Trong bối cảnh đó, Đảng bộ, chính quyền và các tầng lớp nhân dân Thủ đô đã đoàn kết, đồng lòng, triển khai quyết liệt, hiệu quả nhiều nhiệm vụ, giải pháp phòng, chống dịch bệnh với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, nhờ đó, mức tăng trưởng kinh tế quý I của Hà Nội được duy trì.

Tăng trưởng kinh tế xã hội quý I của Thủ đô được duy trì

Báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội quý I và nhiệm vụ trọng tâm của quý II năm 2020 của Ban Cán sự Đảng UBND thành phố Hà Nội cho thấy: Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 bùng phát và lan rộng trên toàn cầu làm gián đoạn hầu hết hoạt động kinh tế, xã hội.

Ở trong nước, dịch bệnh được kìm hãm song diễn biến rất phức tạp và khó lường, ảnh hưởng toàn diện đến các hoạt động của Thành phố. Trong bối cảnh đó, Đảng bộ, chính quyền và các tầng lớp nhân dân Thủ đô đã đoàn kết, đồng lòng, triển khai quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả nhiều nhiệm vụ, giải pháp phòng, chống dịch bệnh với tinh thần “chống dịch như chống giặc” và đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận.

Cụ thể, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng 3,72% (cùng kỳ tăng 6,95%) cao gấp 9 lần Thành phố Hồ Chí Minh (0,42%) nhưng thấp hơn cả nước (3,82%). Các ngành nghề có chỉ số tăng gồm: Dịch vụ tăng 3,20% (cùng kỳ tăng 7,10%); Công nghiệp và xây dựng tăng 5,46% (cùng kỳ tăng 7,84%); Nông  nghiệp giảm 1,17% (cùng kỳ tăng 3,19%).

Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 4,44% (cùng kỳ tăng 6,9%). Có 26/46 sản phẩm công nghiệp chủ yếu giảm sản lượng, trong đó một số sản phẩm giảm mạnh như: Bia, rượu (giảm 31%); Sản phẩm bằng plastic (giảm 21,7%); Giày, dép (giảm 4,2%);... Bên cạnh đó, một số sản phẩm phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh tăng như: Dược phẩm tăng 98,6%; Thuốc trừ sâu, sản phẩm hóa chất tăng 63,6%; Thuốc kháng sinh dạng viên tăng 45%;…

Về lĩnh vực du lịch, trong quý I/2020, lượng khách du lịch đến Hà Nội giảm mạnh, tổng lượng khách du lịch giảm 47,2% (cùng kỳ tăng 9,1%). Trong đó, khách quốc tế giảm 43,9% (cùng kỳ tăng 12,6%); tổng doanh thu giảm 38,8% (cùng kỳ tăng 32%); công suất sử dụng phòng khách sạn bình quân đạt 23,4% (cùng kỳ đạt 74,9%).

Trong lĩnh vực nông nghiệp, gieo trồng vụ xuân thuận lợi, cây trồng phát triển tốt. Dịch tả lợn Châu Phi được kiểm soát và không phát sinh ổ dịch mới trong 30 ngày vừa qua. Đàn lợn hiện có 1,1 triệu con, bằng 68,7% so với cùng kỳ năm 2019. Sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng đạt 51 nghìn tấn, bằng 58,8% so với cùng kỳ năm 2019. Đàn trâu tăng 1,2%, đàn bò tăng tăng 0,8%, đàn gia cầm tăng 17,5%, sản lượng thịt gia cầm tăng 27,3%  so với cùng kỳ.

Hà Nội đã triển khai quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả nhiều nhiệm vụ, giải pháp phòng, chống dịch bệnh với tinh thần “chống dịch như chống giặc” và đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận

Về thu Ngân sách Nhà nước trên địa bàn thành phố đạt 71.383 tỷ đồng, bằng 25,6% dự toán, tăng 6,7% (cùng kỳ tăng 30,3%). Thu nội địa đạt 66.564 tỷ đồng, bằng 25,4% dự toán, tăng 6,0% so với cùng kỳ. Chi ngân sách địa phương đạt 13.676 tỷ đồng, bằng 13,3% dự toán (cùng kỳ đạt 11,9%). Đến nay, thành phố đã tổ chức đấu thầu và khởi công 30/84 dự án mới, còn 54 dự án tiếp tục đấu thầu, khởi công trong các quý còn lại.

Hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị được duy trì tốt, đảm bảo cung cấp điện, nước, thoát nước và xử lý nước thải, vệ sinh môi trường, cây xanh, chiếu sáng,... Tỷ lệ hộ dân nông thôn được cấp nước sạch đạt trên 75% (cùng kỳ đạt 52%). Hà Nội hiện đang đẩy nhanh tiến độ hạ ngầm cáp điện lực, viễn thông; tăng cường kiểm tra trật tự xây dựng, vi phạm đất đai.

