DN siêu nhỏ và nhỏ bị ảnh hưởng nặng nhất
Thông tin trên được đưa ra tại buổi công bố Báo cáo "Tác động của dịch bệnh Covid-19 đối với DN Việt Nam - Một số phát hiện chính từ điều tra DN năm 2020" do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam tổ chức ngày 12/3.
Báo cáo được xây dựng dựa trên kết quả khảo sát hơn 10.000 doanh nghiệp tại 63 tỉnh, thành phố trên cả nước trong năm 2020.
Trong số các nhóm DN, đối tượng chịu ảnh hưởng tiêu cực nhiều hơn cả là các DN mới hoạt động dưới 3 năm và các DN có quy mô siêu nhỏ, nhỏ. Tác động của dịch Covid-19 với DN ở một số ngành là đặc biệt lớn: May mặc (97%), thông tin truyền thông (96%), sản xuất thiết bị điện (94%)… DN FDI trong một số ngành có tỷ lệ chịu ảnh hưởng tiêu cực cao gồm: Bất động sản (100%), thông tin truyền thông (97%), nông nghiệp/thuỷ sản (95%)…
Covid-19 tác động đến DN tại Việt Nam trên nhiều phương diện. Đa số DN cho biết dịch Covid-19 đã ảnh hưởng tới việc tiếp cận khách hàng, bị ảnh hưởng về dòng tiền và ảnh hưởng tới vấn đề nhân công, NLĐ của doanh nghiệp. Chuỗi cung ứng của nhiều doanh nghiệp đã bị gián đoạn. Nhiều trường hợp cho biết bị gián đoạn, ngưng trệ hoạt động, thậm chí dừng hoạt động do tình hình dịch và đứng trước bờ vực phá sản bởi thị trường giảm cầu đột ngột, dẫn tới giảm doanh thu cũng như vấp phải những rủi ro về thu hồi nợ, mất khả năng thanh toán.… Ảnh hưởng từ dịch tác động nghiêm trọng tới doanh thu của các doanh nghiệp trong năm 2020. Cụ thể, 65% doanh nghiệp tư nhân và 62% doanh nghiệp FDI cho biết, doanh thu bị giảm so với năm 2019.
Nhiều chính sách hỗ trợ DN
Trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn, dù ngân sách nhà nước rất eo hẹp, nhưng Chính phủ Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp chịu tác động do dịch Covid-19. Ngay từ thời kỳ đầu dịch bùng phát, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 04/03/2020 về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với đại dịch Covid-19. Sau đó, Chính phủ đã ban hành Nghị định 41/2020/NĐ-CP ngày 8/4/2020 về gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất, Nghị quyết số 42/2020/NQ-CP ngày 9/4/2020 về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19, Nghị quyết số154/NQ-CP và Quyết định số 32/2020/QĐ-TTg...
Theo kết quả rà soát của VCCI tính tới đầu tháng 12/2020, để thực hiện Chỉ thị 11, các bộ, ngành, địa phương đã nhanh chóng vào cuộc và ban hành khoảng 95 văn bản về các biện pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh của DN. Các gói hỗ trợ lớn bao gồm: Chính sách tiền tệ, trọng tâm là cơ cấu lại nợ, miễn, giảm lãi suất, hỗ trợ tín dụng, có quy mô 250 nghìn tỷ đồng,chính sách hỗ trợ bảo đảm an sinh xã hội với quy mô 62 nghìn tỷ đồng; chính sách tài khóa, trọng tâm là gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất, với quy mô 180 nghìn tỷ đồng và chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trả lương cho NLĐ 16 nghìn tỷ đồng.
Đánh giá về tính hữu ích của một số chính sách, các DN đánh giá cao các chính sách tài khóa như: Giãn, hoãn thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập, tiền thuê đất, các chính sách nới lỏng về tín dụng của các ngân hàng…75% doanh nghiệp cho rằng, các chính sách hỗ trợ của chính phủ là hữu ích. Tuy nhiên, theo cộng đồng DN việc tiếp cận các chính sách vẫn còn nhiều rào cản, do đó cần có chương trình cụ thể để thúc đẩy thực thi các chính sách hỗ trợ đem lại hiệu quả thiết thực.
