Dịch vụ ăn uống tăng giá “sốc” 

Từ đầu năm tới nay, giá xăng dầu trong nước đã có 3 kỳ điều chỉnh tăng giá liên tiếp, với mức tăng khoảng 1.000 - 1.200 đồng/lít so với thời điểm cuối năm 2021. Trong đó, kỳ điều chỉnh gần đây nhất vào ngày 11/2 có mức tăng cao nhất, xấp xỉ 1.000 đồng/lít.

Như vậy, sau 3 kỳ điều chỉnh tăng, giá xăng trong nước đang tiệm cận mức 25.000 đồng/lít, mức giá cao nhất trong vòng 8 năm qua. Việc giá xăng tăng đã khiến nhiều ngành dịch vụ tăng giá.

Một số nhà hàng kinh doanh theo chuỗi trong tuần qua đã tăng giá khoảng 5% - 15% vì giá xăng dầu tăng mạnh.
Một số nhà hàng kinh doanh theo chuỗi trong tuần qua đã tăng giá khoảng 5% - 15% vì giá xăng dầu tăng mạnh.

Không chỉ những ngành sử dụng nhiều xăng dầu, như vận tải và logistics, ngay cả một số ngành tưởng như “không liên quan” như thực phẩm, nhà hàng, dịch vụ ăn uống cũng đang đối mặt với rất nhiều khó khăn.

Theo ghi nhận của phóng viên Báo Nhà báo và Công luận, một số nhà hàng kinh doanh theo chuỗi trong tuần qua đã tăng giá khoảng 5% - 15% vì giá xăng dầu tăng mạnh.

Cụ thể, tại chuỗi nhà hàng hải sản P., một suất buffet đã tăng từ 360.000 đồng/người lên 440.000 đồng/người, tăng khoảng 80.000 đồng.

Theo giải thích của đại diện chuỗi nhà hàng này, do giá xăng tăng, nên giá hải sản đã tăng từ 1,5 - 2 lần so với trước Tết Nguyên đán. Ví dụ, tôm sú đỏ cỡ vừa, trước Tết có giá 250.000 đồng/kg nay được chào bán với giá 540.000 đồng/kg, cua gạch tăng từ 450.000 - 500.000 đồng/kg lên 800.000-900.000 đồng/kg; cua thịt loại 3-4 con/kg tăng từ 300.000 lên ngưỡng 460.000 đồng/kg;...

Đại diện chuỗi nhà hàng này cho biết, có rất nhiều nguyên nhân khiến giá hải sản tăng kể từ sau Tết, như việc nhu cầu liên hoan sau Tết tăng mạnh, nhưng ngư dân đầu năm lại chưa ra khơi đánh bắt. Điều này dẫn đến hiện tượng hết hàng, khan hàng, làm giá hải sản tăng. Đây là hiện tượng năm nào cũng xảy ra. 

“Tuy nhiên, năm nay, giá hải sản tăng rất mạnh sau Tết, còn do giá xăng tăng, việc ra khơi cũng bị ảnh hưởng, đó là chưa kể quá trình vận chuyển hải sản từ vùng biển về Hà Nội tiêu thụ cũng đã tăng thêm 20% - 30% chi phí. Vì vậy, dù không muốn, nhưng chúng tôi buộc phải tăng phí dịch vụ để bù lỗ”, vị này cho biết.

Tương tự, tại chuỗi nhà hàng lẩu K.K, giá một suất buffet ngày thường đã tăng từ 250.000 đồng/người (chưa thuế VAT) lên 280.000 đồng/người. Trong ngày cuối tuần, giá cũng tăng từ 300.000 đồng/người (chưa thuế) lên 350.000 đồng/người.

Đại diện truyền thông của đơn vị này cho biết, mặc dù đã áp dụng mức giảm thuế VAT từ 10% xuống 8%, thế nhưng, chi phí đầu vào đang tăng như “bão”.

