Các địa phương đưa ra nhiều chính sách hỗ trợ
Trong Nghị quyết 115, Chính phủ đã xác định công nghiệp hỗ trợ có ý nghĩa quan trọng đối với chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá, giúp nâng cao năng suất lao động và năng lực cạnh tranh, tạo giá trị gia tăng, góp phần tăng tỷ trọng đóng góp của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong cơ cấu nền kinh tế.
Do đó, phát triển công nghiệp hỗ trợ là một trong những giải pháp quan trọng nhất để Việt Nam cải thiện chất lượng nền kinh tế, phát triển bền vững và tránh bẫy thu nhập trung bình; giúp tăng khả năng thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, đẩy mạnh tiếp nhận, chuyển giao công nghệ, thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong nước.
Từ đó, tạo tính lan tỏa mạnh mẽ, giúp các doanh nghiệp trong nước có thể tham gia sâu vào chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp EDI và chuỗi giá trị toàn cầu của các tập đoàn đa quốc gia.
Để thực hiện nhiệm vụ này, các địa phương đã đưa ra hàng loạt chính sách ưu đãi, để tăng thị phần của ngành công nghiệp hỗ trợ.
Đơn cử, tại Hà Nội, lãnh đạo thành phố đang có kế hoạch tổ chức hội chợ công nghiệp hỗ trợ năm 2022 cho các doanh nghiệp của địa phương và các tỉnh, thành phố, các doanh nghiệp nước ngoài.
Đồng thời, thành phố hỗ trợ các doanh nghiệp thêm 150 triệu đồng/đơn vị tham gia hội chợ quốc tế; hỗ trợ tối đa tới 50% chi phí đầu tư cho dự án đổi mới công nghệ.
Trong khi đó, Hải Phòng sẽ đẩy mạnh hoạt động xúc tiến, kêu gọi đầu tư phát triển các dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn thành phố.
Hoặc như tại Khánh Hòa, lãnh đạo tỉnh này đã công bố gói hỗ trợ 7.770 tỷ đồng, để thực hiện chương trình hỗ trợ các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ tiếp cận nguồn vốn vay đầu tư dài hạn.
Hợp tác quốc tế để phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ
Bên cạnh sự chịu chi của các địa phương, hợp tác quốc tế được xem là giải pháp cấp bách trong bối cảnh hội nhập hiện nay.
Tại cuộc họp Tiểu ban Công nghiệp giữa Việt Nam- Nhật Bản hai bên đã thống nhất 9 nội dung hợp tác. Trong đó, một trong những trọng tâm hợp tác là phát triển công nghiệp hỗ trợ.
Để thực hiện nhiệm vụ này, Bộ Công Thương đề xuất thành lập thêm tổ công tác 9 (WT9) nhằm hợp tác phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ.
Mục tiêu của WT9 nhằm tích cực phối hợp xây dựng rõ ràng, đầy đủ hơn các nội dung và kế hoạch hành động cho giai đoạn sau.
Hai bên tiếp tục thảo luận về vấn đề nâng cao hiệu quả của các cơ chế và chính sách; nâng cao nhận thức của doanh nghiệp tại Việt Nam về các cơ chế hỗ trợ; đảm bảo việc tăng tỷ lệ các nhà cung cấp nội địa cho doanh nghiệp Nhật Bản; duy trì chuỗi cung ứng các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trong bối cảnh đại dịch Covid-19.
Tổ công tác WT9 cũng sẽ tập trung vào các hoạt động đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Việt Nam, đặc biệt là nguồn nhân lực lãnh đạo hoạt động tại các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ nhằm mở rộng giao thương với các doanh nghiệp Nhật Bản, hỗ trợ ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam phát triển thêm về chiều sâu trong dài hạn.
Trước đó, Trung tâm Tư vấn và Giải pháp công nghệ Việt Nam – Hàn Quốc đã tổ chức các khóa đào tạo, tư vấn, hỗ trợ trực tuyến về nâng cao trình độ nhân lực, chuyển giao công nghệ cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực điện tử và ô tô, hướng đến việc hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam sản xuất các sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao như chất bán dẫn, bản mạch in, màn hình các loại, camera…
Các hoạt động của Trung tâm Tư vấn và Giải pháp công nghệ Việt Nam – Hàn Quốc bước đầu nhận được sự đánh giá tích cực của cộng đồng doanh nghiệp.
Nguồn: https://congluan.vn/dua-cong-nghiep-ho-tro-tro-thanh-mui-nhon-kinh-te-bo-cong-thuong-va-cac-dia-phuong-vao-cuoc-post197664.html