Thích ứng với khung pháp lý mới

Thời gian qua, việc 3 Luật: Đất đai 2024, Kinh doanh bất động sản 2023, Nhà ở 2023 được thông qua và chính thức có hiệu lực từ ngày 1/8/2024 đã mang đến nhiều thay đổi quan trọng giúp tháo gỡ những vướng mắc, khơi thông và thúc đẩy nguồn cung, qua đó "hâm nóng lại" thị trường bất động sản.

VCBS cho biết, chỉ trong năm 2024, số lượng dự án nhà ở thương mại được cấp phép đã tăng vọt hơn 20% so với năm trước, tập trung chủ yếu tại các "thỏi nam châm" thu hút đầu tư là Hà Nội và TP.HCM. Kết quả này cho thấy hiệu quả rõ rệt của những quy định pháp lý mới trong việc "dọn đường" cho các dự án, từ việc giảm bớt rào cản cấp phép, đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng cho đến việc xác định tiền sử dụng đất.

Bên cạnh đó, các chính sách mới còn đặt ra những "quy tắc chơi" rõ ràng, nhấn mạnh đến sự minh bạch và chuyên nghiệp hóa thị trường. Việc xây dựng bảng giá đất sát với giá thị trường giúp "cân bằng" thị trường, hạn chế tình trạng "sốt ảo", đồng thời siết chặt hoạt động phân lô bán nền, ngăn chặn những "cơn sốt đất" thiếu kiểm soát.

Tuy nhiên, "làn gió mới" này cũng mang đến những thách thức không nhỏ cho cộng đồng doanh nghiệp. Các quy định tại Luật mới đòi hỏi doanh nghiệp phải nhanh chóng thích ứng. Việc nắm vững các quy định mới về bảng giá đất, quy hoạch sử dụng đất, điều kiện kinh doanh và giới hạn thanh toán trong mua bán bất động sản... là yếu tố then chốt để đảm bảo doanh nghiệp hoạt động kinh doanh tuân thủ pháp luật và đạt hiệu quả cao.

VCBS lưu ý rằng, những doanh nghiệp chưa có quỹ đất sạch và thiếu năng lực tài chính sẽ phải đối mặt với áp lực lớn hơn trong việc thích ứng với môi trường pháp lý mới. Đây chính là lúc các doanh nghiệp cần chủ động "nâng cấp" bản thân, tìm kiếm những giải pháp tối ưu để "vượt vũ môn", nắm bắt cơ hội và khẳng định vị thế trên thị trường bất động sản đầy tiềm năng năm 2025.

Chuyên gia VCBS nhận định: "Thị trường bất động sản Việt Nam năm 2025 không chỉ là sự khởi đầu của một chu kỳ tăng trưởng mới mà còn là bài kiểm tra khả năng thích ứng và chiến lược của cả doanh nghiệp lẫn nhà đầu tư. Theo đó, một số doanh nghiệp có thể tận dụng những thay đổi của điều kiện thị trường để bứt phá trong các năm tới. Những doanh nghiệp có sẵn quỹ đất đã sạch mặt bằng và hoàn thành nghĩa vụ tài chính sẽ có lợi thế rất lớn về giá thành và hiệu quả lợi nhuận trong giai đoạn vài năm tới. 

Về dài hạn, các doanh nghiệp cần chuyên nghiệp hóa hoạt động phát triển, kinh doanh dự án và có khả năng tạo giá trị gia tăng tốt cho quỹ đất để thu được lợi nhuận bền vững trong môi trường pháp lý và điều kiện thị trường mới".

Các bộ luật mới đã "hâm nóng lại" thị trường bất động sản. (Ảnh minh họa: Bùi Văn Doanh)

Trong bối cảnh thị trường đang bước vào giai đoạn "đại phẫu" với hàng loạt thay đổi về pháp lý, ông Nguyễn Đức Lập, Chủ tịch Hội đồng Bất động sản Việt Nam, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Đào tạo Bất động sản thẳng thắn nhấn mạnh: "Trong năm 2025, khi hành lang pháp lý siết chặt, minh bạch hơn, công cụ giám sát của Nhà nước ngày càng hiện đại và hiệu quả, doanh nghiệp bất động sản không thể "lối cũ ta về" mà buộc phải chuyển mình".

Vậy đâu là chìa khóa để tồn tại và phát triển trong "cuộc chơi" mới này?

Theo ông Lập, đó chính là sự thích ứng nhanh nhạy, tầm nhìn chiến lược và tư duy đổi mới. Doanh nghiệp cần chủ động nghiên cứu, phân tích thị trường, nắm bắt thông tin và không ngừng học hỏi để nâng cao năng lực. Đồng thời, tính chuyên nghiệp, thượng tôn pháp luật, đạo đức kinh doanh và phát triển bền vững cũng là những yếu tố then chốt quyết định sự thành bại.

Doanh nghiệp chủ động chiến lược kinh doanh

Nhận thấy tín hiệu tích cực từ thị trường và khả năng về một nhịp tăng trưởng mạnh trong năm 2025, nhiều doanh nghiệp bất động sản đã chủ động khởi động hoạt động trở lại, "dọn đường" bằng cách triển khai các chiến lược kinh doanh và tài chính hướng tới sự bài bản trong chu kỳ mới. Không chỉ đơn thuần là "chờ thời", họ đã và đang tích cực hành động để đón đầu làn sóng phục hồi. Một số doanh nghiệp mở rộng đầu tư nhằm tìm kiếm lợi nhuận. 

