Mới đây, tại kỳ họp thứ 13 (kỳ họp chuyên đề), HĐND TP Hà Nội khóa XVI đã thông qua tờ trình của UBND TP Hà Nội về đề án thành lập quận Gia Lâm và các phường thuộc quận trên cơ sở nguyên trạng diện tích tự nhiên hơn 116km2 và quy mô dân số hơn 300.000 người của huyện Gia Lâm, thành lập 16 phường trên cơ sở 22 xã, thị trấn của huyện Gia Lâm.
Đây là thông tin tích cực giúp "hâm nóng" thị trường đất nền ở khu vực này. Tuy nhiên, trên thực tế giá đất nền tại Gia Lâm không có biến động nhiều trước thông tin huyện Gia Lâm lên quận.
Nhu cầu tìm mua đất tăng, giá tạm thời chưa có “đột biến”
Chia sẻ với phóng viên, các nhân viên môi giới bất động sản ở khu vực huyện Gia Lâm cho biết sau thông tin Hội đồng Nhân dân TP. Hà Nội đã thông qua chủ trương lập quận Gia Lâm, số lượng khách hàng có nhu cầu mua đất tăng lên đáng kể.
Anh Nguyễn Hiếu, môi giới khu vực ven Gia Lâm chia sẻ: “Lượng khách hàng gọi hỏi mua đất tăng nhiều hơn so với thời điểm trước khi có thông tin huyện Gia Lâm lên quận. Ước chừng số lượng mỗi ngày có thể có đều đặn khoảng hơn 5 khách gọi điện thông qua các tin rao bán trên các sàn giao dịch bất động sản. Tuy nhiên, giai đoạn này hầu hết khách chủ yếu hỏi để mua đầu tư”.
Theo anh Hiếu, thời gian này tuy có những lô đất được rao bán từ rất lâu nhưng không có giao dịch cũng đã nhận về sự quan tâm trở lại từ người mua, tuy nhiên do chưa có yếu tố “đột biến” để tăng giá. Do đó, giá bất động sản tại Gia Lâm vẫn đi ngang.
Đồng quan điểm với anh Hiếu, anh Đàm Minh Thiện với 5 năm kinh nghiệm làm môi giới khu vực Gia Lâm khẳng định: “Dù đã thông qua chủ trương lập quận Gia Lâm, nhưng có thể bởi sự điều tiết của Nhà nước về thị trường tiền tệ, giảm lãi suất ngân hàng nên dù gần đây khách hàng quan tâm tăng nhưng giá vẫn không có biến động nhiều”,
Theo thông tin anh Thiện cung cấp, thực tế giá đất trung bình tại Gia Lâm có biên độ giá rộng. Cụ thể, khu vực trung tâm Trâu Quỳ, giá đất có thể dao động từ 150 triệu - 200 triệu/m2. Những khu vực lân cận tiếp giáp với các trục đường nhỏ có giá trung bình từ 80 - 90 triệu/m2. Còn khu vực từ xã Dương Xá kéo dài đến xã Lệ Chi còn nhiều dư địa có giá từ 30 triệu - 50 triệu/m2.
Giá đất có thể tăng từ 10 - 20% trong quý cuối năm và đầu năm sau
Nhận định về thị trường bất động sản Gia Lâm trong thời gian tới, anh Đàm Minh Thiện nêu quan điểm: “Theo kinh nghiệm của tôi, giá sẽ tăng nhẹ khoảng 10 - 20% trong thời gian quý IV năm 2023 và quý I năm 2024 tính từ nền giá “sàn” hiện nay. Bởi theo quy luật cung - cầu, sau thông tin tốt là Gia Lâm lên quận, nhiều khách hàng quan tâm hơn và khả năng tăng giá cũng nhanh hơn. Trong đó, đất thổ cư vẫn sẽ là sự lựa chọn hàng đầu của người dân”.
TS. Nguyễn Hữu Cường, Chủ tịch CLB Bất động sản Hà Nội nhận định: “Khi có sự biến chuyển về địa giới hành chính cấp huyện, cấp xã liên quan, việc giá đất của các khu vực đó tăng là tất yếu. Do đó, khi có thông tin lên quận, giá đất tại huyện Gia Lâm tăng là điều tất yếu”.
Theo chuyên gia, Gia Lâm là huyện cửa ngõ phía Đông của thủ đô có nhiều tuyến giao thông quan trọng. Cụ thể, huyện này là nút cổ giao kết nối cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, cầu Vĩnh Tuy 2, có 8 tuyến Metro đường sắt sẽ khởi công, được vành đai 3.5 và vành đai 4 đi qua,... Ngoài ra, Gia Lâm là cửa ngõ nối thủ đô với tam giác kinh tế Đông Bắc gồm: Hải Dương - Hải Phòng - Quảng Ninh, là điểm đến của chiến lược di cư, giải quyết bài toán quá tải hạ tầng nội đô.
Hiện cơ sở hạ tầng tại huyện Gia Lâm được hưởng lợi trực tiếp từ hàng loạt chung cư, khu đô thị nằm tại phía đông Hà Nội. Nhiều chủ đầu tư lớn như Vingroup, Ecopark, BRG Group, Eurowindow, Sunshine Group... đã rót hàng nghìn tỷ đồng để xây dựng nhiều dự án tại đây.
Chuyên gia cho rằng, quá trình xét duyệt các thủ tục để đưa thông tin từ huyện lên quận sẽ tác động trực tiếp đến tâm lý của nhà đầu tư. Huyện Gia Lâm lên quận là tín hiệu tốt: “Đó cũng sẽ là động lực để bất động sản khu vực phía Đông tăng cao trong thời gian tới. Việc Gia Lâm lên quận sẽ tạo điều kiện về pháp lý để thu hút các nguồn đầu tư và đặc biệt sự chú trọng, quan tâm của Chính phủ sẽ giúp Gia Lâm phát triển thêm về cơ sở hạ tầng, dịch vụ, công nghiệp, y tế, giáo dục và đặc biệt là du lịch”, ông Nguyễn Hữu Cường khẳng định.
Nguồn: https://reatimes.vn/gia-bat-dong-san-gia-lam-dien-bien-ra-sao-truoc-them-len-qua-20201224000022557.html