Bộ Công Thương chính thức đưa ra dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện để sửa đổi Quyết định 28/2014. Dự thảo đưa ra giá bán lẻ điện một giá bên cạnh phương án tính giá 5 bậc thang. Người tiêu dùng lo lắng, nếu áp dụng bán điện 1 giá như đề xuất, gánh nặng sẽ đè lên người nghèo.
Theo đó, 2 phương án biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt được Bộ Công Thương đưa ra lấy ý kiến, gồm: Phương án 1, ghép bậc 1 và bậc 2 hiện hành thành bậc 1 mới (từ 0-100 kWh), giá bậc 1 mới được giữ nguyên bằng bậc 1 hiện hành; giữ nguyên giá cho các hộ có mức sử dụng điện phổ biến từ 101-200 kWh; ghép các bậc từ 201-300 kWh với 301-400 kWh thành bậc mới; tách bậc thang trên 401 kWh thành 2 bậc mới: 401-700 kWh và trên 700 kWh.
Phương án 2, cơ cấu biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt 5 bậc như trên và giá bán lẻ điện một giá. Khách hàng sử dụng điện được quyền lựa chọn áp dụng giá sinh hoạt 5 bậc hoặc giá bán lẻ điện một giá. Trong đó, giá 4 bậc đầu tiên của biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt 5 bậc tại phương án 1 được giữ nguyên để không tác động đến các hộ sử dụng ở mức dưới 700 kWh là các khách hàng có mức thu nhập thấp hoặc trung bình.
Theo Bộ Công Thương, các phương án sửa đổi nêu trên nhằm giải quyết các vấn đề tồn tại chính hiện nay của biểu giá điện, theo hướng phù hợp hơn với thực tế sử dụng điện của các khách hàng hiện nay. Ông Trần Đình Long, Phó Chủ tịch Hội Điện lực Việt Nam cho rằng, không nên đưa ra 2 mức tính bằng 145% và 155% mức giá bán lẻ điện bình quân như dự thảo. Bởi mức giá này ở sát với mức cao của biểu giá bậc thang, chứ không phải trung bình bậc 3. Điều này sẽ khiến những người dùng ít điện bị chịu thiệt.
Có thể xem xét từ 5 bậc, giảm xuống một phương án biểu giá điện 3 bậc thang trước khi chuyển ngay xuống một giá. Điện một giá trước sau gì chúng ta cũng phải tính đến khi hoàn thiện thị trường bán lẻ điện cạnh tranh, nhưng từ đây đến khi đó còn mấy năm nữa. Do vậy, thời điểm này chưa thích hợp để áp dụng điện một giá, ông Long cho hay.
Theo ý kiến của ông Long, phương án 3 bậc sẽ bao gồm: bậc 1 từ 1-100kWh cho những gia đình khó khăn ở mức giá được hỗ trợ, bậc tiếp theo từ 101- 499 kWh với mức giá bình quân, còn lại khách hàng trên 500 kWh thì sẽ phải giá cao hơn, bởi đây là mức dùng nhiều với các hộ khá giả.
Về phía Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Hội cho hay, phương án điện 1 giá sẽ giúp người tiêu dùng có thêm quyền lựa chọn nhưng là nằm vào số ít, khoảng 20-30% với sử dụng lượng điện cao thì có lợi. Nhưng người tiêu dùng mức thấp chiếm 70-80% sẽ thiệt thòi nếu chọn phương án này do áp dụng đồng giá, dù dùng ít hay dùng nhiều.
Đánh giá về đề xuất tính tiền điện một giá, chị Nguyễn Thị Thu Hiền (Hà Đông, Hà nội) chỉ ra rằng: "Nếu áp dụng tính tiền điện 1 giá, các hộ gia đình nhỏ lẻ vốn dùng điện ít sẽ phải trả tiền điện cao hơn so với trước. Hiện tại, trung bình mỗi tháng sử và phải trả số tiền 342.738 đồng. Nhưng nếu theo giá mới 2.703 đồng/kWh (giá thấp trong khung đề nghị) thì nhà tôi phải trả là 505.410 đồng. Tính ra hộ gia đình nhỏ lẻ như tôi sẽ chịu thiệt 47% so với giá điện cũ. Rõ ràng, với cách tính tiền điện 1 giá, gánh nặng sẽ đè lên vai người thu nhập thấp. Như thế, đa số người tiêu dùng sẽ bị ảnh hưởng. Điện là mặt hàng không thể thiếu trong sinh hoạt, nên giá cả hợp lý sẽ góp một phần giúp đời sống nhân dân bớt khó khăn. Nếu tính tiền điện giá, tôi đề nghị đưa ra mức giá thấp hơn".
Theo ông Nguyễn Tiến Thỏa, Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý giá, áp dụng điện 1 giá, ngoài việc chỉ có một phần nhỏ người tiêu dùng có lợi thì cũng không tạo ra áp lực để khuyến khích tiêu dùng tiết kiệm điện trong bối cảnh nguồn cung điện đang gặp khó.
Là một khách hàng của ngành điện, anh Đỗ Mạnh Hưng (Vinh, Nghệ An) cho rằng, giá bán lẻ điện bình quân hiện là 1.864 đồng/kWh ý nghĩa của nó là người sử dụng nhiều sẽ bù cho người sử dụng ít để có giá bình quân đồng nghĩa với giá bán điện một giá. Nhưng khi đề xuất bán điện 1 giá, giá bán điện một giá cao hơn giá bán điện bình quân tới 155%. "Từ trước đến nay, tôi vẫn nghĩ giá bán điện cho người dùng nhiều sẽ bù cho người sử dụng ít điện để khuyến khích tiết kiệm điện. Tuy nhiên, với đề xuất giá bán điện mới của Bộ Công thương, tôi thấy giá bán điện sinh hoạt của các hộ dân đang phải bù cho giá bán điện đối tượng khác: kinh doanh, sản xuất, hành chính…. Trong khi đó, lẽ ra sản xuất, kinh doanh lời ăn lỗ chịu, hành chính sự nghiệp được hạch toán vào chi phí. Vì vậy, nếu điều chỉnh giá điện phải điều chỉnh lại giá bán điện cho nhóm đối tương sản xuất, kinh doanh, hành chính sự nghiệp thay cho việc điều chỉnh giá bán điện sinh hoạt", anh Hưng nhấn mạnh.