Chậm do thiếu vốn
Được biết, dự án được UBND tỉnh Nam Định phê duyệt tại Quyết định số 577/2006/QĐ-UBND ngày 27/2/2006 và được điều chỉnh tại Quyết định số 2739/QĐ-UBND ngày 20/11/2009 với tổng mức đầu tư là 851 tỷ đồng. Ngày 13/11/2007 UBND tỉnh Nam Định đã có Quyết định phê duyệt thiết kế kỹ thuật, tổng dự toán số 2672/QĐ-UBND với tổng mức đầu tư 598,516 tỷ đồng.
Ngày 20/11/2009 UBND tỉnh Nam Định có Quyết định số 2739/QĐ-UBND về việc phê duyệt điều chỉnh Dự án Xây dựng bệnh viện đa khoa quy mô 700 giường tỉnh Nam Định với tổng mức đầu tư 850.814,556 triệu đồng, thời gian hoàn thành năm 2015. Đến ngày 5/10/2016 UBND tỉnh Nam Định lại có Quyết định điều chỉnh dự án, nhằm điều chỉnh thời gian thực hiện dự án đến năm 2020.
Đến nay nguồn vốn đã cấp cho dự án là 266 tỷ đồng, trong đó Ngân sách trung ương 67 tỷ đồng, Trái phiếu Chính phủ 195 tỷ đồng, ngân sách địa phương 4 tỷ đồng; giá trị khối lượng thực hiện từ đầu dự án đến ngày 15/8/2017 đạt 247,613 tỷ đồng.
Theo báo cáo của Ban quản lý dự án các công trình trọng điểm – Tỉnh Nam Định, đến nay các hạng mục đã quyết toán đạt 22,807 tỷ đồng; các hạng mục chưa quyết toán là 221,305 tỷ đồng (gồm gói thầu BVH1 – Khoa khám bệnh và điều trị ngoài trú, hành chính, nghiệp vụ kỹ thuật; BVH2 – Khoa Ngoại sản, nhà cầu nối 2 và 3, nhà cầu nối 2 và 4; BVH3 – Khoa Nội, Nhi; BVH4 – Khoa Truyền nhiễm, nhà đại thể tang lễ và hạ tầng kỹ thuật).
Hiện nay một số thông tin dư luận cho rằng, dự án được đầu tư với giá trị lớn nhưng “bỏ hoang” nhiều năm mà chưa hoàn thành. Về việc này phóng viên Báo điện tử Xây dựng đã trực tiếp quan sát dự án cho thấy, hiện nay 4 gói thầu của dự án đã cơ bản được triển khai, gói thầu BVH1 – Khoa khám bệnh và điều trị ngoài trú, hành chính, nghiệp vụ kỹ thuật; BVH2 – Khoa Ngoại sản, nhà cầu nối 2 và 3, nhà cầu nối 2 và 4; BVH3 – Khoa Nội, Nhi sắp hoàn thành phần xây thô, riêng gói thầu, BVH4 - Khoa Truyền nhiễm, nhà đại thể tang lễ và hạ tầng kỹ thuật đang được phía nhà thầu tích cực thực hiện theo đúng hợp đồng.
Tìm hiểu hồ sơ dự án nổi lên một số vấn đề, được coi là nguyên nhân chính dẫn tới dự án bị chậm tiến độ. Theo ông Vũ Khắc Đông, Phó trưởng Ban quản lý dự án các công trình trọng điểm – Tỉnh Nam Định cho biết: Lý do chậm do chậm hoàn trả khối lượng nhà thầu đã tạm ứng. Trong đó nguồn vốn của Nhà nước từ năm 2012 đến nay không được bố trí, do đó nhà thầu thi công mang tính chất cầm chừng. Việc thi công các gói thầu không đồng bộ, bởi các gói thầu trong dự án có mối liên hệ với nhau: Như gói thầu BVH3 - Khoa Nội, Nhi; nhà thầu 504 – Vinaconex thi công đã khối lượng vượt nguồn vốn được bố trí 2,5 tỷ đồng, nhà thầu tạm dừng thi công theo Chỉ thị 1792/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Theo thiết kế được duyệt giữa gói thầu BVH3 - Khoa Nội, Nhi và BVH2 - Khoa Ngoại sản, nhà cầu nối 2 và 3, nhà cầu nối 2 và 4 có nhà cầu nối hạng mục 2-3 với nhau bằng mái sàn bê tông có sân đỗ máy bay trực thăng trong khi nhà thầu 504 – Vinaconex đã dừng thi công vì không có vốn nên rất khó khăn cho nhà thầu Tổng Cty Đầu tư phát triển hạ tầng UDIC thực hiện gói thầu BVH2 - Khoa Ngoại sản, nhà cầu nối 2 và 3, nhà cầu nối 2 và 4.
