Trước giờ họp, đại diện các bên đã có cuộc trao đổi nhanh với báo giới về quan điểm của mình. Theo ông Lê Đình Quảng - Phó Trưởng Ban Quan hệ lao động (Tổng liên đoàn Loa động Việt Nam): “Nếu không tăng lương, doanh nghiệp cần có phương án đảm bảo việc làm cho người lao động…”
Theo ông Quảng, năm 2020, điều kiện kinh tế- xã hội có đặc thù là dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến các nền kinh tế, doanh nghiệp, đời sống của người lao động. Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam trên cơ sở diễn biến của phiên đàm phán để có phương án phù hợp vừa đảm bảo đời sống của người lao động vừa đảm bảo được phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội, khả năng của doanh nghiệp…
Đại diện Tổng LĐLĐ Việt Nam tại cuộc họp cũng chia sẻ, trường hợp Hội đồng Tiền lương quốc gia quyết định không điều chỉnh tăng lương tối thiểu vùng năm 2021, Tổng Liên đoàn sẽ phân tích tình hình cho người lao động để có sự thấu hiểu để cùng chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp.
Về phía doanh nghiệp cũng tăng cường biện pháp để đảm bảo điều kiện lao động, giữ chân người lao động, khắc phục vượt qua khó khăn.
Trong khi đó, ông Hoàng Quang Phòng - Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp VN (VCCI) tiết lộ: "Tại phiên họp này VCCI bảo lưu quan điểm kiến nghị không tăng lương tối thiểu vùng 2021"
Theo ông Phòng, thời điểm 6 tháng đầu năm 2020 chưa phải là đỉnh điểm của tình trạng thất nghiệp do các doanh nghiệp vẫn túc tắc duy trì đơn hàng cũ.
Tuy nhiên hiện tại, dịch Covid-19 tái bùng phát đã tiếp tục ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế và hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, đồng thời tác động lớn đến vấn đề lao động việc làm của người lao động. "Việc tăng lương tối thiểu vùng 2021 trong bối cảnh hiện nay là bất khả thi”, Phó Chủ tịch VCCI Hoàng Quang Phòng nhấn mạnh.
“Chúng tôi mong muốn rằng người lao động cảm thông, chia sẻ với doanh nghiệp để chúng ta cùng vượt qua đại dịch, duy trì và phát triển sản xuất kinh doanh. Hy vọng trong thời gian tới, khi tình hình chuyển biến tốt hơn chúng ta tính đến chuyện điều chỉnh cho phù hợp”, ông Phòng nói.
Trao đổi với báo chí, nguyên Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Phạm Minh Huân cho rằng, chắc chắn không thể tăng lương trong năm 2021.
Ông Huân phân tích: “Có 3 căn cứ để điều chỉnh lương tối thiểu là: điều kiện kinh tế - xã hội, nhu cầu sống tối thiểu người lao động và mặt bằng tiền công trên thị trường. Đại dịch Covid-19 khiến tình hình tế trở nên ảm đạm, GDP của Việt Nam nếu có tăng cũng chỉ tăng vài phần trăm, CPI cũng không tăng nhiều, năng suất lao động thì cực kỳ thấp, thị trường lao động cuối năm sẽ có thêm nhiều người thất nghiệp. Rõ ràng những ảnh hưởng lớn như vậy sẽ làm mặt bằng tiền công giảm nhẹ, doanh nghiệp lớn sa thải hàng loạt lao động. Mong muốn của người lao động là được tăng lương nhưng người lao động phải chia sẻ với doanh nghiệp trong lúc này để doanh nghiệp tồn tại và vượt qua khủng hoảng”.
Ông Huân nhận định, với tình hình này thì không có nhiều ý kiến khác nhau và không cần đến phiên họp thứ 3, Hội đồng Tiền lương Quốc gia có thể chốt phương án lương tối thiểu ngay trong sáng nay.
“Trước ảnh hưởng của dịch Covid-19, điều quan trọng là doanh nghiệp phải tồn tại được và bảo vệ được việc làm cho người lao động. Tôi tin là Hội đồng tiền lương Quốc gia sẽ tham mưu cho Thủ tướng tạm giữ mức lương tối thiểu đến năm 2021. Nếu cuối năm 2021 tính ổn sẽ tính tiếp tăng vào năm 2022”, ông Huân bày tỏ.
Trước đó ngày 23/6, tại Quảng Ninh, Hội đồng Tiền lương Quốc gia đã tiến hành họp phiên đầu tiên đưa ra phương án tăng lương tối thiểu vùng năm 2021.
Theo đó, bộ phận kỹ thuật của Hội đồng đưa ra hai phương án. Trong đó, phương án 1 là không tăng lương tối thiểu vùng năm 2021. Phương án 2, từ 1-7-2021 sẽ điều chỉnh tăng lương tối thiểu vùng 2,5% để duy trì, đảm bảo mức sống tối thiểu của người lao động. Với phương án này, thời gian tăng lương sẽ chậm hơn so với trước đây 6 tháng
Lương tối thiểu vùng là gì ?
Theo quy định hiện hành, mức lương tối thiểu vùng là mức thấp nhất làm cơ sở để doanh nghiệp và người lao động thỏa thuận và trả lương. Trong đó, mức lương trả cho người lao động làm việc trong điều kiện lao động bình thường, bảo đảm đủ thời giờ làm việc bình thường trong tháng và hoàn thành định mức lao động hoặc công việc đã thỏa thuận phải bảo đảm.