Đơn cử, Tổng Công ty Viglacera - CTCP (mã: VGC) vừa trở thành nhà đầu tư dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp Trấn Yên (giai đoạn I), tỉnh Yên Bái. Dự án có quy mô hơn 254ha, tổng vốn đầu tư gần 2.200 tỷ đồng.

Còn CTCP Fecon Hòa Yên được chấp thuận là nhà đầu tư dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp Hòa Yên (Bắc Giang). Dự án có mô quy gần 257ha với tổng vốn đầu tư hơn 3.745 tỷ đồng. Việc chủ động mở rộng hoạt động kinh doanh cho thấy tầm nhìn chiến lược và khả năng nhanh nhạy trong việc nắm bắt xu hướng thị trường của các doanh nghiệp này.

Bên cạnh đó, thay vì chờ đợi, nhiều chủ đầu tư đã tranh thủ mở bán các dự án ngay từ bây giờ để giải quyết bài toán vốn và thanh khoản trong năm 2025. Vingroup, Phú Long, TTC Land là những cái tên tiêu biểu cho chiến lược này. Cụ thể, Vingroup mở bán phân khu tại Khu đô thị Vinhomes Grand Park; Phú Long ra mắt hơn 400 căn hộ của dự án Essensia Sky; còn TTC Land đang truyền thông về 27 căn hộ Panomax River Villa... Một số dự án mới của nhiều chủ đầu tư cũng tạo hiệu ứng tích cực trên thị trường thời gian qua như FIATO Uptown, Eaton Park, The Opus One, King Crown Infinity, The Privia và Akari City... tại TP.HCM; hay Hanoi Melody Residences, QMS Tố Hữu, Lumiere Evergreen, The Matrix One giai đoạn 2, The Victoria… tại Hà Nội.

Nhìn nhận lạc quan về sự phục hồi của thị trường bất động sản, từ góc độ doanh nghiệp, ông Ngô Hữu Trường, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Hưng Thịnh cho rằng, sự tăng trưởng kinh tế sẽ là động lực quan trọng thúc đẩy nhu cầu bất động sản. Điển hình như tại Hà Nội, kinh tế Thủ đô dự kiến tăng trưởng khoảng 6,52% trong năm nay, quy mô GRDP đạt khoảng 58 tỷ USD. Đây là tín hiệu đáng mừng, cho thấy nền tảng kinh tế vững chắc và tiềm năng phát triển lớn của thị trường bất động sản.

Bên cạnh đó, ông Trường cũng nhấn mạnh vai trò quan trọng của các yếu tố khác như dòng vốn dồi dào từ ngân hàng, khung pháp lý hoàn thiện với bộ 3 luật liên quan đến bất động sản, cùng những chính sách vĩ mô hỗ trợ của Chính phủ. Tất cả đang tạo nên một "làn gió thuận" cho thị trường bất động sản cất cánh.

Với những dự báo lạc quan về sự phục hồi của thị trường trong năm 2025, ông Trường tin tưởng rằng ngành bất động sản sẽ bước vào một giai đoạn phát triển mới, đầy hứa hẹn.

Bà Nguyễn Hoài An, Giám đốc Cấp cao CBRE chi nhánh Hà Nội.

Ở góc độ nghiên cứu thị trường, bà Nguyễn Hoài An, Giám đốc Cấp cao CBRE chi nhánh Hà Nội dự báo trong bối cảnh mới, chủ đầu tư bất động sản sẽ hướng tới 3 xu hướng nổi bật:

Thứ nhất, các chủ đầu tư đang dần chuyển dịch từ việc tập trung vào tốc độ phát triển sang việc chú trọng nâng cao chất lượng dự án. Họ đầu tư mạnh vào tiện nghi, tiện ích, dịch vụ bảo trì, và đặc biệt là trải nghiệm sống của cư dân. Mục tiêu là tạo ra những sản phẩm không chỉ đáp ứng nhu cầu nhà ở mà còn mang đến cuộc sống tiện nghi và thoải mái cho khách hàng.

Thứ hai, xu hướng phát triển các dự án cao cấp và hạng sang sẽ tiếp tục nổi bật. Nhu cầu và thị hiếu của người mua nhà dường như có xu hướng muốn lựa chọn và sẵn sàng chi trả cho các sản phẩm nhà ở chất lượng tốt hơn. Do đó, các chủ đầu tư phải cải thiện chất lượng và tiện ích của sản phẩm để cạnh tranh. Điều này có thể tạo ra một xu hướng nâng cao chất lượng thị trường chung

Thứ ba, nhờ sự phát triển của hạ tầng giao thông, các khu vực ngoại thành đang trở thành điểm đến hấp dẫn cho các dự án bất động sản. Quỹ đất rộng lớn, giá thành hợp lý tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển các dự án quy mô lớn và đa dạng phân khúc.

Bà An nhận định: "Những xu hướng mới này cho thấy thị trường bất động sản đang trên đà chuyển mình theo hướng chuyên nghiệp và bền vững hơn. Các chủ đầu tư cũng đang nỗ lực để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng, đồng thời góp phần vào sự phát triển chung của thị trường trong tương lai"./.

Theo reatimes.vn

Nguồn: https://reatimes.vn/doanh-nghiep-bat-dong-san-viet-nam-vung-buoc-tien-vao-nam-2025-202241211140903576.htm