Cục Điện lực & Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) vừa hoàn thiện dự thảo về cơ chế khuyến khích điện mặt trời mới, thay thế Quyết định 11/2017 đã hết hiệu lực từ tháng 6.


Ảnh minh họa.

Theo đó, chính sách giá điện mặt trời (giá FIT) sẽ chỉ còn một mức cho tất cả các vùng bức xạ, thay vì kịch bản chia làm 4 vùng hoặc 2 vùng như đề xuất trước đây. Phương án một giá điện được nghiên cứu trên cơ sở chỉ đạo tại cuộc họp thường trực Chính phủ hồi cuối tháng 7.

Cụ thể, giá mua điện của các dự án mặt trời mặt đất là 1.620 đồng 1 kWh (tương đương 7,09 cent); điện mặt trời nổi là 1.758 đồng, tương đương 7,69 cent 1 kWh. Còn giá mua của điện mặt trời mái nhà là 2.156 đồng 1 kWh (9,35 cent).

Giá điện mới vẫn được áp dụng trong 20 năm với các dự án vận hành thương mại từ 1/7/2019 đến 31/12/2021. Mức giá này chưa gồm thuế VAT và được điều chỉnh theo biến động của tỷ giá VND/USD.

Tuy nhiên, các dự án cũ tại tỉnh Ninh Thuận vẫn được duy trì giá 9,35 cent 1 kWh (2.086 đồng), với điều kiện đã có trong quy hoạch phát triển điện lực, vận hành thương mại trước ngày 1/1/2021 và tổng công suất tích lũy không quá 2.000 MW. Các dự án sau thời điểm trên được áp dụng theo biểu giá mới.

Phương án một giá điện mặt trời đơn giản nhưng chính Bộ Công Thương cũng đánh giá khó khuyến khích phát triển tại miền Bắc, Trung. Chưa kể việc tập trung nhiều dự án điện mặt trời tại khu vực bức xạ tốt dẫn tới nguy cơ quá tải lưới truyền tải. Bộ cũng nhắc lại yêu cầu các nhà máy điện mặt trời khu vực Bình Thuận, Ninh Thuận phải giảm phát, do lưới điện truyền quá tải.

Số liệu các dự án năng lượng tái tạo được Bộ Công Thương tổng hợp cho thấy, tổng công suất điện mặt trời theo đề xuất của các nhà đầu tư đã khoảng 25.000 MW, điện gió là 16.500 MW. Đến hết tháng 6, 89 nhà máy điện mặt trời đưa vào vận hành với tổng công suất gần 4.500MW. Hiện gần 400 dự án điện mặt trời đang chờ được bổ sung vào quy hoạch nhưng đang vướng quy định Luật Quy hoạch mới (hiệu lực từ 1/1/2019).

Theo Báo Dân Sinh