Ngoài ra dự án phải trải qua 3 lần điều chỉnh, bởi thời gian thực hiện dự án dài, nguồn vốn bố trí chưa đủ cho dự án và từng gói thầu, giá nguyên liệu, nhiên vật liệu có nhiều thay đổi, thực hiện cơ chế chính sách hiện hành của Chính phủ và các Bộ, Ban, ngành trung ương.
Về việc thiếu vốn cho dự án, UBND tỉnh Nam Định đã có văn bản gửi Văn phòng Chính phủ và các bộ ngành trung ương, tại văn bản số 7523/BKH-LĐVX ngày 21/10/2010 của Bộ Kế hoạch và đầu tư gửi Thủ tướng Chính phủ nêu rõ: Hiện tại theo báo cáo của Chủ đầu tư, dự án đang tập trung thi công các hạng mục chính và dự kiến đến cuối năm 2010 khối lượng hoàn thành đạt khoảng 260 tỷ đồng. Việc bố trí vốn để đẩy nhanh tiến độ công trình và sớm hoàn thành một số hạng mục quan trọng năm 2010 của dự án là cần thiết. Do vậy Bộ Kế hoạch và đầu tư kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép Dự án bệnh viện đa khoa 700 giường Nam Định được tạm ứng 150 tỷ đồng từ kế hoạch vốn trái phiếu Chính phủ năm 2011 để đẩy nhanh tiến độ dự án. Tuy nhiên sau đợt tạm ứng vốn đó, từ năm 2011 UBND tỉnh Nam Định đã có văn bản đề nghị cấp vốn để tiếp tục đầu tư thực hiện Dự án bệnh viện đa khoa 700 giường tỉnh Nam Định gửi các Bộ Kế hoạch và đầu tư, Tài Chính, Y tế nhưng những kiến nghị này đã bị rơi vào “quên lãng”.
Lãng phí lớn nếu dự án không được hoàn thiện đưa vào sử dụng
Ngày 29/10/2013 UBND tỉnh Nam Định tiếp tục có tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ về việc bố trí vốn ngân sách trung ương cho dự án, theo đó tờ trình nêu rõ: Trong kế hoạch vốn Trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2012-2015 tỉnh Nam Định dự kiến bố trí 350 tỷ đồng để hoàn thành xây dựng công trình, tuy nhiên do bệnh viện đa khoa 700 giường chưa nằm trong danh mục được Quốc hội phê duyệt nên chưa được hỗ trợ vốn…UBND tỉnh Nam Định kính trình Thủ tướng Chỉnh phủ, Văn phòng Chính phủ, Bộ Kế hoạch đầu tư, Bộ Tài chính xem xét bố trí vốn ngân sách trung ương từ nguồn vốn Trái phiếu Chính phủ bổ sung với số tiền 500 tỷ đồng cho dự án.
Theo thông báo số 175/TB-UBND ngày 4/9/2014 về cuộc họp của Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định cũng xác định nguyên nhân chậm tiến độ dự án do nhà thầu thi công chưa tập trung được nguồn vốn, Chủ tịch UBND tỉnh đã quyết định điều chuyển số vốn ứng từ gói thầu BVH2 sang gói thầu BVH4 để Tổng Cty đầu tư phát triển hạ tầng UDIC thực hiện khối công việc theo kế hoạch.
Tại các buổi tiếp xúc cử tri trước Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Nam Định đã tập hợp các ý kiến, kiến nghị của cử tri tỉnh Nam Định báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội để chuyển các bộ ngành trung ương xem xét. Theo đó với kiến nghị của cử tri về Dự án bệnh viện đa khoa 700 giường tỉnh Nam Định đang để dở dang, hư hỏng theo thời tiết, gây lãng phí tiền của Nhà nước, gây bức xúc trong nhân dân. Tại Công văn số 3363/BKHĐT-TH trả lời như sau: Dự án thuộc đối đầu tư từ nguồn Trái phiếu Chính phủ theo Nghị quyết của Quốc hội số 18/2008/NQ-QH12 về đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật xã hội hóa để nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân…
Tính đến hết kế hoạch năm 2009, tổng vốn Trái phiếu Chính phủ bố trí đối với dự án là 190 tỷ đồng. Trong kế hoạch vốn Trái phiếu Chính phủ năm 2010, dự án không được bố trí vốn Trái phiếu Chính phủ vì thế dự án không thuộc danh mục đầu tư tại Nghị quyết số 881/NQ-UBTVQH12 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Theo Nghị quyết số 12/2011/QH13 ngày 9/11/2011 của Quốc hội, danh mục các dự án sử dụng vốn Trái phiếu Chính phủ kế hoạch năm 2012-2015 phải thuộc danh mục Nghị quyết số 881/NQ-UBTVQH12 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và 40 dự án đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép bổ sung trong năm 2011 vì thế dự án không đủ điều kiện để bố trí vốn Trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2012-2015.
