Hồi phục giữa bối cảnh lệch nguồn cung kéo dài
Báo cáo "Bất động sản Việt Nam 2024: Một năm nhìn lại" của Avison Young Việt Nam cho thấy, trong năm 2024, thị trường nhà ở ghi nhận nhiều tín hiệu tích cực với nguồn cung căn hộ mới bắt đầu xuất hiện từ nửa sau của năm. Đáng chú ý, phần lớn các sản phẩm mới này đều thuộc phân khúc cao cấp.
Cụ thể, tại TP.HCM, đa số các dự án mới triển khai đều hướng đến phát triển căn hộ hạng sang, mức giá dao động từ 72 - 142 triệu đồng/m2. Các dự án tái khởi động cũng công bố mức giá mới cao hơn trước.
Còn tại Hà Nội, giá bán tăng đột biến vào đầu năm và đến cuối năm vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Đặc biệt, số lượng căn hộ trên 70 triệu đồng/m2 ở Hà Nội ghi nhận nhiều hơn vào quý III/2024 và giá sơ cấp toàn thị trường quý IV/2024 tiếp tục tăng 2 - 4% so với quý trước.
Trong khi đó, phân khúc tầm trung tiếp tục khan hiếm ở TP.HCM và Hà Nội. Các căn hộ có mức giá bán phổ thông khoảng dưới 38 triệu đồng/m2 gần như "mất tích" trên thị trường. Giá bán liên tục tăng đẩy thị trường nhà ở rời xa giá trị căn bản, tăng rủi ro thanh khoản và khoảng cách giữa sản phẩm trên thị trường với mong muốn, nhu cầu và khả năng của số đông người mua nhà.
Ông David Jackson, Tổng Giám đốc Avison Young Việt Nam cho biết, việc phát triển nhà ở giá bình dân vẫn gặp nhiều thách thức. Chính sách và nguồn vốn tín dụng ưu đãi cho nhà ở xã hội chưa đủ hấp dẫn, trong khi thủ tục đầu tư và thuê, mua nhà ở xã hội còn phức tạp.
Tuy nhiên, theo ông David Jackson, vẫn còn cơ hội cải thiện nguồn cung theo hướng cân bằng hơn. Việc phát triển nhà ở thương mại phổ thông và nhà ở xã hội tại các khu vực ngoại ô hay đô thị mới, nơi quỹ đất chưa phát triển còn nhiều và chi phí đầu tư xây dựng bất động sản không quá đắt đỏ, dự báo góp phần đưa thị trường về lại quỹ đạo phát triển bền vững. Đón đầu làn sóng này, một số dự án giá bình dân đã được giới thiệu vào dịp cuối năm 2024 như tại huyện Bình Chánh (TP.HCM), Bình Dương và Đồng Nai.
"Quỹ đất phát triển nhà ở cũng sẽ sớm được bổ sung khi TP.HCM công bố kế hoạch phát triển 11 khu đô thị TOD và đấu giá 22 khu đất xung quanh các nhà ga metro. Trong bối cảnh chi phí vốn tiếp tục tăng, "cuộc chơi" tiếp theo cho các chủ đầu tư là săn đón cơ hội từ những quỹ đất này, cân bằng chi phí, giá bán và sản phẩm để đảm bảo thanh khoản và khả năng hoạt động hiệu quả của dự án", Tổng Giám đốc Avison Young khẳng định.
Hệ thống pháp luật hoàn thiện tạo điều kiện cho thị trường chuyển mình tích cực
Cũng tại báo cáo của Avison Young Việt Nam, năm 2024 đánh dấu cột mốc pháp lý bất động sản khi Luật Đất đai 2024, Luật Nhà ở 2023 và Luật Kinh doanh bất động sản 2023 có hiệu lực. Những thay đổi, điều chỉnh trong luật được đánh giá cao vì tính minh bạch, rõ ràng và công bằng, giúp chuyên nghiệp hóa các hoạt động môi giới và giao dịch, đặt nền móng để thị trường phát triển lành mạnh và bền vững.
