Theo đó, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) bày tỏ quan điểm đồng tình với tính cần thiết và cấp thiết của việc ban hành Nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng và thuế giá trị gia tăng đối với xăng dầu và trao thẩm quyền cho Uỷ ban Thường vụ Quốc hội quyết định mức giảm cụ thể tuỳ điều kiện thực tế.

"Quy định này sẽ tạo điều kiện để Quốc hội, Chính phủ phản ứng nhanh hơn, kịp thời hơn trong việc hạn chế các tác động tiêu cực của việc tăng giá xăng dầu đối với doanh nghiệp và nền kinh tế. Đây là kiến nghị đã được nhiều doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp phản ánh với VCCI trong thời gian qua", VCCI đánh giá.

VCCI đề nghị giảm toàn bộ thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng. (Ảnh minh họa: Internet)
VCCI đề nghị giảm toàn bộ thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng. (Ảnh minh họa: Internet)

Về lâu dài, VCCI đề nghị Bộ Tài chính tiếp tục xem xét nghiên cứu, đánh giá tác động của chính sách miễn giảm toàn bộ thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng xăng như VCCI đã nêu tại công văn số 0915/PTM-PC ngày 21-6-2022 với thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và đây có thể là phương án sử dụng trong trường hợp giá xăng trên thế giới tăng cao bất thường.

VCCI đánh giá chính sách giảm 50% thuế tiêu thụ đặc biệt như đề xuất hiện nay của Bộ Tài chính đã tích cực nhưng có thể phương án miễn giảm toàn bộ thuế tiêu thụ đặc biệt sẽ cần thiết trong bối cảnh thế giới có rất nhiều những yếu tố bất ổn có thể xảy ra trong thời gian tới.

Cách đây ít ngày, Bộ Tài chính công bố lấy ý kiến góp ý của nhân dân với dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng và thuế giá trị gia tăng đối với xăng, dầu.

Theo đó, Bộ Tài chính đề xuất giảm tối đa 50% mức thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng (bao gồm cả xăng E5, E10) và giảm tối đa 50% mức thuế giá trị gia tăng đối với xăng các loại, nhiên liệu bay, dầu diesel, dầu hỏa, dầu mazut, dầu nhờn, mỡ nhờn...

Tính toán của cơ quan này cho thấy, ngân sách dự kiến giảm 7.430-12.186 tỷ đồng từ việc giảm hai loại thuế trong nửa năm. Tính thêm việc giảm thuế bảo vệ môi trường trước đó, ngân sách dự kiến hụt thu 40.890 - 45.642 tỷ đồng.

Đồng thời giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định mức giảm cụ thể thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng và thuế giá trị gia tăng đối với xăng dầu cũng như thời gian áp dụng giảm thuế cụ thể trong trường hợp giá xăng, dầu thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, tăng cao hoặc vẫn ở mức cao, tác động đến chỉ số lạm phát, kinh tế vĩ mô, sinh kế, đời sống người dân và tăng trưởng kinh tế.

Hiện trong cơ cấu giá bán lẻ xăng dầu có 4 loại thuế: nhập khẩu, bảo vệ môi trường, tiêu thụ đặc biệt và giá trị gia tăng. Ngoài ra còn có các loại chi phí, như lợi nhuận định mức, chi phí định mức, vận chuyển... chiếm khoảng 5-6%.

Thuế tiêu thụ đặc biệt trên mỗi lít xăng hiện nay (dầu không chịu thuế tiêu thụ đặc biệt) là 10%, nếu giảm một nửa thuế như đề xuất của Bộ Tài chính, mức thuế suất áp trên mỗi lít xăng là 5%.

Trước đó, nhiều chuyên gia kinh tế đã khuyến nghị thuế tiêu thụ đặc biệt là loại thuế được áp dụng với các mặt hàng xa xỉ, không khuyến khích tiêu dùng như thuốc lá, rượu bia, xe sang..., xăng là mặt hàng tiêu dùng phổ biến, thiết yếu trong sản xuất, tiêu dùng nên cần xem xét lại việc đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với mặt hàng này.

Giá xăng, dầu trong nước đã qua 25 đợt điều chỉnh từ đầu năm đến nay, trong đó xăng giảm 11 lần và 14 lần tăng; dầu 12 lần giảm và 13 lần tăng giá. Hiện mỗi lít xăng RON 95-III ở mức 22.580 đồng, dầu diesel là 22.530 đồng.

Không nên giảm thuế giá trị gia tăng với xăng dầu

Ông Nguyễn Văn Phụng - Nguyên Cục trưởng Cục Thuế doanh nghiệp lớn (Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính) cho biết: Thời gian qua, Chính phủ đã áp dụng nhiều biện pháp đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, như sử dụng công cụ thuế đối với xăng dầu.

Cụ thể, hạ mức thuế bảo vệ môi trường xuống mức sàn. Trong tháng 6/2022, Bộ Tài chính nghiên cứu giảm thêm thuế với xăng dầu như thuế xuất nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng.

"Theo quan điểm của tôi, thuế giá trị gia tăng cần phải giữ. Bởi đây là mức thuế có tác động liên ngành, liên vùng, là đầu vào - đầu ra của nhiều ngành, lĩnh vực kinh tế. Nhiều quốc gia trên thế giới họ rất kiêng kị điều chỉnh thuế giá trị gia tăng. Chúng ta có thể hạ thuế bảo vệ môi trường, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế nhập khẩu", ông Phụng nói.

Ông Phụng cũng cho biết, thuế không phải chìa khoá vạn năng để mở mọi cánh cửa; thuế cũng không phải là cây đũa thần giải quyết được mọi mâm cỗ. Muốn ổn định kinh tế vĩ mô, phải có chính sách thuế hợp lý, chứ không phải cứ giá tăng lên là giảm thuế, bỏ thuế.

"Chúng ta phải nghiên cứu kỹ lưỡng cần hạ những thuế nào trong điều kiện phù hợp với thẩm quyền của các cấp thì mới xử lý được. Ví dụ, giảm thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt thì thẩm quyền của Quốc hội, thuế bảo vệ môi trường cũng đã giảm kịch khung, nếu muốn giảm tiếp, thẩm quyền cũng của Quốc hội.

Bên cạnh tính toán giảm thuế, chúng ta còn công cụ Quỹ bình ổn giá xăng dầu để đảm bảo cho việc điều hành kinh tế vĩ mô, cho sản xuất kinh doanh. Những lúc giá dầu căng thẳng như hiện nay - cần phải sử dụng linh hoạt nhiều công cụ. Từ việc giảm thuế, Quỹ bình ổn giá đến công cụ hành chính trong điều hành thị trường", ông nói.

Theo Kinhtemoitruong.vn

Nguồn: https://kinhtemoitruong.vn/vcci-de-xuat-mien-giam-hoan-toan-thue-tieu-thu-dac-biet-voi-xang-71656.html