Các hoạt động văn hóa, đón Tết, tổ chức lễ hội được tổ chức trang trọng, tiết kiệm, vui tươi. Công nghệ thông tin được chú trọng phát triển hướng tới mục tiêu xây dựng thành phố thông minh. Thành phố cũng triển khai dạy và học trên truyền hình và qua internet, khắc phục sự gián đoạn giáo dục, đào tạo do dịch Covid-19.

Vấn đề an sinh xã hội trên địa bàn thành phố luôn được đảm bảo. Các chính sách xã hội được thực hiện kịp thời, đầy đủ, đúng đối tượng. Công tác chăm lo Tết cho nhân dân và đối tượng chính sách thực hiện tốt. Thành phố đã tổ chức tặng hơn 1,4 triệu suất quà Tết với tổng số tiền 622,3 tỷ đồng, trong đó 136,6 tỷ đồng từ nguồn xã hội hóa...

 Đồng thời, thành phố đã bổ sung hơn 1.000 tỷ đồng nguồn vốn ngân sách ủy thác qua Chi nhánh Ngân hàng chính sách xã hội cho vay đối với người nghèo và các đối tượng chính sách nhằm hỗ trợ giải quyết việc làm, phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân.

Đặc biệt, trong thời gian qua, thực hiện nghiêm Lời kêu gọi của Tổng bí thư, Chủ tịch nước, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí Thư, Chính phủ, các Bộ, ngành và Thành ủy về phòng và chống dịch bệnh Covid-19, Hà Nội đã nắm chắc tình hình, kịp thời xử lý ngay những vấn đề phát sinh của dịch bệnh.

Thành phố đã huy động sự tham gia của cả hệ thống chính trị và xã hội trong công tác phòng, chống dịch bệnh, triển khai thực hiện nghiêm 7 nhóm nhiệm vụ tại Chỉ thị số 11/CT-TTg và Chỉ thị số c16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ; ban hành và thực hiện Chỉ thị số 05-CT/UBND về cách ly xã hội từ 1-15/4/2020 và Chỉ thị số 06/CT-UBND của Chủ tịch UBND Thành phố với 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19 trên địa bàn Thành phố...

Tiếp tục triển khai các nhiệm vụ trọng tâm

Bên cạnh những kết quả đạt được, còn một số khó khăn, tồn tại cần được quan tâm khắc phục. Do đó, thành phố đã xây dựng các kịch bản điều hành phát triển kinh tế, xã hội, đảm bảo an ninh, quốc phòng ứng phó với dịch bệnh Covid-19.

Theo đó, căn cứ kịch bản tăng trưởng của cả nước, tình hình và kết quả của các ngành, lĩnh vực trong quý I, Hà Nội dự báo và xây dựng các kịch bản để phấn đấu đạt được mục tiêu cao nhất so với Kế hoạch năm 2020 đã đề ra (bằng khoảng 1,3 lần cả nước) với tốc độ tăng trưởng 7,5%.

Trong thời gian tới, Hà Nội sẽ tập trung triển khai thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm, trong đó chú trọng công tác phòng, chống dịch Covid-19;

Bên cạnh đó, thành phố sẽ tập trung triển khai thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm. Cụ thể là chỉ đạo triển khai đồng bộ, toàn diện các giải pháp phòng, chống dịch Covid-19; điều hành các hoạt động và sự phối hợp công tác giữa các cơ quan, đơn vị phù hợp với diễn biến của dịch bệnh. Trong đó, trọng tâm là đầu tư, cung ứng đầy đủ vật tư, trang thiết bị y tế, đảm bảo công tác phòng, chống dịch bệnh. Đảm bảo cung ứng hàng hóa; tổ chức tốt các hoạt động kết nối cung cầu hàng hóa, tiêu thụ sản phẩm của Thành phố và nông sản, thực phẩm của các địa phương trên địa bàn Thành phố.

Cùng với đó, Hà Nội cũng đang gấp rút chuẩn bị và triển khai tốt các điều kiện tổ chức đại hội Đảng các cấp, tiến tới đại hội Đảng bộ Thành phố và Đại hội Đảng toàn quốc. Tiếp tục thực hiện Chương trình hành động số 07/CTr-UBND ngày 09/01/2020 của UBND Thành phố và triển khai thực hiện hiệu quả 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19.

Ngoài ra, thành phố cũng duy trì tốt hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị; Đảm bảo an sinh xã hội; Tăng cường trách nhiệm của cấp cơ sở trong tiếp công dân và giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo; Đảm bảo trật tự, an toàn xã hội; tuyệt đối không để các đối tượng lợi dụng tình hình dịch bệnh gây mất an ninh trật tự.

Đặc biệt, UBND Thành phố phối hợp với Thường trực HĐND, Đoàn Đại biểu Quốc hội Thành phố, Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố và các tổ chức thành viên, tạo sự đồng thuận cao trong xã hội thực hiện tốt công tác dập dịch và các nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội. Duy trì thực hiện tốt công tác đối ngoại và các nội dung, chương trình hợp tác với các tỉnh, thành phố trong cả nước.

Theo Tuổi trẻ Thủ đô