“Trong bối cảnh dịch bệnh vẫn còn rất phức tạp như hiện nay, chúng tôi chỉ muốn giảm giá để kích cầu. Tuy nhiên, nếu không tăng, chúng tôi sẽ lỗ rất nặng, vì vậy, việc tăng giá là điều không ai mong muốn”, vị này cho biết thêm.

 Muốn doanh nghiệp thông cảm
Trong vài phiên giao dịch gần đây, giá xăng dầu thế giới đang có xu hướng hạ nhiệt. Điều này được nhiều doanh nghiệp kỳ vọng sẽ giúp giá xăng dầu trong nước tại kỳ điều chỉnh tới (ngày 21/2) giảm giá.

Ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết,  với chu kỳ điều chỉnh 10 ngày/lần, Liên Bộ Công Thương - Tài chính đã tính toán phù hợp với tập quán kinh doanh của các doanh nghiệp, chu kỳ để tính Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) và đủ thời gian để cơ quan quản lý Nhà nước cập nhật dữ liệu.

"Chính phủ, cơ quan điều hành cũng mong doanh nghiệp thông cảm, chia sẻ bởi khi điều hành giá phải cân nhắc rất nhiều yếu tố từ lợi ích của doanh nghiệp, người dân, mục tiêu quản lý CPI và mục tiêu vĩ mô của Nhà nước", ông Trần Duy Đông nêu cụ thể.

Ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương).
Ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương).

Hiện Bộ Công Thương vẫn đang theo dõi rất sát tình hình, đề xuất phương án phù hợp và hài hòa nhất. Trong đó có phương án đề xuất Thủ tướng Chính phủ cho phép Bộ Công Thương lựa chọn thời điểm điều hành giá phù hợp theo quy định của Nghị định 95/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 3/9/2014 về kinh doanh xăng dầu là có điều khoản đặc biệt về thời điểm điều hành, nhằm đảm bảo giá sát hơn, tạo nguồn và đỡ gây áp lực cho doanh nghiệp.

Cũng theo ông Đông, ngay sau khi nhận được chỉ đạo của Bộ Công Thương, các doanh nghiệp đã đẩy mạnh nhập khẩu, điển hình như Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) đã liên tục ký kết hợp đồng và tàu về liên tục thời gian gần đây.

Để đảm bảo nguồn cung, Vụ Thị trường trong nước ký 2 văn bản gửi các đơn vị liên quan yêu cầu cập nhật thông tin dữ liệu mới nhất của đầu mối và sản xuất.

 Bao gồm với thương nhân sản xuất yêu cầu cung cấp hợp đồng đã ký, từng chủng loại xăng dầu tới từng thương nhân, từ đó đối chiếu lại với doanh nghiệp đầu mối để kiểm tra giám sát tốt hơn.

 “Chúng tôi cũng yêu cầu thông tin về thực tế tỷ trọng giao hàng, trên cơ sở đó giao tổng nguồn, hạn mức nhập khẩu tối thiểu, đảm bảo tổng nguồn. Thêm nữa là công tác kiểm tra giám sát thị trường sẽ làm nghiêm hơn, đây cũng là cơ hội "thanh lọc" thị trường” - ông Trần Duy Đông nói.

Vụ Thị trường trong nước nhìn nhận, hiện nay tình hình cung ứng xăng dầu có tốt hơn so trước đó. Tuy nhiên, việc thiếu hụt xăng dầu cục bộ chưa hoàn toàn được khắc phục. Cụ thể, Nhà máy Lọc hoá dầu Nghi Sơn mới vận hành được 55% công suất, chưa bổ sung kịp thời nên một số cửa hàng, thương nhân có thể thiếu hàng cục bộ. 

“Tuy nhiên tình hình vài ngày tới sẽ tốt hơn khi hàng nhập khẩu về nhiều, áp lực cho các doanh nghiệp giảm xuống” - lãnh đạo Vụ thị trường trong nước cho biết.

Theo congluan.vn

Nguồn: https://congluan.vn/gia-xang-dau-dat-dinh-8-nam-nganh-dich-vu-an-uong-dong-loat-tang-gia-post181893.html