Báo cáo của Bộ Tài chính cho thấy, trong quý I năm 2023, do tác động của giá thế giới, giá một số mặt hàng nhóm nhiên liệu năng lượng như xăng dầu, khí hóa lỏng có diễn biến tăng, giảm đan xen, giá vật liệu xây dựng có biến động tăng. Vì vậy, công tác điều hành một số mặt hàng thiết yếu được cân nhắc kỹ lưỡng trên tinh thần hỗ trợ đời sống, sản xuất, kinh doanh của người dân, doanh nghiệp…
Dự báo trong thời gian tới, tình hình kinh tế, chính trị thế giới còn nhiều bất ổn tác động tới giá các nguyên vật liệu đầu vào, mặt bằng giá chung, cung cầu hàng hóa trong nước và xuất khẩu; sự phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19 đã có nhiều dấu hiệu tích cực, tuy nhiên vẫn có nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn, từ đó tạo ra những áp lực trong công tác quản lý điều hành giá từ nay đến cuối năm.
Những khó khăn này có khả năng đến từ giá năng lượng và các vật tư chiến lược do tác động từ diễn biến xung đột chính trị - quân sự Nga – Ukraina và sự phân cực trong quan hệ giữa các nước lớn có xu hướng gia tăng trở lại cùng tác động từ sự phục hồi của kinh tế Trung Quốc.
Theo Bộ Tài chính, trong thời gian tới, giá một số mặt hàng do Nhà nước quản lý như: Giá dịch vụ giáo dục khi kết thúc thời gian được miễn, giảm học phí dự kiến sẽ tăng trong năm học mới 2023 - 2024 theo lộ trình Nghị định 81/2021/NĐ-CP ngày 27/8/2021.
Giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh; giá bán lẻ điện bình quân có thể được xem xét điều chỉnh căn cứ theo cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân tại Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg ngày 30/6/2017 của Thủ tướng Chính phủ.
Giá sách giáo khoa (SGK), theo Bộ GD&ĐT, thực hiện lộ trình triển khai SGK theo chương trình giáo dục phổ thông mới, năm học 2023 - 2024 sẽ áp dụng bộ SGK mới lớp 4, lớp 8, lớp 11, dự kiến quý II sẽ được cung ứng ra thị trường với mức giá có thể có biến động so với SGK hiện hành.
Giá dịch vụ vận chuyển hàng không: Bộ GTVT dự kiến điều chỉnh khung giá dịch vụ vận chuyển hàng không tăng trung bình 3,75% so với khung giá hiện hành.
Báo cáo của Bộ Tài chính cho thấy, trong quý I/2023, công tác điều hành xăng dầu trong nước được liên Bộ Công Thương – Tài chính điều hành nhất quán, đúng quy định đã góp phần bình ổn thị trường, kiểm soát lạm phát. Trong quý I, liên Bộ Công Thương – Tài chính đã chi sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu với mức chi từ 100 – 950 đồng/lít tùy loại để bình ổn giá xăng dầu trong nước.
Ngoài ra, việc giảm mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu, mỡ nhờn cũng đã giúp cho giá xăng dầu trong nước ổn định. Tuy nhiên, trong một số thời điểm, một số mặt hàng có mức tăng giá lớn hơn so với mức tăng giá thế giới do tỷ giá USD tăng cao.
Giá dịch vụ vận tải tương đối ổn định, hơn nữa ở lĩnh vực vận tải đường sắt đang có chiều hướng giảm nên giá cước vận tải hàng hóa vẫn ổn định. Tại lĩnh vực vận tải hàng hải đang có chiều hướng giảm sâu do từ đầu năm 2022 đến nay giá đã giảm trên 80% so với thời kỳ đỉnh điểm vào tháng 9/2021.
Hiện tại, mức giá cước còn thấp hơn khoảng 30% so với mức giá trung bình trong 10 năm trở lại đây cho thấy xu hướng vận tải đã quay trở lại trạng thái bình thường, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu trong việc giảm chi phí và thời gian vận tải.
Trong quý I, giá các mặt hàng vật liệu xây dựng về cơ bản ổn định, duy có giá thép xây dựng tăng do yếu tố đầu vào tăng. Tuy nhiên, giá bán thép thành phẩm tăng chậm hơn tốc độ tăng của nguyên liệu đầu vào nên hiệu quả kinh doanh thép xây dựng thấp. Giá cát xây dựng có xu hướng tăng nhẹ với mức tăng bình quân 1,51% hàng tháng do nhu cầu xây dựng. Các tỉnh phía Nam có xu hướng tăng với tỷ lệ mạnh hơn bình quân 3,4% hàng tháng.
Nguyên nhân là do nguồn khai thác và nhu cầu sử dụng tại các tỉnh phía Nam lớn hơn so với khu vực miền Bắc và miền Trung nên so sánh tương quan giá cát bình quân tại khu vực miền Nam thường cao hơn các tỉnh miền Bắc và miền Trung từ 1,3 - 1,5 lần.
Tính chung trong 3 tháng đầu năm, giá cát xây dựng tăng 2,5% so với cuối năm 2022. Giá nhựa đường cũng chỉ tăng khoảng 1% so với quý IV/2022 và tăng 19,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Giá đá xây dựng cũng tăng khoảng 2,7% so với quý IV/2022 do nhu cầu sử dụng cho các công trình giao thông đang thi công trên cả nước tăng.
Còn giá xi măng tương đối ổn định do nguồn cung hiện vượt xa so với nhu cầu trong nước nhưng vẫn tiếp tục được bổ sung trong năm 2023, đưa mức dư cung càng được nới rộng thêm...
Cũng trong quý I, những dịch vụ như giáo dục (học phí), giá dịch vụ khám chữa bệnh, giá thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế… nói chung những mặt hàng do Nhà nước định giá chưa có sự điều chỉnh trong 3 tháng đầu năm 2023.
Trong tháng 3 vừa qua, Bộ Tài chính với vai trò là cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo điều hành giá đã phối hợp với các Bộ, ngành báo cáo Phó Thủ tướng Lê Minh Khái - Trưởng ban Chỉ đạo điều hành giá tổng thể các giải pháp trong quý II và thời gian còn lại của năm 2023 để thực hiện việc kiểm soát lạm phát theo đúng mục tiêu Quốc hội và Chính phủ đề ra, trong đó có các giải pháp về hoàn thiện chính sách pháp luật về giá, các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu các mặt hàng thiết yếu, các chính sách về tài khóa, tiền tệ, quản lý, điều hành, bình ổn giá kết hợp với các giải pháp kinh tế vĩ mô khác cũng như cập nhật các kịch bản lạm phát làm làm cơ sở điều hành giá đảm bảo dư địa cho việc kiểm soát lạm phát cả năm.
Nguồn: https://baodansinh.vn/gia-dien-sach-giao-khoa-du-bao-tang-trong-thoi-gian-toi-20230414212727.htm