Thiệt hại hàng ngàn tỷ đồng, nhiều doanh nghiệp bên bờ vực phá sản

Sáng 12/3, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì cuộc làm việc với các tập đoàn kinh tế tư nhân nhằm huy động hiến kế sáng tạo, chủ động và đóng góp cho kinh tế tư nhân đối với sự phát triển đất nước trong bối cảnh đại dịch Covid-19 lây lan trên toàn cầu.

Trước hàng loạt khó khăn do ảnh hưởng từ dịch Covid-19 các doanh nghiệp đã nêu lên những khó khăn trong kinh doanh. Đặc biệt, kịch bản xấu có thể xảy ra nếu tình hình dịch bệnh kéo dài và không có các giải pháp hiệu quả hỗ trợ, sắp đến doanh nghiệp có nguy cơ dừng sản xuất, thậm chí phá sản trên diện rộng.

Chia sẻ tại buổi gặp gỡ, bà Nguyễn Thị Nga, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn BRG cho biết, từ khi phát sinh dịch, 12.000 buồng phòng của đơn vị đã bị hủy. Theo đó, chủ tịch Tập đoàn BRG cũng đưa ra một số đề xuất liên quan tới thuế giá trị gia tăng (GTGT), thuế thuê đất..., bao gồm nộp thuế GTGT chậm 9 tháng đến 1 năm, giảm 50% thuế GTGT, gia hạn nộp thuế 12 tháng đối với các khoản nộp thuế GTGT của các tháng 2, 3, 4, 5, 6; đề xuất gia hạn nộp tiền thuê đất 12 tháng.

Đối với nhóm doanh nghiệp ngành du lịch, đại diện Sun Group cho biết, dịch vụ vui chơi giải trí chiếm 70% doanh thu nhưng 2 tháng đầu năm giảm tới 2 triệu lượt khách và có thể sau nửa đầu năm, số khách giảm lên tới 7 triệu. Riêng mảng này, Sun Group dự kiến giảm doanh thu 2.000 tỷ đồng.

Bất động sản du lịch bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi Covid-19

Tỷ lệ khách lấp đầy tại các khu nghỉ dưỡng, khách sạn cũng giảm mạnh, chỉ còn 10 - 20%. Do đó, Tập đoàn buộc lùi tiến độ khai trương loạt công trình và phải tạm đóng cửa một số khu vực.

Do đó, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này cho rằng, các biện pháp của Chính phủ về giảm bớt luồng khách từ nước ngoài là cần thiết bởi, “chống được dịch, ổn định tâm lý, có môi trường an toàn thì du khách mới an tâm, mới đi du lịch”, như ý kiến của đại diện Vietravel, công ty vừa đưa ra chương trình “Việt Nam an toàn”. Hiện sức nén tâm lý trong dịch rất lớn thì sau dịch, cần có biện pháp truyền thông “giải tỏa tâm lý”, doanh nghiệp góp ý.

Theo kết quả khảo sát 1.200 doanh nghiệp về tình hình Covid-19 mới đây của Ban nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV, thuộc Hội đồng tư vấn Cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ), nếu dịch bệnh kéo dài tới 6 tháng thì có khoảng 74% số doanh nghiệp trả lời có nguy cơ phá sản do doanh thu không thể bù đắp chi phí hoạt động, chi lương cho người lao động, chi trả tiền lãi vay ngân hàng, chi phí thuê mặt bằng cho hoạt động sản xuất kinh doanh cùng các chi phí khác.

Hiện giải pháp mà doanh nghiệp thực hiện phổ biến là cắt giảm lao động (gần 39%), tiếp theo là cắt giảm chi phí (21%), tạm dừng kinh doanh (4%) và cho nhân viên nghỉ không lương (khoảng 4%).

Đáng chú ý có khoảng 19% số doanh nghiệp trả lời khảo sát nhanh hiện chưa có giải pháp gì để ứng phó với những ảnh hưởng tiêu cực của dịch bệnh.

Nhưng ngược lại cũng có nhiều doanh nghiệp tư duy tích cực bằng cách phản ứng chủ động và sáng tạo, chẳng hạn như tích cực tìm thị trường mới (7,2%), nâng cao chất lượng phục vụ (2,4%) hay tranh thủ thời gian đào tạo lại nhân viên (1,7%).