Thừa nhận vấn đề thực thi chính sách bao giờ cũng là khâu yếu nhất, Chủ tịch Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc cho rằng, cần ưu tiên cải thiện năng lực thực thi. Để nâng cao hiệu quả các bộ, ngành, chính quyền các địa phương cần tăng cường phổ biến, tuyên truyền các chính sách hỗ trợ để tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp. Trong đó, cần có những hướng dẫn cụ thể, chi tiết và đầy đủ về các thủ tục, quy trình thực hiện theo hướng đơn giản, dễ thực thiện đối với các doanh nghiệp. Đối với các chính sách đã ban hành, các bộ, ngành, chính quyền địa phương cần chủ động nắm bắt tình hình triển khai, đặc biệt là những vướng mắc, bất cập trong quá trình thực hiện để điều chỉnh hoặc kiến nghị điều chỉnh kịp thời và các cách thức hỗ trợ phù hợp với các doanh nghiệp ở từng ngành hàng, lĩnh vực và từng giai đoạn. Chú trọng các doanh nghiệp thuộc các ngành bị tổn thương nặng nề bởi dịch Covid-19. Đặc biệt là các DN có quy mô nhỏ, siêu nhỏ bởi khả năng chống chịu kém của nhóm DN này.
Mở ra nhiều cơ hội
Báo cáo cũng chỉ ra rằng, đại dịch Covid-19 đang tạo cho Việt Nam nhiều cơ hội, khi các quốc gia đối tác lớn như Nhật, Mỹ, EU, Úc...đang tìm kiếm nơi để chuyển một phần nguồn cung cho các chuỗi của họ ra khỏi Trung Quốc.Với một số FTA thế hệ mới như CPTPP và EVFTA, Việt Nam càng có cơ hội được chọn, nếu Chính phủ có chính sách, mục tiêu rõ ràng nhằm khuyến khích, tạo điều kiện cho DN Việt Nam và thu hút đầu tư từ các đối tác trên vào những ngành nghề, lĩnh vực ưu tiên.
Theo đó, báo cáo khuyến nghị, Chính phủ cần có chính sách tạo thuận lợi hơn cho các DN tư nhân Việt Nam trụ lại được và có khả năng vượt lên sau dịch Covid-19, đặc biệt về đổi mới sáng tạo, đào tạo nhân lực chất lượng cao, sẵn sàng cho cuộc cạnh tranh mới.
Các bộ, ngành có liên quan cần nghiên cứu, kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành các gói chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và mở rộng đầu tư kinh doanh cho giai đoạn mới 2021 - 2025. Bởi theo dự báo, đại dịch Covid-19 vẫn tiếp tục có những tác động nghiêm trọng trên phạm vi toàn cầu trong thời gian tới, do vậy cần có những chính sách mang tính dài hạn hơn.
Bên cạnh đó, Chính phủ cũng cần lan toả và nhân rộng các mô hình, cách làm tốt trong việc ứng phó với đại dịch Covid-19. Đối với các bộ, ngành, chính quyền địa phương, đó là kinh nghiệm trong việc triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ DN. Đối với các hiệp hội DN, cần chia sẻ cách thức ứng phó hiệu quả dịch Covid-19 từ những DN đã tồn tại và phát triển được trong bối cảnh khó khăn của đại dịch Covid-19, nhất là những bài học về lựa chọn thị trường, đối tác, quan hệ kinh doanh, về đầu tư xây dựng "nội lực" cốt lõi của DN để tăng khả năng chống chịu với các cú sốc…
Báo cáo cho thấy, đa số DN mong muốn Chính phủ tiếp tục thực hiện các giải pháp hỗ trợ DN ảnh hưởng bởi dịch bệnh, kéo dài chính sách miễn giảm thuế thu nhập DN, giãn thuế, gia hạn nộp thuế, giảm gia hạn các khoản đóng BHXH, phí công đoàn trong năm 2021 và 2022.
Nguồn: https://baodansinh.vn/gan-90-doanh-nghiep-bi-anh-huong-boi-covid-19-20210312160425819.htm?fbclid=IwAR2RzI4w0hAc3-OWBeE_PargqMO8katjrkd9oIjmTCXTVxYPmPMTnIesrwI