Hiện tại, các đơn vị, doanh nghiệp ở nước ta đang khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh, nên cần tuyển dụng nhiều lao động. Do đó, các cơ quan chức năng đang triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm đưa người lao động bị thất nghiệp, mất việc làm dần trở lại thị trường việc làm.
Thị trường việc làm khởi sắc
Theo số liệu đã công bố từ các cơ quan chức năng, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, bức tranh thị trường việc làm ở nước ta trong 4 tháng đầu năm 2020 ít gam màu tươi sáng. Cả nước có gần 5 triệu lao động bị mất việc, giãn việc, giảm giờ làm, giảm thu nhập. Song, điều đáng mừng là tình trạng này chỉ xảy ra ở một giai đoạn ngắn, từ đầu tháng 5 đến nay, khi dịch cơ bản được khống chế, thị trường việc làm dần được hồi phục.
Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, bà Đinh Huyền Anh, cán bộ Phòng Nhân sự, Công ty TNHH LG Display Việt Nam cho biết, doanh nghiệp vừa đăng ký tuyển dụng thông qua mạng lưới sàn giao dịch việc làm trên địa bàn Hà Nội và các tỉnh, thành phố lân cận với số lượng lao động lên tới hơn 5.000 người. Để thu hút nhiều người ứng tuyển, công ty tập trung tuyển lao động phổ thông, sau đó sẽ tổ chức đào tạo nghề cho người lao động. Tương tự, Công ty cổ phần Dịch vụ Tức thời, có địa chỉ ở Hà Nội và nhiều tỉnh, thành phố khác đang tuyển dụng 500 lao động làm việc tại Hà Nội…
Ông Vũ Quang Thành, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội) cho biết, mặc dù các sàn giao dịch việc làm trên địa bàn thành phố chưa tổ chức các phiên giao dịch việc làm trực tiếp, nhưng đã có gần 1.000 doanh nghiệp đăng ký tuyển dụng với hơn 10.000 chỉ tiêu, tập trung ở các lĩnh vực, ngành, nghề bị tác động sâu bởi dịch Covid-19.
Theo Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, từ tháng 5-2020 trở đi, trung bình mỗi tháng cả nước có từ 70.000 đến 80.000 lao động bị mất việc làm quay trở lại thị trường lao động. Như vậy, thị trường việc làm được kỳ vọng sẽ khởi sắc trong tương lai gần.
Nâng cao kỹ năng nghề cho người lao động
Cơ hội để các đơn vị, doanh nghiệp tuyển dụng nhân sự phù hợp đang hiện hữu và cơ hội cho người lao động có việc làm cũng đang rộng mở. Điều quan trọng là các bên liên quan cần triển khai nhiều giải pháp để cung - cầu về lao động gặp nhau.
Ông Đào Quang Vinh, chuyên gia của Viện Khoa học lao động và xã hội cho rằng, việc kết nối giữa người sử dụng lao động và người lao động chưa bao giờ là điều dễ dàng, nhất là trong giai đoạn hiện nay. Bởi, một bộ phận không nhỏ người lao động chưa đáp ứng được yêu cầu tuyển dụng. Trong khi đó, một số đơn vị, doanh nghiệp lại thiếu chế độ đãi ngộ thỏa đáng để thu hút người lao động làm việc lâu dài. Với những người tự tạo việc làm, họ đang thiếu vốn để tái đầu tư sản xuất, kinh doanh…
Để tạo đà cho thị trường việc làm khởi sắc, các cơ quan chức năng từ Trung ương tới cơ sở đã và đang hỗ trợ người lao động cũng như người sử dụng lao động bị ảnh hưởng sâu bởi dịch Covid-19 thông qua việc động viên, trợ giúp trực tiếp; được tạo điều kiện tạm dừng đóng Quỹ hưu trí và tử tuất; được tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi để tạo việc làm...
Bị mất việc làm do ảnh hưởng của dịch Covid-19, chị Nguyễn Thu Trà ở tổ dân phố 10, phường Bồ Đề (quận Long Biên) chia sẻ: "Trong quá trình giải quyết hồ sơ hỗ trợ trợ cấp thất nghiệp vào cuối tháng 4 vừa qua, tôi được cán bộ ngành Lao động -Thương binh và Xã hội tư vấn nên học lớp đào tạo nghề ngắn hạn để nâng cao tay nghề, đồng thời bảo đảm chắc có việc làm sau khi tốt nghiệp. Nhận thấy việc này khả thi nên tôi đã đăng ký học nghề may ngắn hạn, thay vì nhận tiền mặt".
Ngoài giải pháp hỗ trợ sinh kế, ông Vũ Trọng Bình, Cục trưởng Cục Việc làm (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) cho biết, Cục đang phối hợp với các địa phương đẩy mạnh hoạt động thu thập thông tin về thị trường lao động, nắm bắt, cập nhật tình hình biến động lao động; khai thác vị trí việc làm trống để tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động, cung cấp thông tin cho người sử dụng lao động, góp phần điều tiết thị trường. Cùng với đó, trong quá trình giải quyết hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp, các đơn vị nỗ lực tư vấn, định hướng cho người lao động học nghề, giúp người lao động có cơ hội việc làm tốt hơn; đồng thời kết nối họ với doanh nghiệp đang có nhu cầu tuyển dụng.
Từ kinh nghiệm thực tế, ông Nguyễn Hồng Dân, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền nghiên cứu bổ sung nguồn vốn, đổi mới hình thức đào tạo để nâng cao hiệu quả đào tạo nghề cho lực lượng lao động tạm thời bị thất nghiệp trong giai đoạn hiện nay.
Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, Bộ sẽ tham mưu với Chính phủ ban hành chỉ thị về đẩy mạnh phát triển nhân lực có kỹ năng nghề. Bộ sẽ đề xuất với Chính phủ dành khoảng 3.000-5.000 tỷ đồng từ kết dư Quỹ bảo hiểm thất nghiệp để đào tạo lại cho khoảng 1 triệu lao động. Việc tổ chức đào tạo và đào tạo lại sẽ do doanh nghiệp và trường nghề liên kết triển khai, hoặc do doanh nghiệp trực tiếp thực hiện.