Nông sản rớt giá do không xuất khẩu được

Trước tình hình diễn biến phức tạp của đại dịch virus corona chủng nCoV, Tổng cục Hải quan quyết định tạm thời dừng thông quan hàng hóa tại các cửa khẩu giao thương với Trung Quốc. Không thể xuất khẩu, rất nhiều xe container chở các mặt hàng nông sản như dưa hấu, thanh long đã phải quay ngược về Hà Nội để tiêu thụ trong nước. Để giúp người trồng vượt qua đợt khủng hoảng này, một số nhóm từ thiện đã đứng ra thu mua nông sản với giá tốt sau đó vận chuyển về các thành phố lớn để tiêu thụ. Hàng chục tấn dưa hấu đang được chất đống trên vỉa hè Hà Nội bán với giá 8.000 đồng/kg, được người dân và người đi đường kéo đến mua ủng hộ.

Nhiều người dân đã tới ủng hộ giải cứu dưa hấu

Dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới virus corona gây ra đang ảnh hưởng đến tiêu thụ mặt hàng thanh long ở nước ta. Giá đặt cọc trước tết Nguyên Đán Canh Tý đang từ 37.000 đồng trước tết, nay thương lái chỉ còn 5.000 đồng. Giá xuống thấp khiến người trồng thanh long ở Châu Thành (Long An), Chợ Gạo (Tiền Giang) và Bình Thuận đứng ngồi không yên.

Theo người dân trồng thanh long cho biết, từ ngày mồng 3 Tết Nguyên đán, khi thông tin về virus corona đang gây hoang mang chưa có dấu hiệu dừng lại, một số nhà kho đã ra thông báo dừng thu mua. Trong khi trước tết thương lái đặt cọc lên đến 37.000 đồng/kg loại 1, khi vừa bước sang năm mới đã được thương lái thông báo chỉ còn có thể thu mua với giá… 5.000 đồng/kg.

Ông Võ Trọng Nghĩa, nông dân trồng thanh long ở xã Đăng Hưng Phước, Chợ Gạo (Tiền Giang), cho biết, đợt này 3 công thanh long, ước đạt 4-5 tấn. Trước tết, thương lái vào đặt cọc 60 triệu đồng (tương đương 2 tấn thanh long) với giá thỏa thuận là 30.000đ/kg, khoảng rằm tháng giêng sẽ thu hoạch và trả nốt phần tiền còn lại.

Mới đây, thương lái đến xin chỉ trả thêm 20 triệu (tổng cộng 80 triệu) thay vì phải 120 triệu trở lên để mua thu hoạch thanh long với lý do thị trường Trung Quốc đang bị đóng băng bởi tác động của virus corona.

Nông lâm thủy sản sẽ chịu tác động tiêu cực từ dịch Corona

Báo cáo mới nhất về Đánh giá tác động của dịch Corona đến kinh tế Trung Quốc và Việt Nam của Công ty Cổ phần Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho biết, dịch viêm phổi do virus corona gây ra đã và đang gây hoang mang cho nhà đầu tư trên toàn thế giới. Thành phố Vũ Hán, thủ phủ của tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc đang là tâm điểm của dịch bệnh, kéo theo nhiều ảnh hưởng dây chuyền đến toàn bộ nền kinh tế Trung Quốc.

Sự gián đoạn sản xuất của Trung Quốc cũng có thể có những ảnh hưởng tiêu cực nhất định tới tình hình sản xuất toàn cầu do nước này hiện đang là một mắt xích lớn trong chuỗi cung ứng của kinh tế thế giới. Sự thiếu hụt nguyên vật liệu nhập khẩu từ Trung Quốc có thể sẽ làm gián đoạn sản xuất tại một số quốc gia, điển hình như khu vực ASEAN.

Cũng giống như Trung Quốc, khu vực dịch vụ của Việt Nam được đánh giá sẽ bị tác động nhiều nhất bởi dịch bệnh Corona, điển hình là các ngành vận tải, lưu trú, du lịch, bán lẻ, nhà hàng, hoạt động giải trí. Năm 2019, khách Trung Quốc chiếm khoảng 30% tổng lượng khách nước ngoài đến Việt Nam nên việc dừng cấp visa cho khách Trung Quốc chắc chắn sẽ khiến ngành du lịch chịu thiệt hại. Ngoài ra, thời điểm hiện tại là cao điểm về hoạt động du xuân, lễ hội của khách du lịch trong nước nên dịch bệnh cũng sẽ khiến hoạt động này suy giảm đáng kể. Đáng chú ý đây là những hoạt động du lịch mang tính thời điểm, mùa vụ nên rất khó bù đắp trở lại trong các tháng tới, kể cả khi đã hết dịch bệnh.

Ngoài khu vực dịch vụ thì khu vực nông lâm thủy sản cũng sẽ chịu tác động tiêu cực từ dịch bệnh khi hoạt động xuất khẩu nông lâm thủy sản sang thị trường Trung Quốc có thể sẽ sụt giảm. Trung Quốc là thị trường tiêu thụ chính các mặt hàng nông sản của Việt Nam khi năm 2019, xuất khẩu nông sản sang thị trường này đạt 5,92 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 35%. Do đó, nếu hoạt động giao thương với Trung Quốc bị ảnh hưởng do dịch bệnh, tăng trưởng của khu vực nông - lâm - thủy sản (vốn đã ở mức thấp) sẽ có nguy cơ suy giảm thêm, từ đó kéo theo cầu tiêu dùng của người lao động thuộc khu vực này cũng giảm theo.

Đối với khu vực công nghiệp – xây dựng, sự gián đoạn trong chuỗi cung ứng toàn cầu xuất phát từ dịch bệnh ở Trung Quốc có thể sẽ ảnh hưởng đến việc nhập khẩu một số mặt hàng làm nguyên vật liệu đầu vào cho sản xuất tại Việt Nam. Theo số liệu của Tổng cục hải quan, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với Trung Quốc năm 2019 chiếm khoảng 30% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam, trong đó xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc chiếm tỷ trọng 24% còn nhập khẩu từ Trung Quốc chiếm tỷ trọng cao hơn (38,7%). Trên cơ sở đó, dịch bệnh tại Trung Quốc có thể gây ảnh hưởng đến sản xuất một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực phụ thuộc nhiều vào nguyên vật liệu nhập khẩu của Việt Nam như điện thoại và linh kiện điện tử; máy vi tính, sản phẩm điện tử, dệt may, da giày….

BVSC dự báo GDP trong quý I/2020 có thể sẽ tăng quanh mức 6,5%, thấp hơn 0,2-0,4% so với cùng kỳ năm 2019, sau đó sẽ dần hồi phục trở lại bắt đầu từ quý II/2020. Mặc dù vậy, với tính chất phức tạp và nguy hiểm của dịch bệnh, chúng tôi cũng không loại trừ khả năng kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục chịu ảnh hưởng tiêu cực đến hết quý II/2020.

Theo Thời báo chứng khoán Việt Nam