Một số ĐBQH đề nghị bắt cuộc có nhãn phụ hoặc logo cảnh báo trên sản phẩm rượu bia.

Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (TP Hồ Chí Minh) cho biết nên thay đổi nhận thức văn hoá uống rượu bia, đây đòi hỏi quá trình. Bản thân đại biểu thống nhất với việc hạn chế quảng cáo rượu bia, nhất là trong các hoạt động cho giới trẻ. Các hoạt động tuyên truyền về phòng chống tác hại rượu bia phải được quy định cụ thể là có thể được xã hội hoá, kể cả các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh rượu bia.

“Về hình thức thông tin giáo dục truyền thông về phòng chống tác hại rượu bia, tôi xin tiếp tục đề nghị có lộ trình bắt buộc có nhãn phụ hoặc có logo cảnh báo ngay trên sản phẩm rượu bia, ví dụ như “không được lạm dụng rượu bia”; “uống rượu bia có hại cho sức khoẻ” hoặc cũng có thể sử dụng những biểu tượng đơn giản như không dành cho người dưới 18 tuổi, cấm dùng cho phụ nữ mang thai, người lái xe…”, đại biểu Phong Lan nhấn mạnh.

Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan. Ảnh: Quochoi.vn.
Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan. Ảnh: Quochoi.vn.
 

Cũng theo đại biểu đoàn TP Hồ Chí Minh, dự thảo lần trước ít ra cũng quy định là khuyến khích có những nhãn phụ, logo này. Dự thảo lần này bãi bỏ luôn với lý do sợ tốn kém cho doanh nghiệp, chi phí sản xuất tăng cao. Hiện giờ các doanh nghiệp, bớt quảng cáo, bớt tiếp thị, bớt tài trợ thì không sợ thiếu tiền đâu.

Tiếp lời ý kiến đại biểu Phong Lan, đại biểu Dương Trung Quốc (đoàn Đồng Nai) cho biết: “Qua theo dõi các phiên thảo luận liên quan luật này tôi cảm nhận chúng ta tiếp cận là sai. Tôi hoàn toàn đồng ý với ý kiến của đại biểu Phong Lan, lẽ ra chúng ta phải tiếp cận từ văn hóa. Đành rằng bản báo cáo đệ trình Quốc hội này là của Chính phủ nhưng rõ ràng dấu ấn của Bộ Y tế quá nặng theo xu hướng cực đoan”.

Toàn cảnh phiên thảo luận sáng 23/5. Ảnh: Quochoi.vn.

Toàn cảnh phiên thảo luận sáng 23/5. Ảnh: Quochoi.vn.

Đại biểu Dương Trung Quốc cho rằng, thực tế trong thơ ca Việt Nam có nhiều bài thơ hay về rượu. “Trong khi đó một nét văn hóa đã tồn tại bao nhiêu năm, đừng nhìn ở góc độ đó, ta sẽ mãi đi ngược lại xu thế chung lại vừa không thực tế, không khả thi”.

“Tôi tán thành ý kiến cần coi đây là luật rất cần ra lúc này, thậm chí cá nhân tôi đề nghị chế tài nặng hơn nhưng thực ra không nên coi câu chuyện sức khỏe hàng đầu mà nên coi năng lực quản lý là hàng đầu. Vấn đề của ta là né tránh cái yếu nhất của ta là năng lực quản lý, năng lực kiểm soát, kiểm soát của Nhà nước và mỗi con người tự kiểm soát mình. Từ vấn đề sản xuất, tiêu thụ, sử dụng nếu làm thế sẽ bền vững, đồng thời chúng ta vấn hạn chế được tác hại của bia rượu trên thị trường cũng như trong đời sống”, ông Dương Trung Quốc nhấn mạnh.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến tiếp thu những ý kiến đóng góp của các đại biểu. Ảnh: Quochoi.vn.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến tiếp thu những ý kiến đóng góp của các đại biểu. Ảnh: Quochoi.vn.

Trong khi đó, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết: “Cơ quan soạn thảo tiếp thu gần như toàn bộ ý kiến của các ĐBQH và ủy ban Thường vụ Quốc hội. Tính cần thiết, luật cần ban hành đáp ứng yêu cầu của cử tri phòng chống tác hại của rượu bia như TNGT, bạo lực gia đình hay các vấn đề về sức khỏe”.

“Quá trình đã gần 2 nhiệm kỳ của Quốc hội do những ý kiến khác nhau, đến giai đoạn này hầu hết các đại biểu đồng thuận với những nội dung chính. Để thực hiện Nghị quyết của TƯ về giảm tiêu thụ rượu bia. Đến nay có 155 nước trên thế giới có luật này, có nước điều chỉnh lần 2. Ban soạn thảo tiếp thu trên hướng không chỉ bảo vệ sức khỏe, nhưng cũng nhìn chung để đảm bảo sự phát triển của ngành công nghiệp rượu bia cũng như thu nhập của người sản xuất để có lộ trình thích ứng từ từ, đảm bảo tính đồng bộ thống nhất với các luật. Xin tiếp thu và mong luật ban hành sớm đáp ứng yêu cầu bức thiết cử cử tri đề ra”, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến nói thêm.

Lê Bảo

Theo Giadinh.net.vn