Sức mua của người tiêu dùng suy giảm
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tổng mức bán lẻ hàng hoá và dịch vụ tháng 2 đạt 481.8 nghìn tỷ đồng, giảm 6% so với tháng trước và tăng 13.2%. Luỹ kế 2 tháng đầu năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 994.2 nghìn tỷ đồng, tăng 13%.
Mặc dù vậy, theo ước tính của Tổng cục thống kê, quy mô tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong 2 tháng đầu năm 2023 chỉ đạt 77.7% quy mô của chỉ tiêu này trong trường hợp ước tính không xảy ra dịch COVID-19 từ năm 2020 đến nay.
Trong báo cáo đánh giá triển vọng ngành quý 2 vừa công bố, Chứng khoán KBSV cho rằng tác động lan toả của suy thoái kinh tế toàn cầu đối với ngành bán lẻ bắt đầu ảnh hưởng đến KQKD của các doanh nghiệp từ quý 4/2022, diễn biến này dự kiến sẽ vẫn kéo dài trong nửa đầu năm nay.
Trong ngắn hạn, chi tiêu của người tiêu dùng sẽ chưa thể hồi phục ngay nên sẽ có sự phân hoá giữa chi tiêu thiết yếu và không thiết yếu. Nhu cầu với các mặt hàng FMCG, dược phẩm sẽ bị ảnh hưởng nhưng với mức độ ít hơn. Trong khi đó, tốc độ tiêu thụ các mặt hàng không thiết yếu (ICT&CE) bị chậm lại và chưa thấy sự hồi phục rõ rệt trong thời gian gần đây.
Hiện nay, lượng tồn kho của một số nhà bán lẻ còn khá lớn, với bối cảnh hiện tại để tối ưu hoá doanh thu, KBSV cho rằng các doanh nghiệp thúc đẩy mạnh mẽ những chiến lược khuyến mại, ưu đãi từ đó dẫn đến một cuộc cạnh tranh về giá để có thể giải phóng hàng tồn kho. Điều này sẽ ảnh hưởng đến biên lợi nhuận gộp của các công ty bán lẻ.
Kỳ vọng xuất hiện tín hiệu hồi phục trong quý 3/2023
Chỉ số PMI tháng 2 đã tăng trở lại lên trên ngưỡng 50 điểm cho thấy sức khoẻ sản xuất đã bắt đầu cải thiện sau 3 tháng suy giảm liên tiếp. GSO cho biết số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu tiếp tục tăng, và đây là lần tăng thứ hai liên tiếp nhờ nhu cầu trên thị trường quốc tế cải thiện. Do vậy KBSV kỳ vọng hoạt động xuất khẩu sẽ sớm khôi phục trở lại, thúc đẩy thị trường lao động và tiêu dùng trong nước.
Dù vậy, người tiêu dùng sẽ cần thêm thời gian để tích luỹ của cải khiến tốc độ hồi phục của ngành bán lẻ có độ trễ. Ngành được kỳ vọng sẽ có những tín hiệu tích cực từ quý 3/2023, dần hồi phục trong năm 2024.
Triển vọng ngắn hạn ảm đạm đã kéo cổ phiếu toàn ngành đi xuống, hiện nhiều cổ phiếu bán lẻ đang được giao dịch ở mức P/E thấp trong vòng 5 năm, mở ra cơ hội đầu tư dài hạn hấp dẫn. KBSV kỳ vọng giá cổ phiếu sẽ tăng trở lại từ giữa năm 2023, khi nền kinh tế có dấu hiệu phục hồi, nhưng sẽ phản ánh vào KQKD của doanh nghiệp bán lẻ chậm hơn do có độ trễ.
Nguồn: https://thuongtruong.com.vn/news/gia-co-phieu-ban-le-dieu-chinh-mo-ra-nhieu-co-hoi-dau-tu-100164.html