Tiếp mạch tăng trưởng

“Việt Nam lội ngược dòng xu hướng kinh tế suy yếu ở Châu Á. Sự nổi lên của Việt Nam như một nền kinh tế phát triển nhanh nhất ở Đông Á và Đông Nam Á là câu chuyện đáng chú ý nhất trong bức tranh kinh tế của khu vực”. Nhận xét trên của nhóm chuyên gia từ IMF có lẽ đã bao quát toàn cảnh bức tranh kinh tế của Việt Nam trong năm 2022.

Kinh tế Việt Nam phục hồi nhanh hơn dự kiến và tiếp tục tăng trưởng trong bối cảnh môi trường toàn cầu có nhiều thách thức. (Ảnh: Phạm Quang Vinh)
Kinh tế Việt Nam phục hồi nhanh hơn dự kiến và tiếp tục tăng trưởng trong bối cảnh môi trường toàn cầu có nhiều thách thức. (Ảnh: Phạm Quang Vinh)

Năm 2022 với quá nhiều những diễn biến khó lường đã đặt cả thế giới trước nguy cơ của một cuộc suy thoái mạnh. Trên thực tế, điều này đã xảy ra ở nhiều quốc gia. Với Việt Nam, bằng sự thích ứng linh hoạt, chúng ta vẫn có được cho mình một năm “rực rỡ” với nhiều thành quả ấn tượng.

Không thể không nhắc đến bối cảnh toàn cầu khi Việt Nam đã có sự hội nhập sâu, rộng thông qua hàng loạt các hiệp định thương mại song phương, đa phương. Nền kinh tế với độ mở lớn mang đến cơ hội phát triển mạnh mẽ nhưng cùng với đó, những thách thức, “tổn thương” trong bối cảnh khó khăn chung cũng vì thế mà lớn hơn nhiều.

Năm qua, kinh tế, chính trị thế giới diễn biến phức tạp và khó lường, đã có quá nhiều các biến động lớn mang tính chấn động và gây ảnh hưởng mạnh mẽ đến hầu hết các nền kinh tế xảy ra: chiến tranh, dịch bệnh, suy thoái kinh tế, lạm phát tăng cao, đứt gẫy chuỗi cung ứng trên phạm vi toàn thế giới,…

Tất cả những điều này đã tác động to lớn đến triển vọng phát triển kinh tế, xã hội của Việt Nam. Dầu vậy, với việc xác định mục tiêu: quyết tâm duy trì sự ổn định để phát triển kinh tế – xã hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, ngành, địa phương đã tích cực triển khai các nhiệm vụ, giải pháp, từ đó giữ vững sự ổn định về phát triển kinh tế, xã hội trong bối cảnh nhiều biến động.

Các mục tiêu quan trọng sau 11 tháng của năm 2022 đều cho thấy điều này. Tổng thu ngân sách Nhà nước 11 tháng năm 2022 đạt 1.638,9 nghìn tỷ đồng, bằng 116,1% dự toán năm. Tổng chi ngân sách Nhà nước lũy kế 11 tháng năm 2022 ước đạt 1.359,0 nghìn tỷ đồng, bằng 76,2% dự toán năm, đảm bảo các nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội, quốc phòng, an ninh, quản lý Nhà nước, thanh toán các khoản nợ đến hạn, thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động và khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 673,82 tỷ USD, tăng 11,8% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu tăng 13,4%; nhập khẩu tăng 10,1%; ước tính xuất siêu 10,6 tỷ USD.

Trong nước, số lượng doanh nghiệp gia nhập thị trường tiếp tục tăng cao. cả nước có 137,8 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với  tổng số lao động đăng ký là 909 nghìn lao động, tăng 30,4% về số doanh nghiệp, và tăng 15,9% về số lao động so với cùng kỳ năm trước.

Vốn đầu tư tăng cao so với cùng kỳ năm trước, trong đó, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước 11 tháng năm 2022 ước tính tăng 19,9%; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam đạt 19,7 tỷ USD, tăng 15,1%, cao nhất của 11 tháng trong 5 năm qua.

Linh hoạt thích ứng

Không chỉ cho thấy hiệu quả trong phục hồi, phát triển kinh tế, với những chính sách điều hành linh hoạt, hợp lý, Việt Nam còn kiểm soát tốt lạm phát. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 11 tháng năm 2022 tăng 3,02% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn mức tăng 1,84% của bình quân 11 tháng năm 2021, nhưng thấp hơn mức tăng của bình quân 11 tháng năm 2020 (3,51%). Lạm phát cơ bản bình quân 11 tháng năm 2022 tăng 2,38%. Nhìn rộng ra so với bình diện toàn cầu, kể cả với các nền kinh tế hàng đầu thế giới thì có thể nói, Việt Nam đang tỏ ra “cực kỳ xuất sắc” trong việc ghìm cương lạm phát – một thách thức cực lớn trong bối cảnh vừa duy trì tăng trưởng kinh tế, vừa giảm hạn chế tăng chỉ số giá tiêu dùng.

Dự báo Việt Nam sẽ có mức tăng trưởng kinh tế nhanh nhất vào năm 2030

Một kết quả quan trọng khác mà Việt Nam đã đạt được trong năm 2022, đó là chủ động điều hành tỷ giá, lãi suất phù hợp với bối cảnh tình hình. Cùng với đó là việc kịp thời tháo gỡ, xử lý các vấn đề mới phát sinh, nhất là liên quan đến hệ thống ngân hàng, các thị trường trái phiếu doanh nghiệp, chứng khoán, bất động sản. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành các nghị quyết, văn bản chỉ đạo, điều hành với trọng tâm là đánh giá đúng tình hình, nguyên nhân, xây dựng và triển khai các giải pháp điều hành các chính sách vĩ mô kịp thời, quyết liệt, hiệu quả.

Từ những thành tích ấn tượng nói trên, Việt Nam được các tổ chức quốc tế, nhà đầu tư đánh giá rất cao và đầy lạc quan về triển vọng trong thời gian tới. Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF), Đại học Harvard (Mỹ) đồng loạt đánh giá cao sức phục hồi và tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam trong năm 2022, dự báo Việt Nam sẽ trở thành một trong số những nước phát triển nhanh nhất thế giới vào 2030.

Theo ông Andrew Jeffries, Giám đốc ADB tại Việt Nam cho rằng, trên thực tế, kinh tế Việt Nam phục hồi nhanh hơn dự kiến và tiếp tục tăng trưởng trong bối cảnh môi trường toàn cầu có nhiều thách thức. Các chuyên gia của Đại học Harvard (Mỹ) lại dự báo,Việt Nam sẽ trở thành 1 trong 6 nước thuộc cực tăng trưởng Châu Á có mức tăng trưởng kinh tế nhanh nhất thế giới vào năm 2030. 

Một số mục tiêu cơ bản năm 2023:

Các chỉ tiêu chủ yếu: Có 15 chỉ tiêu chủ yếu về các lĩnh vực kinh tế, xã hội, môi trường; trong đó: tăng trưởng GDP khoảng 6,5%; chỉ số giá tiêu dùng tăng khoảng 4,5%; tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân 5 - 6%; tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị dưới 4%; tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giảm 1 - 1,5%... 

Theo congly.vn

Nguồn: https://congly.vn/kinh-doanh/doanh-nghiep/du-bao-viet-nam-se-co-muc-tang-truong-kinh-te-nhanh-nhat-vao-nam-2030-498656.html