Doanh nghiệp mỏi mòn chờ dự án được gỡ rối
Gây xôn xao giữa lúc thị trường bất động sản ảm đạm trong những tháng đầu năm 2020 là lá đơn thư cầu cứu gửi tới Bộ trưởng Bộ Xây dựng của Tập đoàn Novaland, liên quan đến một đại dự án tại Quận 2 (Khu Dân cư Bình Khánh - diện tích 30,224 ha tại phường Bình Khánh, quận 2, TP.HCM) do Công Ty TNHH Phát Triển Quốc Tế Thế Kỷ 21 - là công ty thành viên của Tập đoàn Novaland - làm chủ đầu tư bị “đóng băng” do vướng rà soát kéo dài.
Tập đoàn Novaland cho biết đã cùng các nhà đầu tư nước ngoài rót vào dự án trên khoảng 6.000 tỷ đồng nhưng đến nay vẫn “giậm chân tại chỗ” nên ảnh hưởng rất nhiều đến tình hình phát triển chung của doanh nghiệp và nhà đầu tư.
Trả lời Reatimes về những vướng mắc nói trên, đại diện Tập đoàn Novaland cho biết sau khi đơn thư cầu cứu được gửi đi, các bộ, ngành Trung ương đang rà soát lại các thủ tục pháp lý dự án chung với Thủ Thiêm. Song song đó, các sở, ngành tại TP.HCM vẫn đã và đang nỗ lực tìm kiếm, đề xuất các giải pháp báo cáo lên bộ, ngành Trung ương, Chính phủ để sớm có hướng thực thi nghiêm túc nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Trong thời gian chờ đợi, đơn vị này đề xuất 2 phương án thực hiện.
Phương án 1: Novaland đề xuất được giao tiếp tục triển khai phần dự án đã hoàn thành thi công là Lô D07 và phần dự án đã hoàn thành thi công phần móng như D02-D06, D08-D10. Đối với phần dự án chưa triển khai thi công là Lô D01 & các hạng mục Thương mại dịch vụ, Novaland sẽ bàn giao lại để cơ quan ban ngành tiến hành đấu giá.
Phương án 2: Novaland muốn được tiếp tục thực hiện toàn bộ dự án với chức năng nhà ở tái định cư theo các hồ sơ pháp lý đã được phê duyệt.
Nói về những khó khăn trong việc nộp hồ sơ xin cấp dự án mới, đại diệp Tập đoàn Novaland cho biết trong quá trình phát triển dự án những năm gần đây doanh nghiệp gặp một số khó khăn liên quan đến quản lý đất đai. Sau những nỗ lực, một điểm đáng mừng là trong những tháng gần đây một số dự án mà Novaland phát triển đã được tháo gỡ dần.
Tuy nhiên, đối với Novaland, việc đã bỏ ra 6.000 tỷ đồng vào dự án Khu dân cư Bình Khánh (quận 2) đang bị vướng rà soát kéo dài ít nhiều đã khiến doanh nghiệp này lao đao giữa lúc thị trường khắp nơi đều ảm đạm do khan hiếm nguồn cung mới. Do đó, Novaland hay nhiều chủ đầu tư khác có hoàn cảnh tương tự vẫn đang chờ đợi các cơ quan có thẩm quyền tìm hướng giải quyết, lựa chọn phương án để tránh lãng phí tài nguyên nhưng cũng cần có lý, có tình để doanh nghiệp tiếp tục trụ lại với thị trường.
Đâu là hướng tháo gỡ?
Không chỉ Novaland, nhiều doanh nghiệp khác cho biết họ cũng gặp vô vàn những khó khăn khi dự án bị "đứng bánh" do vướng rà soát kéo dài. Những quy định chồng chéo, bất cập trong các văn bản mới được ban hành khiến không ít chủ đầu tư rơi vào thế “tiến thoái lưỡng nan”. Các quy định không rõ ràng về giải quyết đất công, dự án vướng đất hỗn hợp, đất xen cài manh mún khiến cho doanh nghiệp bối rối như “gà mắc tóc”. Mà nan giải nhất là việc doanh nghiệp không tìm biết tìm đến ai, cơ quan nào là đầu mối tháo gỡ.
Ngoài ra, đại diện một doanh nghiệp chia sẻ, một trong những khó khăn đau đầu khác đó là những vướng mắc trong thủ tục xin chuyển mục đích sử dụng đất đối với các khu đất thuê. Cụ thể, các công ty thành viên của một Tập đoàn lớn khi thực hiện các thủ tục xin chuyển mục đích sử dụng đất theo quy hoạch chung đã được phê duyệt, các sở, ngành lại phân vân trong việc giải quyết hồ sơ do chưa có hành lang pháp lý rõ ràng cho loại hình này.
Nói về hướng tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp bất động sản, Luật sư Trần Đức Phượng - một chuyên gia trong lĩnh vực này cho biết hầu hết các dự án "đứng bánh" hiện nay đều xuất phát từ việc giao đất công không qua đấu giá, kể cả đất công xen kẹt, không qua quá trình đấu thầu lựa chọn đầu tư (đất không phải nhà nước quản lý và chưa giải phóng mặt bằng).
Tuy nhiên, khi xảy ra vấn đề, nhiều cơ quan lại né tránh, đùn đẩy, không xử lý sai phạm ngay thời điểm đó nên các hồ sơ, thủ tục bị dồn ứ kéo dài. Doanh nghiệp chờ đợi mòn mỏi nhưng dự án thì vẫn "nằm" một chỗ phơi nắng phơi mưa. Theo Luật sư Phượng, để giải quyết vướng mắc thì cả doanh nghiệp lẫn cơ quan nhà nước cần phải nhìn ra bản chất của vấn đề, phân định rõ đúng sai.
“Dự án rõ ràng là gặp vướng mắc nên bị rà soát nhưng nên tách việc xử lý cá nhân với việc khắc phục hậu quả ra để làm. Trên nguyên tắc chung: Sai phải xử lý, nếu không hoặc chưa xử lý cái sai thì phải cho doanh nghiệp làm ngay, không thể lập lờ”, Luật sư Phượng nói.