Công ty CP Miza (Công ty Miza) có địa chỉ tại Cụm công nghiệp vừa và nhỏ Nguyên Khê, xã Nguyên Khê, huyện Đông Anh, Thành phố Hà Nội, là một trong những doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực tái chế giấy thải để sản xuất giấy bao bì cung cấp cho các nhà máy bao bì trong và ngoài nước, Công ty Miza được thành lập ngày 2/12/2010, với công suất lên đến 32.500 tấn/năm.

Hiện tại, sản phẩm chính của Công ty Miza là giấy bao bì công nghiệp, với nguồn nguyên liệu đầu vào chủ yếu là giấy thu hồi, giấy tái chế các loại. Đây là một trong những ngành được Nhà nước khuyến khích do giải quyết được vấn đề ô nhiễm môi trường, tái chế rác thải (giấy vụn các loại) để tạo ra sản phẩm tái sử dụng cho sản xuất và tiêu dùng.

Thế nhưng, theo nguồn tin của phóng viên (pv) cho biết, thì kể từ khi thành lập cho đến nay, Công ty Miza chưa từng thực hiện quan trắc nước ngầm và quan trắc các nguồn thải có tính halogen, mặc dù theo quy định pháp luật về đánh giá tác động môi trường (DTM) thì đây là những thủ tục bắt buộc đối với cơ sở hoạt động tái chế rác thải.

Công ty Miza được đặt tại vị trí khá heo hút tại KCN Nguyên Khê

Ngày 23/9/2019, pv đã được gặp và làm việc với bà Hoàng Thị Thu Giang, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Miza tại trụ sở đồng thời là cơ sở tái chế, sản xuất của công ty. Có thể dễ dàng quan sát thấy nguyên liệu chính được tập hợp tại các kho bãi của Công ty Miza để chờ tái chế là các loại bao bì, bìa các tông thải loại. Trung bình Công ty Miza xử lý hơn 100 tấn bao bì, giấy thải/ngày.

Theo bà Giang thì Công ty Miza đã từng gửi công văn đến Sở Tài nguyên và Môi trường từ năm 2017 nhằm xác minh liệu Công ty có cần phải thực hiện quan trắc nước ngầm và chất thải gốc halogen hay không, tuy nhiên cho đến nay chưa nhận được câu trả lời. Ngay sau đó, bà Giang lại khẳng định Công ty Miza vẫn tiến hành quan trắc mặt nước ngầm và nước xả thải theo từng Quý, mặc dù bà không nắm rõ thông tin này vì không phụ trách mảng môi trường?

Phó Tổng giám đốc Hoàng Thị Thu Giang không chắc chắn về quy trình xử lý chất thải của Công ty Miza

Trong toàn bộ buổi làm việc, bà Giang khẳng định Công ty Miza đã có đầy đủ hồ sơ DTM, tuy nhiên lại không thể cung cấp các hồ sơ này hay cho phép phóng viên được thăm quan thực tế tại cơ sở, với lý do nhân viên quản lý hồ sơ hiện đang nghỉ phép. Đồng thời, bà Giang cũng xác nhận trong quá trình hoạt động của công ty có phát sinh loại chất thải chứa hóa chất gốc halogen.

Theo thông tư 36/2015 Bộ TN&MT thì các loại bao bì (cứng, mềm) thải đều được phân vào chất thải nguy hại, đặc biệt là các bao bì có chứa hóa chất gốc halogen. Theo đó, các loại bao bì thải đều mang trong mình tính chất nguy hại chính là Đ (có độc tính) và ĐS (có độc tính sinh thái) với mức độ nghiêm trọng lâu dài, gây tác hại đối với môi trường và các hệ sinh vật.

Rác thải tái chế chủ yếu của Công ty Miza là các loại bao bì, giấy thải

Thật khó có thể tin rằng với nguyên liệu sản xuất chính là từ tái chế các loại bao bì thải công nghiệp, hoạt động trạm xử lý nước thải lên đến 2.000m3/ngày, thế nhưng Phó Tổng giám đốc của Công ty Miza lại hầu như không nắm được các loại rác thải mà doanh nghiệp mình phải xử lý có tính chất như thế nào, mức độ nghiêm trọng đến môi trường ra sao?

Được biết, năm 2017 Công ty Miza đã từng bị phản ánh về việc xả thải gây ô nhiễm nghiêm trọng tại hồ thôn Đồng thuộc xã Nguyên Khê, huyện Đông Anh, Hà Nội. Đặc biệt, thời điểm đó người dân vẫn phải sử dụng nước giếng khoan với độ sâu từ 18 - 20m để sinh hoạt, rất khó để tránh việc nước ô nhiễm bị ngấm xuống đất rồi và thấm vào nguồn nước giếng của người dân.

Với sự né tránh cung cấp các thông tin liên quan đến DTM của doanh nghiệp, liệu có thể đặt ra những nghi vấn về ô nhiễm môi trường từ hoạt động kinh doanh, sản xuất của Công ty Miza? Việc Sở TNMT TP Hà Nội chậm trễ trả lời văn bản của Công ty Miza cũng cần nhanh chóng được làm sáng tỏ. Đồng thời, Công ty Miza còn bị cho là có hệ thống PCCC không đúng với thiết kế đã được thẩm duyệt, hệ thống PCCC không đảm bảo sẵn sàng chữa cháy tại chỗ.

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin./. 

Theo Minh Đỗ/ Đô Thị Mới