Xuất hiện tâm lý ngại mua cao, diễn biến hồi phục của VN-Index dừng ở mức 1.040
Xu hướng giảm điểm tiếp tục được duy trì trong phiên đầu tuần. Sau khi chạm vùng 1.020, chỉ số đã trở nên cân bằng khi xuất hiện lực cầu giá thấp, diễn biến này cũng giúp VN-Index hồi phục trong 2 phiên ngày 28/2 và 1/3. Tuy nhiên, nhịp hồi phục đã suy yếu khi chỉ số đạt vùng 1.040. VN-Index sau đó lùi về chốt tuần tại 1.024,77, giảm 14.79 điểm (-1,42%) so với tuần trước.
Trong top 10 cổ phiếu ảnh hưởng đến VN-Index trong tuần có đến 4 ngành, bao gồm bất động sản (VHM, VRE, VIC), thực phẩm và đồ uống (MSN, VNM), ngân hàng (CTG, BID, HDB, TCB) và vận tải (VJC). Cho thấy, trong tuần áp lực bán có dấu hiệu lan tỏa trên diện rộng. Chiều tăng điểm, dẫn đầu là 3 mã VCB, HVN và SAB nhưng tổng mức ảnh hưởng chỉ +1,4 điểm.
Tiếp tục là diễn biến bán ròng 5 phiên liên tiếp của khối ngoại, tổng giá trị bán ròng của khối ngoại trong tuần đạt gần 1.200 tỷ đồng. VHM, HPG và SSI là 3 cổ phiếu bị bán ròng mạnh nhất với giá trị lần lượt 179 tỷ đồng, 167 tỷ đồng và 163 tỷ đồng.
VN-Index đã hồi phục trong tuần nhưng vẫn không thể giúp chỉ số thoát khỏi tuần giảm điểm thứ hai liên tiếp. Chuyên gia chứng khoán Phạm Bình Phương (Chứng khoán Mirae Asset) lo ngại "diễn biến suy giảm khối lượng giao dịch của phiên ngày 2/3 khi thanh khoản giảm về mức thấp nhất từ 2021. Nhịp hồi phục giúp xu hướng ngắn hạn duy trì trạng thái đi ngang nhưng diễn biến cạn thanh khoản sẽ khó tạo ra những cơ hội tham gia lướt sóng ngắn hạn".
VN-Index không thể giữ được mốc MA20 tuần (1.037), nếu trong tuần sau chỉ số tiếp tục đóng cửa dưới mốc này thì rủi ro xu hướng trung hạn sẽ chuyển sang tiêu cực.
Nhà đầu tư cần tính đến kế hoạch đầu tư trung hạn
Kết thúc tuần, nhóm ngành bất động sản có 23 mã tăng giá, 19 mã đứng giá và 79 mã giảm giá. Số lượng mã giảm giá áp đảo hoàn toàn.
Dẫn đầu top 20 cổ phiếu bất động sản giảm giá mạnh nhất tuần qua là AMD (-26,8%) của Công ty cổ phần Đầu tư và Khoáng sản FLC Stone (HOSE), giảm từ 1.640 đồng/CP xuống còn 1.200 đồng/CP.
Ngày 1/3, Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE) thông báo đưa cổ phiếu AMD vào diện đình chỉ giao dịch do công ty chậm nộp báo cáo tài chính soát xét bán niên năm 2022 quá 6 tháng so với thời hạn quy định. Đáng chú ý, ngay trước khi bị đình chỉ giao dịch, cổ phiếu AMD vừa có biến động mạnh khi tăng kịch trần 5 phiên liên tiếp rồi quay đầu giảm sàn.
Với việc AMD bị đình chỉ giao dịch, hiện nhóm cổ phiếu liên quan đến hệ sinh thái FLC chỉ còn mã chứng khoán KLF của CTCP Đầu tư Thương mại và Xuất nhập khẩu CFS giao dịch phiên chiều do thuộc diện hạn chế giao dịch. Các mã còn lại là ROS bị hủy niêm yết, FLC, HAI, ART và GAB bị đình chỉ giao dịch. Điểm chung của các mã này là vi phạm nghiêm trọng về nghĩa vụ công bố thông tin.
