Bộ Công Thương đang dự thảo Quyết định phê duyệt Chiến lược phát triển ngành công nghiệp than Việt Nam đến 2030, tầm nhìn đến 2045.
Trong đó, dự thảo nêu rõ phấn đấu sản lượng than thương phẩm khai thác đạt 47 triệu tấn/năm trong thời gian từ nay đến 2030, và giảm xuống còn 45 triệu tấn/năm vào giai đoạn sau. Theo đó, chiến lược đặt mục tiêu vận hành thị trường than cạnh tranh đầy đủ vào 2045.
Để hiện thực hoá mục tiêu vừa nêu, dự thảo dự kiến đưa vào vận hành thử nghiệm khai thác than bể than sông Hồng trước 2040 và tiến tới khai thác quy mô công nghiệp đạt khoảng 1 triệu tấn vào năm 2045.
Song song với đó, công tác sàng tuyển, chế biến phấn đấu tỷ lệ sản lượng than khai thác đưa vào sàng tuyển - chế biến tập trung đạt khoảng 70% tổng sản lượng than sản xuất trong giai đoạn đến năm 2030, và đạt khoảng 85% tổng sản lượng than sản xuất trong giai đoạn 2031-2045.
Đối với thị trường than, dự thảo đặt mục tiêu giai đoạn đến 2030 xuất khẩu loại than chất lượng cao mà trong nước không có nhu cầu sử dụng, theo chỉ đạo hàng năm của Thủ tướng, khối lượng than xuất khẩu hằng năm khoảng 2 triệu tấn; từng bước hình thành thị trường than với nhiều người bán và nhiều người mua, đa dạng hóa nguồn than (than sản xuất trong nước, pha trộn và nhập khẩu) và các đầu mối cung cấp than cho các hộ tiêu thụ.
Giai đoạn 2031-2045, thị trường than cạnh tranh đầy đủ sẽ được vận hành tại các phân khúc thị trường than; các chủ thể tham gia thị trường thực hiện giao dịch, mua bán than, cung cấp các dịch vụ cho việc giao dịch, mua bán than tuân thủ quy định và thông lệ của thị trường.
Theo đó, việc xuất khẩu than được thực hiện phù hợp nhu cầu thị trường và theo chỉ đạo của Thủ tướng, khối lượng than chất lượng cao xuất khẩu khoảng trên 4 triệu tấn vào 2045.
Để thực hiện những mục tiêu và lộ trình trên, dự thảo đã đưa ra 7 giải pháp, gồm cơ chế chính sách; giải pháp về tổ chức; giải pháp về tài chính; giải pháp về đầu tư; giải pháp về nguồn nhân lực; giải pháp về khoa học - công nghệ, an toàn, môi trường; giải pháp về quản trị kinh doanh, kiểm soát chi phí.
Thêm nữa, dự thảo cũng tính đến việc nghiên cứu và phát triển các công nghệ thu giữ và sử dụng khí mỏ phát sinh trong quá trình khai thác mỏ hầm lò để hướng tới mức phát thải ròng bằng 0 vào 2050 theo cam kết của Việt Nam tại COP 26.
Nguồn: https://congly.vn/du-kien-van-hanh-thi-truong-than-canh-tranh-day-du-vao-2045-210989.html