Theo đó, các luật mới đã mở rộng và làm rõ hơn 4 vấn đề cốt lõi gồm giao dịch trong nhiều loại hình và sản phẩm bất động sản, gồm công trình đã hoàn thành hoặc công trình hình thành trong tương lai; yêu cầu về việc thành lập, năng lực tài chính và Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với các nhà đầu tư và chủ đầu tư khác nhau; yêu cầu về hợp đồng, quy hoạch trong việc mua bán quyền sử dụng đất; điều kiện và tiêu chuẩn để chuyển nhượng dự án. Dù vậy, doanh nghiệp, nhà đầu tư và người dân vẫn mong sớm có các văn bản hướng dẫn và triển khai đồng bộ để luật mới sớm đi vào cuộc sống.
Ông Lưu Quang Tiến, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Tài chính - Bất động sản Đất Xanh Services (DXS-FERI) nhận định, thị trường bất động sản đang bước vào bối cảnh mới, cuộc chơi mới, khi các luật quan trọng liên quan đến bất động sản chính thức có hiệu lực. Các bên đều đã có những nhịp điều chỉnh và tham gia thị trường với tâm thế mới, hành động mới. Sau giai đoạn phòng thủ đầy thận trọng, thị trường dần chuyển sang giai đoạn tấn công với nhiều điểm đáng chú ý. Niềm tin của người mua nhà và nhà đầu tư tiếp tục được cải thiện nhờ những tín hiệu tích cực hơn từ thị trường và các chính sách hỗ trợ của Chính phủ.
"Thị trường đã đi qua vùng đáy chữ U, có sự tăng trưởng trở lại và tiếp tục có dấu hiệu tăng nhẹ đến hết năm nay, hướng đến việc phát triển khả quan hơn từ năm 2025, dự kiến phục hồi vào năm 2026. Trong tháng cuối năm 2024, Chính phủ sẽ tiếp tục hoàn thiện bộ khung pháp lý cùng các văn bản hướng dẫn để sớm đưa các luật liên quan bất động sản vào thực tiễn. Song song, việc tiếp thu ý kiến từ các bên sẽ chuyển dần sang giai đoạn triển khai, giám sát, điều phối thực hiện; từ đó kiến tạo môi trường đầu tư, kinh doanh cởi mở hơn", ông Lưu Quang Tiến đánh giá.
Cũng bàn về thể chế, TS. Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam nhấn mạnh, Việt Nam đang bước vào giai đoạn cải thiện chất lượng thể chế. Những cải cách pháp luật quan trọng, như các luật mới sửa đổi nhiều luật liên quan đến đất đai, kinh doanh bất động sản và nhà ở, đang được triển khai mạnh mẽ. Sự đồng bộ hóa trong hệ thống pháp luật sẽ tác động tích cực đến thị trường bất động sản. Đây là tín hiệu lạc quan cho năm 2025 khi thể chế pháp lý ngày càng minh bạch và hiệu quả.
Song, chuyên gia này cũng bày tỏ băn khoăn về nghịch lý giá cả bất động sản hiện tại. Việc các địa phương áp dụng bảng giá đất mới, dựa trên giá thị trường, có thể tạo ra mặt bằng chi phí cao hơn, khiến giá bất động sản khó giảm, ngay cả khi cung tăng. Điều này có thể làm giảm khả năng hấp thụ của thị trường, đặc biệt với các dự án cao cấp, và kéo theo sự chững lại của toàn thị trường.
"Chính phủ cần nghiên cứu điều chỉnh chi phí liên quan đến đất đai để đảm bảo mức giá phù hợp hơn, từ đó kích thích sự phát triển bền vững của thị trường bất động sản. Với những cải tiến về chất lượng, năm 2025 sẽ là một năm khởi sắc cho thị trường, mang lại những cơ hội lớn cho các nhà đầu tư và người dân", TS. Nguyễn Văn Đính kỳ vọng./.
Nguồn: https://reatimes.vn/gia-nha-kho-giam-ngay-ca-khi-cung-tang-202241218134915538.htm