Xuất phát từ những giá trị lịch sử của di tích, UBND TP Hà Nội đã giao sở Văn hóa và Thể thao phối hợp với UBND huyện Quốc Oai tiến hành nghiên cứu, lập hồ sơ khoa học và pháp lý Đình So đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xem xét trình Thủ tướng Chính phủ quyết định xếp hạng di tích Đình So huyện Quốc Oai là di tích quốc gia đặc biệt.

Chủ tịch UBND huyện Quốc Oai Đỗ Huy Chiến cho biết trong lễ công bố quyết định của Thủ tướng Chính phủ xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt Đình So: "Việc công nhận và tôn vinh các giá trị văn hóa và lịch sử hôm nay tiếp tục cổ vũ, động viên Đảng bộ, chính quyền 2 xã nói riêng và Nhân dân trong huyện Quốc Oai nói chung. 

Huyện Quốc Oai tổ chức lễ công bố quyết định xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt. (Ảnh: Internet)

Chúng ta trân trọng giữ gìn những giá trị đã có và không ngừng phát huy để tạo dựng phát triển những giá trị tốt đẹp hơn trong tương lai. Đồng thời đề nghị, trong thời gian tới, các ngành trong huyện, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân 2 xã Cộng Hòa và Tân Hòa tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ bảo tồn và phát huy giá trị to lớn của di tích quốc gia đặc biệt này và coi đó là niềm vinh dự, tự hào và cũng là trách nhiệm lớn lao đối với sự nghiệp bảo tồn và phát huy di sản văn hóa dân tộc" - ông Đỗ Huy Chiến nhấn mạnh.

Đình So được khởi dựng vào nửa cuối thế kỷ 17. Sau đó hơn 100 năm, đình được chuyển về xây dựng lại ở vị trí hiện nay và khắc bia lưu tại đình vào năm Cảnh Hưng 43 tức năm 1782. Đình So nằm trên địa bàn 2 xã Cộng Hòa và Tân Hòa (Quốc Oai). Đình thờ 3 anh em họ Cao đã có công phù giúp vua Đinh dẹp loạn 12 sứ quân và đã trở thành những vị thần linh thiêng của làng. Đình So là một kiến trúc nổi tiếng và khá quy mô của vùng đất Phủ Quốc xưa nổi danh với câu ca: “Đẹp Đình So, to Đình Cấn”, được xây dựng theo kiểu “nội công ngoại quốc”, quy mô lớn. Sự hòa quyện giữa hai yếu tố di tích và không gian cảnh quan tạo nên nét riêng khác cho di tích Quốc gia đặc biệt Đình So.

Di tích đình So (huyện Quốc Oai, Hà Nội) - Ảnh: Internet

Ngoài ra, Di tích đình So hiện còn lưu giữ được các di vật, cổ vật có giá trị tiêu biểu như: Hai tấm bia nói về quá trình xây dựng và các đợt trùng tu đình; hệ thống tảng kê chân cột tạc theo kiểu hoa sen có trong Đại bái; đôi rồng đá được chạm khắc tỉ mỉ đặt ở hai bên bậc dẫn vào Đại bái; bộ kiệu bát cống được tạo tác rất công phu. Đặc biệt, đình còn lưu giữ được 42 đạo sắc phong của các triều đại phong kiến, sớm nhất có niên đại là năm Hoằng Định thứ 2 (1601) và muộn nhất là năm Khải Định thứ 9 (1924).

Theo Trúc An (tổng hợp)/Đô thị mới