Đến nay dự án chưa được hoàn thành nên chưa khắc phục được những khó khăn về cơ sở vật chất trong công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe cho nhân dân tỉnh Nam Định và các tỉnh lân cận. Việc tiếp tục bố trí vốn giai đoạn 2016-2020 để dự án hoàn thành là cần thiết. Việc đầu tư cho dự án có thể xem xét nguồn vốn Trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2017-2020 hoặc nguồn vốn đầu tư phát triển ngân sách trung ương, ngân sách địa phương. Tuy nhiên đối với nguồn vốn Trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2017-2020 tại Nghị quyết số 62/NQ-CP ngày 9/7/2015 về phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 8/2015 quy định kế hoạch vốn Trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2016-2020: Các chương trình, dự án mới chỉ tập trung chủ yếu cho các dự án lớn trong 3 lĩnh vực hạ tầng giao thông, thủy lợi, bệnh viện trung ương và một số địa phương từ khi đổi mới đến nay chưa được đầu tư bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh. Như vậy bệnh viện đa khoa 700 giường tỉnh Nam Định không thuộc đối tượng đầu tư từ nguồn vốn Trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2017-2020.
Đối với nguồn vốn đầu tư phát triển thuộc ngân sách trung ương thuộc kế hoạch trung hạn giai đoạn 2016-2020, UBND tỉnh Nam Định dự kiến phân bổ để thực hiện Dự án bệnh viện Y học Cổ truyền (giai đoạn 2) và Dự án xây dựng trung tâm da liễu, không dự kiến vốn để tiếp tục đầu tư bệnh viện đa khoa 700 giường tỉnh Nam Định.
Việc đầu tư dự án theo kiểu “ngẫu hứng” đang đẩy dự án bệnh viện đứng trước nguy cơ “phá sản” gây lãng phí tiền của Nhà nước. Dù rằng việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 24/2/2011 về những giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội của Chính phủ là đúng đắn, kịp thời. Nhưng việc rà soát, cắt giảm đầu tư công tại các Bộ, ngành và địa phương được triển khai máy móc, thiếu rà soát, đây là nguyên nhân dẫn đến việc “để lọt” những dự án dạng này phải “đắp chiếu” chờ vốn.
Lời bình: Việc dư luận trong nhân dân bức xúc là hoàn toàn có cơ sở, bởi hàng trăm tỷ đồng mồ hôi nước mắt của nhân dân đang bị “bỏ rơi”. Chủ trương tiết kiệm trong đầu tư xây dựng, tiết kiệm đầu tư công của Chính phủ, của Quốc hội là hoàn toàn đúng đắn. Nhưng hiểu tiết kiểm ở đây như thế nào cho đúng nghĩa?
Không biết trước khi trình các chương trình đầu tư cho các thời kỳ ngắn hạn và trung hạn, dài hạn; Bộ Kế hoạch và đầu tư có con số thống kê để báo cáo các cấp, đã có bao nhiêu công trình đang dở dang kiểu như Dự án bệnh viện đa khoa 700 giường này? có bao nhiêu công trình giao thông cũng đã bỏ hàng trăm tỷ rồi để cỏ mọc và nhiều công trình của các ngành khác cũng tương tự như vậy. Nếu vì mục đích tiết kiệm trong khi nguồn vốn ngân sách còn khó khăn thì việc tập trung đầu tư các công trình dở dang phải được đặt lên hàng đầu hoặc phải tìm ra các cơ chế chính sách khác để các công trình được hoàn thiện để đưa vào sử dụng. Kiểu kế hoạch đầu tư này không những không tiết kiệm, mà còn gây thất thoát một lượng tiền rất lớn của Nhà nước và nhân dân.
Trong tình hình không còn nguồn vốn để xây dựng, một số nhà thầu đã chưa hoàn thành công việc theo hợp đồng, một số nhà thầu đã thi công vượt khối lượng theo số tiền đã được ứng; UBND tỉnh Nam Định cần chỉ đạo Ban quản lý dự án xây dựng các công trình trọng điểm phối hợp thực hiện các hợp đồng đã ký kết theo khối lượng công việc tiến hành thanh lý hợp đồng và xác định giá trị theo khối lượng các nhà thầu đã thực hiện để báo cáo UBND tỉnh. Đồng thời tổ chức bảo vệ để công trình không xuống cấp như tình hình hiện nay.
Chính phủ cần sớm yêu cầu Bộ Kế hoạch đầu tư báo cáo danh mục các công trình đầu tư đang dở dang trên toàn đất nước, để Chính phủ trình Quốc hội có biện pháp giải quyết cho từng công trình. Đồng thời Chính phủ cũng cần xử lý nghiêm “kiểu” phân bổ ngân sách đầu tư xây dựng theo kiểu “chạy vốn” như những năm vừa qua, đã gây ra thất thoát và lãng phí một nguồn vốn đáng kể, trong khi đất nước còn nghèo.