Ngày 11/2, giá xăng RON 95 trong nước vượt mốc 25.000 đồng/lít. So với đầu năm 2021, mặt hàng tăng gần 8.700 đồng/năm. Sau 3 lần tăng liên tiếp đầu năm, giá xăng hiện ở mức cao nhất trong vòng 8 năm và chỉ còn kém đỉnh lịch sử 1.069 đồng/lít đối với xăng E5 RON 92 và 818 đồng đối với xăng RON 95.

Không chỉ xăng, giá các mặt hàng dầu tại kỳ điều hành lần này cũng được điều chỉnh tăng. Giá bán đối với mặt hàng dầu diesel lên 19.865 đồng/lít; dầu hỏa là 18.751 đồng/lít và dầu mazut là 17.659 đồng/kg.

Giá xăng dầu tăng kỷ lục. Ảnh internet.
Giá xăng dầu tăng kỷ lục. Ảnh internet. 

Liên quan đến việc giá xăng đầu tăng kỷ lục trong 8 năm, rất nhiều chuyên gia đã lên tiếng bày tỏ sự lo ngại. Bởi nền kinh tế Việt Nam đang hồi phục sau những làn sóng Covid-19 liên tiếp ấp đến trong 2 năm qua, việc xăng dầu tăng cao sẽ ảnh hưởng đến các ngành sản xuất. Cụ thể, những ngành liên quan trực tiếp đến xăng dầu như vận tải, đánh bắt hải sản... sẽ khó chồng khó sau khi chống chọi với dịch Covid-19.

Trao đổi với PV Tạp chí Kinh tế Môi trường,  ông Nguyễn Công Hùng, Phó chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam (VATA) cho biết: Hiện nay Chính phủ và Quốc hội đang tập trung ban hành các gói cứu trợ khôi phục sản xuất đồng thời triển khai tiêm phủ đồng loạt với mục tiêu bình thường hoá để khôi phục sản xuất. Điển hình là gói 350.000 tỷ đồng khôi phục kinh tế và hỗ trợ  Lao động 3 tháng tiền thuê nhà. Điều này cho thấy quyết tâm khôi phục sản xuất, phục hồi kinh tế của Việt Nam quyết liệt như thế nào.

Cũng theo ông Hùng, thực tế cho thấy, hai năm qua, ngành vận tải hành khách đường bộ bị tê liệt do dịch bệnh. Tới thời điểm này, vận tải hành khách tuyến cố định và taxi vẫn phục vụ 50% số chỗ ngồi đặc biệt là người dân vẫn e ngại chưa sử dụng dịch vụ vận tải hành khách công công nên số xe chỉ chạy 60%. 

Ông Nguyễn Công Hùng, Phó chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam (VATA).
Ông Nguyễn Công Hùng, Phó chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam (VATA).

"Do ảnh hưởng của dịch bệnh, thời gian giãn cách quá dài dẫn đến đứt gẫy chuỗi lao động, các doanh nghiệp đang thiếu hụt nghiêm trọng. Các doanh nghiệp nói riêng, nền kinh tế nói chung đang phải gặp rất nhiều khó khăn", Phó Chủ tịch VATA nói. 

Ông Hùng nói thêm, xăng dầu là huyết mạch của vận tải. Muốn khôi phục kinh tế thì phải đồng lòng. Như ngành vận tải hành khách, mặc dù các doanh nghiệp rất khó khăn nhưng đến mùa lễ, Tết vẫn phải bình ổn giá, không được tăng cước. Tuy nhiên, xăng dầu mặc dù có qũy bình ổn giá nhưng vẫn tăng cao. Điều này có thể dẫn đến đứt gẫy các mục tiêu hỗ trợ của Chính phủ để khôi phục sản xuất.

Phó Chủ tịch VATA chia sẻ, 2 năm nay, từ khi dịch bệnh Covid-19 xuất hiện, doanh nghiệp phải thu hẹp hoạt động vì thực hiện giãn cách, nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa sụt giảm mạnh. Thế nhưng, chi phí đầu vào chi phí vận hành để cầm cự hoạt động kinh doanh lại không thể giảm. Nhất là giá xăng gần đây tăng cao khiến cho doanh nghiệp đã khó lại càng thêm khó trong chi phí cấu thành của các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực vận tải, vận chuyển hành khách.

Nếu giá xăng, dầu tăng cao buộc doanh nghiệp vận tải buộc phải tăng giá cước. Giá xăng tăng mạnh gây khó khăn rất lớn cho doanh nghiệp, ngoài chuyện chi phí khấu hao cao, lương người lao động thì giá xăng cũng là áp lực lớn.

Theo Kinhtemoitruong.vn

Nguồn: https://kinhtemoitruong.vn/gia-xang-dau-tang-cao-co-the-gay-dut-gay-cac-muc-tieu-ho-tro-khoi-phuc-san-xuat-64236.html?fbclid=IwAR3KIeTb8qcK8nqQmq2iR-2jJoY6tXOyvQ4BZGmcBfduFG0OEYw1kJvW_2M