Sở Công Thương TP.HCM vừa có đề xuất Sở Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị UBND TP chấp thuận chủ trương hỗ trợ trực tiếp bằng Ngân sách Nhà nước đối với thương nhân kinh doanh tại các chợ trên địa bàn.
Theo đó, thời gian hỗ trợ từ tháng 7 đến hết tháng 12 năm nay, với mức hỗ trợ theo từng hạng chợ tương ứng bằng 50% mức thu phí chợ tối đa.
Lý do mà Sở Công Thương TP đưa ra là mãi lực tại các chợ truyền thống có xu hướng ngày càng giảm, thương nhân gặp nhiều khó khăn do tác động của dịch Covid-19.
Cụ thể, 14 chợ hạng 1 có mức hỗ trợ 100.000 đồng/m2/tháng; 52 chợ hạng 2 có mức hỗ trợ 70.000 đồng/m2/tháng; 168 chợ hạng 3 có mức hỗ trợ 50.000 đồng/m2/tháng.
Với tổng cộng gần 60.000 điểm kinh doanh trên toàn địa bàn (tính đến tháng 8/2019 trước khi có dịch Covid-19), Sở Công Thương TP dự toán tổng kinh phí hỗ trợ hơn 76 tỉ đồng.
Đối tượng nhân hỗ trợ theo Sở Công Thương TP.HCM là các cá nhân, tổ chức có điểm kinh doanh, quầy hàng, sạp hàng, kiot, cửa hàng được bố trí trong phạm vi chợ, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính đối với đơn vị quản lý chợ và nghĩa vụ thuế đối với Nhà nước, có mã số thuế và theo danh sách thương nhân kinh doanh tại chợ. Phạm vi áp dụng của gói hỗ trợ này là tất cả chợ truyền thống trên địa bàn TP, bao gồm chợ đầu tư bằng ngân sách lẫn nguồn vốn ngoài ngân sách.
Trước đó, Sở LĐTB&XH TP.HCM đã có văn bản tham mưu với Thường trực UBND TP có tờ trình HĐND TP quyết nghị chi hơn 1.000 tiwr đồng để chi hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động bị ảnh hưởng của dịch Covid-19. Dự kiến, 19 gói an sinh xã hội lần thứ hai này sẽ có 6 nhóm đối tượng bị ảnh hưởng vì dịch Covid-19 được hỗ trợ.
Các nhóm đối tượng nằm trong 19 gói an sinh xã hội gồm: Người lao động bị ngừng việc, hoãn việc do doanh nghiệp gặp khó khăn vì dịch Covid-19 sẽ được hỗ trợ 3 triệu đồng/người/lần (trong 3 tháng 5, 6 và 7). Lao động nữ đang mang thai và lao động nữ đang nuôi con chưa đủ 6 tuổi thì được hỗ trợ thêm 1 triệu đồng/người. Theo thống kê, từ UBND thành phố Thủ Đức và các quận – huyện và các đơn vị sở, ngành trên địa ban TP hiện có khoảng 42.500 người ở 1.365 doanh nghiệp được hưởng hỗ trợ này.
Với giáo viên, nhân viên (kể cả bảo mẫu) làm việc tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp dân lập, tư thục, cơ sở giáo dục dân lập, tư thục, cơ sở giáo dục công lập tự đảm bảo chi thường xuyên ở các cấp mầm non, mẫu giáo, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, mức hỗ trợ một lần là 2 triệu đồng/người.
Đồng thời, đối với doanh nghiệp gặp khó khăn sẽ được xem xét cho vay lãi suất ưu đãi để phục hồi sản xuất với hạn mức vay là 4,42 triệu đồng/người lao động đang làm việc tại doanh nghiệp (tương đương với mức lương tối thiểu vùng của TP). Mức lãi suất cho vay là 0%, người sử dụng lao động không phải bảo đảm tiền vay. Thời hạn vay tối đa 12 tháng. Có khoảng 410 doanh nghiệp với 12.500 lao động thuộc diện này.
Người lao động chấm dứt hợp đồng lao động (nhưng không đủ điều kiện hưởng bảo hiểm thất nghiệp) do doanh nghiệp gặp khó khăn sẽ được hỗ trợ mức 2 triệu đồng/người/lần. Có khoảng 3.000 người thuộc đối tượng này.
Nguồn: https://kinhtemoitruong.vn/de-xuat-ho-tro-tieu-thuong-cac-cho-tphcm-anh-huong-do-covid-19-56408.html