Bộ Công Thương đang xây dựng dự thảo liên quan đến cơ chế giá cho điện mặt trời áp mái với mức giá dự kiến giảm mạnh chỉ còn 5,2 - 5,8 cent/kWh với từng loại công suất dự án. Dự thảo được kỳ vọng sẽ ban hành vào tháng 3/2021.
Theo ông Hoàng Tiến Dũng, Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo - Bộ Công Thương, mức giá này được xây dựng trên cơ sở cơ quan tư vấn nước ngoài nghiên cứu, đánh giá về sự thay đổi, phát triển của năng lượng tái tạo, giá thiết bị điện mặt trời ở Việt Nam và trên thế giới.
Đồng thời, dựa trên các tính toán từ chi phí đầu tư, chi phí vận hành sửa chữa của hệ thống điện, chi phí lắp đặt, tính cả chi phí vay vốn, chi phí đấu nối và đời sống của dự án trong vòng 20 năm.
Mặc dù mức giá giảm sâu so với mức 9,35 cent/kWh theo Quyết định 11/2017/QĐ-TTg, tuy nhiên, ông Dũng khẳng định, mức giá này đảm bảo hài hoà lợi ích của cả nhà đầu tư và đơn vị mua điện. Với mức giá này, nhà đầu tư đã có hiệu quả kinh tế. Nhà nước cũng có lợi vì có được giá điện hấp dẫn, là điện sạch, môi trường sạch, góp phần cung cấp điện năng cho đất nước, giảm áp lực đầu tư lưới điện, truyền tải và phân phối điện.
Thực tế, thời gian vừa qua diễn ra rất nhiều hoạt động chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ dự án điện gió, điện mặt trời tại Việt Nam. Các hoạt động này thực hiện dưới hình thức liên doanh, chuyển nhượng cổ phần..., cho các nhà đầu tư nước ngoài. Động thái này cho thấy, dù giá điện dự kiến giảm sâu nhưng đây vẫn là mức giá đầu tư hấp dẫn, sinh lợi tốt so với chi phí đầu tư ban đầu.
Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) nhận định, cơ chế mua điện theo giá cố định (FIT) hiện tại ở Việt Nam được nhận định là tốt hơn so với nhiều nước trên thế giới và trong khu vực, khi áp dụng cơ chế đấu giá cạnh tranh với giá bán điện mặt trời 4,5 - 6,0 US cents/kWh ở Trung Quốc, 4,2 - 5,7 US cents/kWh ở Malaysia... Vì vậy, trong những năm gần đây đã xuất hiện tình trạng đổ xô vào đầu tư các dự án điện mặt trời tại Việt Nam.
Mới đây, tại cuộc họp Hội đồng thẩm định Quy hoạch điện VIII, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Chủ tịch Hội đồng đánh giá, theo quy hoạch, cơ cấu ngành điện có sự thay đổi cơ bản, theo hướng tăng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo. “Việt Nam hiện đang khai thác hiệu quả phần lớn tiềm năng thuỷ điện, không còn nhiều dư địa để phát triển thêm. Yêu cầu đặt ra với các dự án thuỷ điện trong thời gian tới là phải vận hành gắn với bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Các nguồn năng lượng điện mặt trời, gió cần được tiếp tục ưu tiên phát triển bởi đây là nguồn tài nguyên đặc biệt lớn của đất nước. Vấn đề đặt ra là các nguồn năng lượng này không thực sự ổn định, thời gian phát điện tập trung vào một số thời điểm trong ngày, do đó rất cần thiết phải hình thành và duy trì các nguồn điện nền ổn định của cả hệ thống.
Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng lưu ý, phát triển năng lượng tái tạo cần tính đến vấn đề dự trữ điện, đảm bảo an toàn vận hành của toàn hệ thống, quy mô công suất nguồn. Không gian bố trí các dự án điện gần nguồn phụ tải để giảm chi phí cho đường dây truyền tải.
Nguồn: https://kinhtemoitruong.vn/gia-dien-mat-troi-giam-sau-doanh-nghiep-van-co-loi-53647.html?fbclid=IwAR2iozpJuoqrH3Ah_byh7273fOcBawaDFqhTY3LE1Z89G8rmtMUAuhsNn3w