Một doanh nghiệp khác cũng trong nhóm giảm giá mạnh là HQC (Công ty cổ phần Tư vấn - Thương mại - Dịch vụ Địa ốc Hoàng Quân). Trong khoảng thời gian từ 20-26/2, HQC dẫn đầu top tăng giá mạnh nhất (lên tới 3.900 đồng/CP) nhờ thông tin Ngân hàng Nhà nước chuẩn bị triển khai gói tín dụng 120.000 tỷ đồng dành cho xây dựng dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân. Tuy nhiên, từ 27/2 - 4/3, HQC đảo chiều rất mạnh, còn 3.160 đồng/CP(giảm 19%).
Đáng chú ý trong danh sách cổ phiếu bất động sản giảm giá mạnh còn có DIG (-14,9%) của Tổng Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Xây dựng (HoSE), từ 13.800 đồng/CP còn 11.750 đồng/CP.
Tuần qua, DIG giảm hết biên độ, dư bán số lượng lớn khi bị thanh tra về cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước.
Hôm 28/2, Thanh tra Chính phủ công bố quyết định thanh tra toàn diện DIG trong vòng 30 ngày theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Lê Minh Khái.
Thông tin này tác động mạnh đến cổ đông của DIG, thể hiện qua áp lực xả hàng cổ phiếu dồn dập suốt phiên 1/3. DIG giảm hết biên độ ngay khi mở cửa, xuống 12.600 đồng và dư bán có thời điểm lên đến 20 triệu cổ phiếu.
NVL của Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va (HOSE), LDG của Công ty Cổ phần Đầu tư LDG (HOSE), SCR của Công ty Cổ phần Địa ốc Sài Gòn Thương Tín (HOSE)... tiếp tục lọt danh sách 20 cổ phiếu bất động sản giảm giá mạnh nhất tuần.
Ở chiều ngược lại, DCH (+39%) của Công ty Cổ phần Địa chính Hà Nội (UpCOM) là cổ phiếu tăng giá mạnh nhất, từ 5.900 đồng/CP lên 8.200 đồng/CP. Tuy nhiên, đây là mã thuộc loại thanh khoản cực thấp. Cả tuần qua, chỉ giao dịch 300 đơn vị.
TDH (+23%) của Công ty Cổ phần Phát triển Nhà Thủ Đức (HOSE) đứng thứ hai, tăng từ 2.960 đồng/CP lên 3.640 đồng/CP. TDH là mã hiếm hoi "xanh", "tím" suốt tuần qua.
Ngày 23/2, Tổng Giám đốc CTCP Phát triển Nhà Thủ Đức - ThuDuc House, ông Đàm Mạnh Cường đã có tâm thư gửi cổ đông về kết luận điều tra của Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ công an (C03) liên quan đến vụ việc kinh doanh linh kiện điện tử 2017 - 2019 trong đó nhấn mạnh việc công ty không bị khởi tố hình sự trong vụ gian lận thuế 365,5 tỷ đồng. Thông tin doanh nghiệp tránh được án hình sự ngay lập tức tác động mạnh đến cổ phiếu TDH.
Các mã còn lại trong top tăng giá hầu hết có thanh khoản rất thấp. Điển hình, cổ phiếu KHA của Công ty Cổ phần Đầu tư và Dịch vụ Khánh Hội (UpCOM) tuần qua tăng giá 18,8% nhưng thanh khoản chỉ vỏn vẹn 6 đơn vị.
Tóm lại, xu hướng ngắn hạn của thị trường chung vẫn ở đà giảm. Chuyên gia phân tích của Chứng khoán Yuanta khuyến nghị các nhà đầu tư ngắn hạn có thể tiếp tục đứng ngoài thị trường và nắm giữ tỷ trọng cổ phiếu ở mức thấp.
Thị trường vẫn đang trong giai đoạn tích lũy trung hạn cho thấy có thể sẽ tiếp tục đi ngang trong tuần giao dịch tới và dòng tiền duy trì ở mức thấp.
Tuy nhiên, xu hướng trung hạn của thị trường chung sẽ tăng. Do đó, Yuanta Việt Nam khuyến nghị các nhà đầu tư trung hạn có thể tiếp tục tích lũy và chú ý vào từng nhóm cổ phiếu./.
Nguồn: https://reatimes.vn/nhieu-co-phieu-bat-dong-san-giam-het-bien-do-20201224000018021.html