11 tháng chỉ được 45% kế hoạch vốn
Theo Bộ Tài chính, tháng 11/2020, tình hình giải ngân khả quan hơn. Hết 11 tháng, số liệu kiểm soát chi qua Kho bạc Nhà nước đạt 46,2% trên tổng dự toán đã được điều chỉnh, số liệu giải ngân đạt 44, 63% so với kế hoạch điều chỉnh.
Trước kết quả này, tại Hội nghị với các bộ, ngành về giải ngân vốn đầu tư công nguồn vay nước ngoài của Chính phủ 11 tháng đầu năm 2020, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà đánh giá, trong tháng 12, nhiệm vụ còn lại rất lớn với hơn 50% dự toán vốn được cơ quan có thẩm quyền giao. Tháng 12 là tháng tập trung cao điểm hoàn thành các thủ tục thanh toán, trong đó lập các hồ sơ, phiếu giá để xác định khối lượng cơ bản hoàn thành, gửi hồ sơ Kho bạc Nhà nước để thực hiện kiểm soát chi, thực hiện lập phiếu chi, giải ngân rút vốn và khóa sổ quyết toán ngân sách Nhà nước.
Do đó, để tạo đà cho năm 2021, Bộ Tài chính mong muốn nhận được ý kiến của các bộ, ngành, xem từ nay đến cuối năm khả năng giải ngân được bao nhiêu. Đồng thời nêu rõ khó khăn, vướng mắc trong giải ngân và có kiến nghị gì với cơ quan chức năng, các nhà tài trợ để đẩy nhanh giải ngân nguồn vốn đầu tư công nguồn vay nước ngoài (ODA). Những vấn đề nào cần báo cáo Thủ tướng thì tổng hợp, báo cáo... Thứ trưởng Hà nhấn mạnh.
Thông tin thêm về giải ngân vốn ODA, ông Hoàng Hải - Phó Cục trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính) cho biết, trong 11 tháng năm 2020 đã giải ngân được 6.312 tỷ đồng, đạt 34% kế hoạch vốn giao từ đầu năm 2020, tương đương 45% kế hoạch vốn đã được điều chỉnh.
Đáng chú ý, số kiểm soát chi qua Kho bạc Nhà nước là 6.413 tỷ đồng, đạt 35,2% kế hoạch dự toán năm 2020 và 46,2% kế hoạch năm 2020 đã được điều chỉnh. Tính đến 30/11, đơn vị này đã nhận đươc 712 bộ hồ sơ đề nghị rút vốn và đã giải quyết được 700 bộ hồ sơ, tương đương với 98% số đơn rút vốn gửi đến Bộ Tài chính. Tuy nhiên, bên cạnh một số đơn vị có tỷ lệ giải ngân tốt thì vẫn còn một số bộ, ngành có tỷ lệ giải ngân thấp như Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Văn hoá, Thể theo và Du lịch, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam...
Nguyên nhân khiến việc giải ngân vốn ODA, vay ưu đãi còn thấp là do không có khối lượng xây dựng cơ bản hoàn thành nên không có hồ sơ thanh toán, không thể giải ngân. Bên cạnh đó, có một phần nguyên nhân do tác động của đại dịch Covid-19, thiên tai lũ lụt, ông Hải nhấn mạnh.
“Tuy nhiên, ngay cả ở các khu vực ít chịu ảnh hưởng bởi thiên tai lũ lụt thì Bộ Tài chính thấy tiến độ triển khai và gửi đơn rút vốn vẫn còn chậm. Bộ Tài chính đề nghị các bộ cần tiếp tục làm rõ vấn đề này và cụ thể hơn nữa trách nhiệm của từng khâu”, đại diện Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại lưu ý.
Cùng với đó, các dự án đã được bố trí kế hoạch vốn nhưng đang phải thực hiện các thủ tục điều chỉnh dự án (như gia hạn thời gian thực hiện Dự án, gia hạn thời gian giải ngân, điều chỉnh phân bổ các hạng mục sử dụng vốn) điều chỉnh Hiệp định vay nên không đủ cơ sở để giải ngân.
