Theo báo cáo của hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm Bộ Y tế, đến 08h30, ngày 27/2 số ca mắc và tử vong do bệnh viêm đường hô hấp do chủng mới của virus Corona (SARS-CoV-2) trên thế giới đã tăng lên 82.147 người mắc, 2800 người tử vong.

Người cao tuổi có tỷ lệ mắc Covid-19 cao hơn

Người cao tuổi là nhóm đối tượng dễ bị lây nhiễm Covid-19 (Ảnh minh họa)

Theo WHO phân tích, người cao tuổi là một trong những nhóm đối tượng dễ nhiễm Covid-19 hơn và có nguy cơ tử vong cao hơn. Thống kê cho thấy, chiếm tỷ lệ đến 80% bệnh nhân Covid-19 tử vong ở Vũ Hán là người cao tuổi. Do đó việc cần chủ động phòng bệnh đối với người cao tuổi trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 là vô cùng quan trọng.

TS Trần Quang Thắng - Trưởng khoa Cấp cứu và đột quỵ, Bệnh viện Lão khoa T.Ư cho biết, theo thống kê mới về dịch bệnh Covid-19 gần đây, nhóm người cao tuổi nhiễm bệnh chiếm tỷ lệ cao nhất và tỷ lệ tử vong cũng cao. Bởi theo nghiên cứu của Viện Lão khoa, họ là nhóm có đa bệnh lý như: bệnh tăng huyết áp, đái tháo đường, các bệnh xương khớp, phổi mãn tính. Chính vì vậy, sức đề kháng của người cao tuổi giảm hơn so với các nhóm tuổi khác.

Nếu người cao tuổi bị nhiễm Covid-19 sẽ làm cho các bệnh mãn tính đó thúc đẩy chuyển thành giai đoạn cấp hoặc đợt cấp, do đó bệnh nhân rất dễ tử vong. Các nhà khoa học trên thế giới khuyến cáo người cao tuổi, đặc biệt là những người mắc bệnh mạn tính như cao huyết áp, đái tháo đường không nên đi lễ hội hay đến những nơi đông người.

Tỷ lệ nam giới nhiễm Covid-19 cao hơn nữ giới

Trả lời tại buổi họp báo do Bộ Y tế tổ chức nhằm cung cấp thông tin về dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (SARS-CoV-2) gây ra, GS. TS. Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, tuy chưa có nghiên cứu cụ thể về nhóm người có nguy cơ nhiễm Covid-19 nhưng ghi nhận trên thế giới hiện nay, nam giới là đối tượng dễ nhiễm dịch bệnh này hơn nữ giới và hầu hết những người bị viêm phổi cấp đều trên 30 tuổi. Phần lớn những người tử vong do dịch bệnh gây ra tới 80% là trên 60 tuổi và 70% là do các bệnh nhân mắc các bệnh lý nền kèm theo. Tỷ lệ này là 2,8% đối với nam và 1,7% đối với nữ.

Đối tượng tiếp xúc với người bệnh

Những người tiếp xúc gần với nguồn bệnh dễ nhiễm Covid-19 (Ảnh minh họa)

PGS.TS. Trần Đắc Phu - nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết, Covid-19 lây qua đường hô hấp nên có thể lây truyền qua giọt nước bọt qua ho, hắt hơi hoặc lây truyền qua tay chân, vật dụng mà virus bám vào.

Do vậy, những người đi từ vùng dịch trở về, những người tiếp xúc trực tiếp hoặc tiếp xúc gần với những người đi từ vùng dịch về mà nhiễm bệnh như những người cùng chung sống, sinh hoạt với những người nhiễm bệnh, những người đi cùng máy bay, ô tô, tàu... trong các đám tụ họp, trong bệnh viện mà có người bị nhiễm bệnh, những người làm công tác ở sân bay, cửa khẩu mà phải tiếp xúc với những người nhập cảnh nhiễm bệnh. Những người nhà, nhân viên y tế trực tiếp chăm sóc bệnh nhân.

Theo Gia đình Việt Nam