Chung cư G9 phường Xuân Tảo (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) có 9 tầng gồm 3 đơn nguyên, mỗi đơn nguyên có 2 thang máy. Tuy nhiên, cả tòa nhà hiện chỉ có 1 chiếc thang máy ở đơn nguyên 2 là còn đang hoạt động nhưng cũng chỉ lên đến tầng 8 và thường xuyên rung lắc mất an toàn.
5/6 chiếc thang máy còn lại đã ngừng hoạt động hơn 3 tháng qua khiến cuộc sống của hơn 120 hộ dân tại đây bị đảo lộn. Hầu hết mọi người chấp nhận đi thang bộ dù việc leo bộ 8-9 tầng, mỗi ngày vài lượt không phải là điều dễ dàng, đặc biệt là đối với người già, trẻ nhỏ hay phụ nữ đang mang thai.
Tuy nhiên, không phải ai cũng chấp nhận việc "hành xác" này nên sau nhiều ngày đi lại bằng cầu thang bộ, nhiều hộ dân ở các tầng trên cùng, thay vì đi xuống dưới đã... đi ngược lên trên, mở cửa tầng tum và đi qua mái tôn để vào đơn nguyên có chiếc thang máy duy nhất còn hoạt động.
Điều đáng nói là không chỉ những người trưởng thành nhiều người khác, cả "già trẻ, lớn bé" đều chọn mái tôn làm đường đi lại vì ngại leo tầng cao.
Thoạt nhìn qua, đây có thể coi là một sự... sáng tạo, hay "cái khó ló cái khôn" của những cư dân khu chung cư G9. Nhưng ngẫm kỹ mới thấy hành động này thật vừa đáng thương, lại vừa đáng trách bởi nó tiềm ẩn quá nhiều nguy hiểm .
Chỉ cần nhìn vào những bức ảnh này, bất kỳ ai cũng có thể cảm thấy rùng mình khi nghĩ đến cảnh những con người này chẳng may xảy chân vì mái tôn trơn trượt hay gió to. Khi đấy, hậu quả sẽ là khôn lường: Người không may thì mất tính mạng, vợ mất chồng, cha mất con,... Hơn thế nữa, khi đã quen với việc đi lại trên nóc nhà, các em nhỏ có thể tái diễn hành động tương tự này ở trường học, ở ngoài đường,... khi không có sự giám sát của người lớn và gây ra những hậu quả không thể lường trước.
Có những người đã giải thích rằng họ không có sự lựa chọn nào khác, họ cũng biết đấy là hành động nguy hiểm nhưng "đành phải chấp nhận". Đấy thực chất chỉ là một sự ngụy biện vì không cơ quan, tổ chức nào bắt họ phải "chấp nhận" những hành động nguy hiểm đến tính mạng đấy cả.
Họ có thể gửi đơn kiến nghị lên tổ dân phố, yêu cầu chủ đầu tư, ban quản lý tòa nhà phải có trách nhiệm sửa thang máy ngay từ lúc mới hỏng.
Nếu chủ đầu tư hay ban quản lý tòa nhà cố tình phớt lờ thì người dân có thể kiến nghị lên Sở Xây dựng, lên các cấp cao hơn ở thành phố, “kêu cứu” trên các phương tiện truyền thông đại chúng hoặc thậm chí là kiện đơn vị quản lý ra tòa.
Chỉ cần một nửa trong số 120 hộ dân chung cư G9 đồng lòng, quyết tâm theo đuổi vụ việc đến cùng thì chắc chắn các cơ quan chức năng sẽ buộc phải vào cuộc để giải quyết tận gốc vấn đề cho người dân. Bằng chứng là chỉ 1-2 ngày sau khi báo chí đăng tải vụ việc, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung đã có chỉ đạo Công ty TNHH MTV Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội khẩn trương kiểm tra, có ngay phương án sửa chữa hệ thống thang để đảm bảo ổn định cuộc sống cho người dân.
Thế nhưng, họ đã không làm điều đó. Trong khi đơn vị quản lý tòa nhà thờ ơ với cuộc sống của người dân thì người dân lại coi thường tính mạng của chính mình.
Họ - 120 hộ dân ở chung cư G9 có rất nhiều lựa chọn an toàn hơn nhưng họ đã không chọn, hoặc không quyết liệt đấu tranh vì quyền lợi của mình. Thay vào đó, họ chấp nhận phương án khó khăn nhất và cũng là nguy hiểm nhất là mang tính mạng của mình ra đùa giỡn với tử thần.
Bên cạnh đó, cũng phải đề cập đến câu chuyện quản lý của các cơ quan có thẩm quyền bởi nếu họ làm trọn trách nhiệm của mình thì sẽ không để xảy ra chuyện tòa nhà 120 hộ dân hỏng gần như toàn bộ hệ thống thang máy suốt 3 tháng mà không được sửa chữa.
Hơn thế nữa, chung cư này lại là nhà tái định cư dành cho cư dân khu nhà gỗ phường Chương Dương (quận Hoàn Kiếm) chuyển về nên để xảy ra sự việc này không chỉ ảnh hưởng đến đời sống của người dân mà còn làm ảnh hưởng đến hình ảnh của chính quyền, khiến chiến lược di dân khỏi phố cổ đã khó khăn nay lại càng chồng chất khó khăn.