Một số vấn đề đến từ phía nhà tài trợ cũng được đề cập tới như thời gian cấp ý kiến không phản đối đối với hoạt động mua sắm, tuyển tư vấn của một số dự án kéo dài. Hay một số nhà tài trợ yêu cầu sử dụng tư vấn của nước tài trợ trong thực hiện dự án nhưng chất lượng của tư vấn còn hạn chế, không đảm bảo tiến độ dự án trong khi vai trò, quan điểm của nhà tài trợ đối với hoạt động của tư vấn là “không rõ ràng”.
Ngoài ra, việc chuẩn bị hồ sơ rút vốn của các chủ dự án còn chưa hoàn thiện như hồ sơ chưa đầy đủ, thiếu chính xác, kế hoạch chi tiêu chưa phù hợp... , ông Hải nêu thực trạng.
Triển khai ngay các gói thầu đã có ý kiến “không phản đối”
Trước thực trạng này, để thúc đẩy giải ngân nguồn vốn ODA từ nay đến cuối năm 2020, Bộ Tài chính đề cập đến 5 nhóm giải pháp. Thứ nhất, với nhóm giải pháp thúc đẩy việc triển khai thực hiện dự án để có khối lượng hoàn thành cho giải ngân, đặc biệt đối với các dự án kết thúc năm 2020 Bộ Tài chính đề nghị các bộ, ngành chủ dự án có trách nhiệm khẩn trương hoàn tất các thủ tục về đầu tư, xây dựng, về di dân tái định cư, giải phóng mặt bằng để triển khai thực hiện dự án.
Xử lý dứt điểm các tồn tại, vướng mắc của các dự án đầu tư lớn, tập trung đẩy mạnh giải ngân các dự án đầu tư có tiềm năng giải ngân, các dự án đã hoàn tất các thủ tục đầu tư, công tác đấu thầu, triển khai ngay việc ký kết đối với các gói thầu đã có ý kiến “không phản đối” của nhà tài trợ.
Tăng cường năng lực tổ chức thực hiện dự án ODA ở cấp cơ quan chủ quản, chủ đầu tư và ban quản lý dự án, đảm bảo đội ngũ cán bộ quản lý dự án có năng lực, trình độ chuyên môn cao. Đồng thời, các bộ, ngành có trách nhiệm bố trí đủ vốn đối ứng để thanh toán theo dự toán được giao; phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ ngành trực thuộc để giải quyết các vướng mắc phát sinh. Bên cạnh đó, các nhà tài trợ rà soát, giảm các thủ tục phê duyệt không cần thiết, đẩy nhanh thời gian phê duyệt các vấn đề cần xin ý kiến không phản đối.
Đối với các dự án đang trong giai đoạn thuê tư vấn để lập tổng mức đầu tư cần có các giải pháp giám sát chất lượng, tiến độ của tư vấn, tránh để các vướng mắc, chậm trễ kéo dài, ảnh hưởng đến việc thực hiện dự án.
Thứ hai, đối với các dự án không sử dụng hết kế hoạch vốn được giao phải đề xuất cắt giảm, Bộ Tài chính đề nghị các bộ, ngành xác định cụ thể là cắt giảm của dự án nào. Đồng thời trong thời gian tới cần làm rõ dự án nào hoàn toàn không giải ngân được trong năm 2020, dự án nào chỉ giải ngân được một phần.
Cùng với đó, phải phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư xác định số vốn đã được phân bổ trong giai đoạn 2016-2020 và số vốn đã giải ngân thực tế. Nếu thiếu vốn và còn được tiếp tục giải ngân trong các năm sau phải đề xuất đưa vào kế hoạch trung hạn giai đoạn 2021-2025 và kế hoạch vốn đầu tư năm 2021.
Cùng với hai nhóm giải pháp trên, Bộ Tài chính cũng đề cập đến nhóm giải pháp điều chỉnh chủ trương đầu tư và điều chỉnh Hiệp định vay; nhóm giải pháp kiểm soát chi, giải ngân, xử lý đơn rút vốn của nhà tài trợ; nhóm giải pháp về hoàn chỉnh khuôn khổ pháp lý về cho vay lại.