Các doanh nghiệp cũng đồng thời đề xuất một số kiến nghị lên Chính phủ, chủ yếu tập trung nhiều nhất vào giải pháp giảm thuế, chậm nộp thuế và bảo hiểm xã hội, hỗ trợ vay vốn ưu đãi, giảm lãi suất các khoản vay, khoanh nợ và giãn thời gian trả nợ.

Tìm cơ hội trong thách thức

Tại buổi gặp gỡ với Thủ tướng, các tập đoàn đều thể hiện đồng tình, ủng hộ, nỗ lực thực hiện mục tiêu kép mà Thủ tướng đề ra: Vừa chống dịch tốt, vừa phát triển sản xuất kinh doanh.

Ông Nguyễn Đăng Quang, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tập đoàn Masan chia sẻ, nỗi sợ thường làm tê liệt con người, tổ chức, nền kinh tế và gây ra thiệt hại nặng nề.

“Nếu chỉ nghĩ trời mưa thì sẽ thua. Còn nếu nghĩ thiệt mình thì thiệt người, lợi mình cũng lợi người lại có thể tìm ra thời cơ”, ông Quang nói.

Trong khi đó chủ tịch HĐQT Tập đoàn BRG cho rằng, với mỗi doanh nghiệp ưu tiên lúc này là ổn định đội ngũ, ổn định xã hội bằng cách đáp ứng các nhu cầu tối thiểu. Và quan trọng, cần một đội trưởng để điều phối.

Bà phân tích, trước đây người Việt Nam vẫn quen với các thị trường truyền thống, đi mua phải “tận mặt, tận nơi”, thì khi dịch xảy ra sẽ là cơ hội của thị trường trực tuyến. Khủng hoảng luôn là động lực kích hoạt sự thay đổi và mảng online sẽ có bước phát triển lớn.

Bà Nga cho hay: “Trong 2 tháng vừa qua, chuỗi cung ứng bị sập, đây là cơ hội cho Việt Nam. Làm sao đưa đi xuất khẩu các mặt hàng nông sản đang tồn trên từng mảnh ruộng của người dân. Mặt khác, có thể tận dụng chiếm lĩnh thị trường khi các doanh nghiệp có trụ sở tại Trung Quốc đang dao động, làm sao để họ dịch chuyển sang Việt Nam… Cuối cùng, các doanh nghiệp Việt Nam phải làm sao kết hợp được với nhau để tạo thành các chuỗi lớn”.

Bà Nguyễn Thị Nga, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn BRG

Chủ tịch HĐQT Tập đoàn THACO Trần Bá Dương cho rằng, các địa phương cũng cần học tinh thần của Thủ tướng, mời các doanh nghiệp đến lắng nghe ý kiến, hiến kế, vừa về biện pháp chống dịch, vừa tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho sản xuất kinh doanh.

Sự đồng hành, chia sẻ giữa chính quyền, cộng đồng doanh nghiệp và người dân là hết sức cần thiết, nhất là trong bối cảnh có dịch bệnh.

Ông cho biết, trong khó khăn nhưng vẫn có cơ hội cho doanh nghiệp đầu tư phát triển, trong đó có lĩnh vực nông nghiệp, vì thế, THACO đã chuyển hướng đầu tư vào lĩnh vực này.

Không chỉ kiến nghị sự hỗ trợ, có tập đoàn hoạt động trong lĩnh vực ngân hàng khẳng định, sẵn sàng chia sẻ khó khăn với Nhà nước, có thể trích bớt lợi nhuận để giảm lãi suất.

Chia sẻ với khó khăn của các doanh nghiệp, Thủ tướng nói: “Dịch khiến chúng ta khó khăn gấp đôi, thì phải cố gắng gấp ba”. Thủ tướng cho biết Chính phủ sẽ có một chương trình hỗ trợ doanh nghiệp toàn diện, tổng thể về thuế, phí, bảo hiểm... với những ngành, lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nề. Một chương trình phục hồi kinh tế toàn diện sau dịch bệnh cũng được Chính phủ lên kịch bản.

Thủ tướng yêu cầu Ban chỉ đạo phòng chống dịch xem lại phương pháp linh hoạt hơn, tránh cứng nhắc. Chẳng hạn, với các chuyên gia, nhà quản trị lành nghề từ các vùng an toàn tới Việt Nam thì cần xem cách thức tiếp nhận. Ngoài ra, các địa phương đối thoại, có biện pháp tháo gỡ trực tiếp cho doanh nghiệp chứ “không chỉ chờ Chính phủ làm”.

Theo An An/Reatimes