Từ năm 2016 đến nay, TP Hà Nội đã tổ chức nhiều Hội nghị hợp tác đầu tư và phát triển”, ông có thể cho biết kết quả thu được từ những hội nghị này?
- Từ năm 2016 đến nay thông qua việc tổ chức các hội nghị, TP Hà Nội đã thu được rất nhiều kết quả trong việc thu hút vốn đầu tư trong nước và quốc tế. Cụ thể năm 2016, thông qua hội nghị đã thu hút đầu tư 23 dự án với tổng vốn đầu tư 36.919 tỷ đồng; Năm 2017 đã thu hút 74.369 tỷ đồng đầu tư 48 dự án. Năm 2018, thu hút đầu tư 71 dự án với tổng vốn đầu tư 397.000 tỷ đồng.
Đặc biệt tại Hội nghị “Hà Nội 2018 - Hợp tác, Đầu tư và Phát triển” đã trở thành tiền đề cho TP Hà Nội trong 2 năm 2018 - 2019 đứng đầu cả nước trong việc thu hút vốn đầu tư. Cụ thể năm 2019, vốn đầu tư nước ngoài đăng ký trong năm đạt 8,669 tỷ USD, cao nhất sau năm 30 năm mở cửa và hội nhập.
Trong đó, vốn đầu tư thực hiện trong năm 2019 đạt 6,9 tỷ USD, đạt 79,6% vốn đầu tư đăng ký trong năm (tăng 3 lần so với năm 2018). Hiện nay, Nhật Bản là quốc gia đứng đầu về quy mô vốn đầu tư với 10,9 tỷ USD; tiếp đến là Singapore với khoảng 8,2 tỷ USD; đứng thứ 3 là Hàn Quốc với 6,3 tỷ USD. Quy mô đăng ký trung bình là 7,6 triệu USD/1 dự án.
Thủ tướng chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, cùng lãnh đạo TP Hà Nội và các đại biểu tại lễ khởi công dự án Thành phố thông minh trên địa bàn huyện Đông Anh. Ảnh: Quang Hiếu |
Có thể thấy kết quả thu hút đầu tư, nhất là thu hút đầu tư nước ngoài có sự tăng trưởng rõ rệt. Đây là kết quả của sự nỗ lực của lãnh đạo TP Hà Nội, đặc biệt là trong công tác xúc tiến đầu tư đã xác định rõ mục tiêu, rõ lĩnh vực cần thu hút, đối tác, các nhà đầu tư tiềm năng để kêu gọi đầu tư.
Hội nghị “Hà Nội 2020 - Hợp tác, Đầu tư và Phát triển” được tổ chức sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát thể hiện quyết tâm Hà Nội là địa phương tiên phong đi đầu trong phục hồi và phát triển kinh tế sau dịch. Ông có thể làm rõ hơn về những giải pháp đổi mới hình thức xúc tiến thông qua việc tổ chức hội nghị?
- Hội nghị “Hà Nội 2020 - Hợp tác, Đầu tư và Phát triển” được tổ chức ngay sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát và cơ bản bị đẩy lùi là thông điệp mạnh mẽ của TP Hà Nội nói riêng, cả nước nói chung nhằm thu hút nguồn lực đầu tư trong và ngoài nước. Qua Hội nghị, TP Hà Nội tiếp tục thể hiện quyết tâm là địa phương tiên phong đi đầu trong hồi phục và phát triển kinh tế sau dịch bệnh trong năm 2020. Đồng thời cũng là giải pháp nhằm tập trung đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện mạnh mẽ hơn nữa môi trường đầu tư, kinh doanh để kêu gọi đầu tư, thúc đẩy tăng trưởng, phấn đấu năm 2020 tốc độ tăng trưởng kinh tế cao hơn 1,3 lần tốc độ tăng trưởng của cả nước.
Tại hội nghị này, các nhà đầu tư, DN, đại diện các đại sứ quán, cơ quan tham tán thương mại, các nhà đầu tư nước ngoài, các hiệp hội, tổ chức của Việt Nam và quốc tế sẽ có cơ hội quảng bá, tìm hiểu tiềm năng, cơ hội đầu tư vào Thủ đô và các Vùng Kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, Đồng bằng sông Hồng và Vùng Thủ đô…
Qua đó, tạo sức lan tỏa về công nghệ, sáng tạo trong toàn Vùng, góp phần hạn chế tình trạng đầu tư manh mún, dàn trải. Đồng thời triển khai hiệu quả chỉ đạo của Chính phủ về việc triển khai các kế hoạch, chương trình, biên bản hợp tác nhằm thúc đẩy phát triển, liên kết vùng.
