lên bịt kín mặt, lảng xa, không ai nói năng cười đùa gì nữa. Khách nước ngoài đi xa, họ mới tiếp tục các hoạt động của mình.

Anh Long, một nhân viên phục vụ nhà hàng ở khu vực hồ Hoàn Kiếm cũng nói do tâm lý e ngại, có khi khách nước ngoài không phải vào ăn mà chỉ hỏi đường thôi anh cũng không dám trả lời, không tiếp xúc, thậm chí phải xua tay đuổi họ đi ngay. Còn chị Lan, một người đi thuê trọ ở quận Đống Đa đã phản đối kịch liệt chủ nhà khi vẫn cho một người Anh là giáo viên trung tâm ngoại ngữ trọ tại đây.

Rõ ràng những thái độ kì thị, phản ứng thái quá với khách nước ngoài này tuy rất ít nhưng cũng đã ảnh hưởng tới nét văn hóa chung đã hình thành, tồn tại và làm nên đặc trưng của người Tràng An. Vẫn biết, sợ hãi, lo lắng, cách ly, tránh xa tất cả những nguy cơ lây nhiễm là điều nên làm.

Bởi dịch bệnh còn đang diễn biến phức tạp và nguồn bệnh có thể đến từ bất cứ đâu nhưng không có nghĩa là nhìn đâu cũng thấy virus như vậy. Tiến sĩ Lương Hoài Nam, thành viên Hội đồng tư vấn du lịch đưa ra một tinh thần chung rất nhân văn là: "Không kì thị du khách Tây đang ở nước ta, mà phục vụ họ một cách an toàn, có tổ chức”.

Việc không kì thị khách du lịch trong dịch Covid-19 đã được nêu ra trong một cuộc làm việc giữa Tổng cục Du lịch và Hiệp hội Du lịch Việt Nam cũng như một số cơ quan liên quan như hàng không, khách sạn.

Ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch cũng nêu vấn đề nếu chúng ta không ứng xử tốt với khách, khi dịch bệnh qua đi, họ sẽ không quay trở lại Việt Nam.

Vào cuối tháng 3 vừa qua, Văn phòng Chính phủ cũng ban hành văn bản truyền đạt chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương phối hợp để ngăn chặn và xử lý nghiêm hành vi kì thị với khách du lịch nước ngoài vì Covid-19, giữ gìn hình ảnh đất nước.

Hà Nội là trung tâm văn hóa của cả nước, trong công cuộc chống dịch Covid-19 lần này có rất nhiều việc phải làm chứ không riêng gì khám chữa, ngăn chặn các nguồn lây lan bệnh tật. Chống dịch trên mặt trận văn hóa cũng hết sức cam go và quyết liệt.

Người Hà Nội làm tốt việc không kì thị người nước ngoài vừa giữ được hình ảnh, nét văn hóa của mình vừa góp phần vào sự thành công trong chống dịch, mang lại những giá trị bền lâu cho thành phố và đất nước.

(Còn nữa)

Theo Tuổi trẻ Thủ đô