Dự kiến có 1.850 đại biểu, trong đó có 1.200 nhà đầu tư, DN trong nước và nước ngoài tham gia; Nhiều DN tham dự để nhận quyết định chủ trương đầu tư dự án hoặc đề xuất đầu tư dự án mới trên địa bàn Hà Nội. Dự kiến tại hội nghị, TP Hà Nội sẽ trao quyết định chủ trương đầu tư cho 116 dự án với tổng vốn đầu tư 339.670 tỷ đồng (tương đương 15,5 tỷ USD) với số vốn tăng thêm trên 266.229 tỷ đồng (tương đương 12 tỷ USD). Đồng thời lãnh đạo TP Hà Nội sẽ ký 36 biên bản ghi nhớ hợp tác (MOU) với các tổ chức, DN, nhà đầu tư với tổng giá trị 26,079 tỷ USD, trong đó có 23 MOU của các DN trong nước (17,855 tỷ USD) và 13 MOU của DN đầu tư nước ngoài (8,224 tỷ USD).
UBND TP Hà Nội cũng sẽ công bố tại hội nghị danh mục 282 dự án xúc tiến, kêu gọi đầu tư với tổng số vốn 483,1 nghìn tỷ đồng (tương ứng 21,66 tỷ USD) trong 8 lĩnh vực đầu tư cụ thể: 151 dự án công nghiệp, thương mại, dịch vụ; 34 dự án hạ tầng kỹ thuật; 45 dự án hạ tầng xã hội; 9 dự án môi trường; 13 dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ; 10 dự án phát triển nhà ở; 15 dự án nông nghiệp; 5 dự án phát triển đô thị trên tuyến đường Võ Nguyên Giáp (Nhật Tân- Nội Bài).
Để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế hậu Covid-19, phấn đấu năm 2020 tốc độ tăng trưởng kinh tế cao hơn 1,3 lần tốc độ tăng trưởng của cả nước, TP Hà Nội sẽ triển khai những giải pháp gì nhằm đạt được mục tiêu đề ra?
- Cùng với việc kiểm soát dịch Covid-19, TP Hà Nội quyết liệt triển khai các biện pháp phục hồi sản xuất, kinh doanh thúc đẩy tăng trưởng, như: Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, khuyến khích khởi nghiệp, khởi nghiệp sáng tạo, phát triển DN, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế…
TP đã tập trung đổi mới phương thức chỉ đạo điều hành theo phương châm “5 rõ” (rõ người, rõ việc, rõ quy trình, rõ trách nhiệm và rõ hiệu quả), “Một việc - một đầu mối xuyên suốt”. Đặc biệt, TP yêu cầu nâng cao hơn nữa ý thức trách nhiệm trong công việc của mỗi cán bộ, công chức, theo tinh thần tập trung tháo gỡ khó khăn, phục vụ người dân, DN.
Hà Nội đang triển khai cách làm mới trong xúc tiến đầu tư, điều này sẽ được cụ thể hóa như thế nào trong việc kêu gọi vốn đầu tư, thưa ông?
- Cụ thể với các giải pháp thực hiện công tác xúc tiến đầu tư, TP Hà Nội quyết tâm xây dựng nền hành chính phục vụ, đồng hành cùng DN, không ngừng cải thiện môi trường đầu tư, cải cách hành chính, tháo gỡ khó khăn cho các nhà đầu tư. Đồng thời tiếp tục đổi mới công tác xúc tiến đầu tư, gắn kết với xúc tiến thương mại, du lịch; Tổ chức kích cầu thị trường nội địa; Kết nối sản xuất - tiêu thụ theo chuỗi; Hoàn thành danh mục dự án kêu gọi đầu tư giai đoạn 2021 - 2025, làm cơ sở triển khai các hoạt động xúc tiến đầu tư, đáp ứng mục tiêu thu hút đầu tư trong thời gian tới của TP Hà Nội.
Xin cảm ơn ông!
Năm 2020, thông qua việc tập trung cải thiện môi trường đầu tư, TP Hà Nội phấn đấu thu hút trên 5 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài. Hoạt động xúc tiến đầu tư cũng sẽ hướng tới các thị trường mới, đặc biệt là các quốc gia tham gia Hiệp định thương mại tự do như: Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA). |