Quá trình rà soát các nhóm đối tượng liên quan đến người lao động thuộc diện thụ hưởng gói an sinh xã hội đợt 2 theo Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 9-4-2020 của Chính phủ về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 trên địa bàn thành phố Hà Nội đang vướng mắc do thiếu tiêu chí, căn cứ để xác định. Để người lao động không phải chờ đợi lâu, thành phố đang triển khai gói hỗ trợ chưa có tiền lệ bằng những giải pháp linh hoạt, khả thi.
Nỗ lực triển khai
Từ đầu tháng 5-2020 đến nay, ông Nguyễn Thế Vinh, Tổ trưởng tổ dân phố 6, phường Nguyễn Trãi (quận Hà Đông) cùng đại diện Ban Công tác Mặt trận, cảnh sát khu vực đến 250/250 hộ dân trên địa bàn để rà soát, xác minh các nhóm đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, làm căn cứ đề xuất hỗ trợ. Qua rà soát, tổ dân phố 6 lập danh sách 30 trường hợp, chủ yếu là người không có giao kết hợp đồng lao động bị mất việc làm (lao động tự do) và niêm yết công khai để lấy ý kiến đóng góp. “Sau quá trình xác minh, sàng lọc, tổ dân phố 6 chỉ có 6 trường hợp được Hội đồng xét duyệt phường Nguyễn Trãi đưa vào danh sách đề nghị hỗ trợ; 3 trường hợp tiếp tục xem xét. Điều này cho thấy, quy trình rà soát được thực hiện nghiêm túc, công khai, minh bạch”, ông Nguyễn Thế Vinh đánh giá.
Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, Phó Chủ tịch UBND phường Nguyễn Trãi Nguyễn Thị Thu cho biết, để bảo đảm tính khách quan, Hội đồng xét duyệt phường Nguyễn Trãi làm việc riêng với từng tổ dân phố để thẩm định đối tượng đủ điều kiện hỗ trợ, bước đầu xét duyệt được 100 hồ sơ. Là lao động tự do có tên trong danh sách đề nghị hỗ trợ của phường Nguyễn Trãi, chị Lê Thị Ngọc Hiếu (ngõ 8, đường Tô Hiệu) phấn khởi: “Nếu được tiếp cận với gói an sinh xã hội, gia đình tôi sẽ có thêm nguồn lực để cải thiện đời sống”.
Tương tự, các địa phương khác trên địa bàn quận Hà Đông đã tiếp nhận hồ sơ đề nghị hưởng chính sách của hơn 3.000 người lao động tự do… Còn tại quận Ba Đình, Phó Chủ tịch UBND quận Phạm Thị Diễm thông tin, toàn quận đã tiếp nhận 28 hồ sơ của hộ kinh doanh cá thể, 1.699 hồ sơ của lao động tự do…
Theo thống kê của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội, đến nay, 30/30 quận, huyện, thị xã đã thành lập Ban Chỉ đạo triển khai thực hiện Nghị quyết số 42/NQ-CP và các xã, phường, thị trấn đều thành lập hội đồng xét duyệt hồ sơ đề nghị hỗ trợ. Đến thời điểm này, các địa phương đã tiếp nhận gần 24.000 hồ sơ đề nghị được thụ hưởng, tập trung ở nhóm lao động tự do với hơn 22.000 hồ sơ, tiếp đến là hộ kinh doanh cá thể 1.200 hồ sơ…
Triển khai sáng tạo, bằng giải pháp chưa có tiền lệ
Mặc dù đã nỗ lực triển khai, song các ngành, địa phương vẫn gặp một số khó khăn, vướng mắc để xác định chính xác đối tượng thụ hưởng. Theo Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Mê Linh Nguyễn Thị Thanh Tám, việc thẩm định, xét duyệt đối tượng lao động tự do chủ yếu dựa vào thông tin do họ cung cấp, nên tiềm ẩn nguy cơ bị trục lợi chính sách.
Liên quan đến đối tượng lao động tự do, bà Nguyễn Thị Kim Liên, Tổ trưởng tổ dân phố 13 (phường Kim Liên, quận Đống Đa) cho hay, nguyên tắc là chỉ hỗ trợ cho đối tượng không bảo đảm mức sống tối thiểu. Song, nguyên tắc này chỉ áp dụng để đánh giá đối với cá nhân người lao động, hay đánh giá trong mối tương quan với cả gia đình? Ngoài ra, những người làm công việc bán hàng rong, buôn bán nhỏ lẻ không có địa điểm cố định… cũng chưa có hướng dẫn.
Với nhóm người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động, nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp; người lao động phải nghỉ việc không hưởng lương và người sử dụng lao động vay vốn để trả lương ngừng việc cho người lao động hiện có rất ít hồ sơ đề nghị hỗ trợ cũng do các quy định thiếu tính khả thi. “Chẳng hạn, hồ sơ của người sử dụng lao động đề nghị vay vốn để trả lương ngừng việc cho người lao động phải kèm theo bản sao báo cáo tài chính năm 2019 và quý I-2020. Thế nhưng, các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ không có báo cáo tài chính quý, chỉ có báo cáo tài chính năm”, Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Đỗ Mạnh Hưng phản ánh.
Để khắc phục những khó khăn, vướng mắc nêu trên, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội Nguyễn Hồng Dân cho rằng, trong quá trình rà soát, xét duyệt đối tượng thụ hưởng, các đơn vị, địa phương cần nghiên cứu kỹ các quy định để tìm ra giải pháp phù hợp. Chẳng hạn, theo các văn bản hướng dẫn, thì đối tượng được hỗ trợ là người lao động, nên việc đánh giá đối tượng này đủ điều kiện nhận hỗ trợ hay không chỉ căn cứ vào các yếu tố liên quan đến người lao động, không xét đến hoàn cảnh gia đình. Còn đối tượng bán hàng rong, buôn bán nhỏ lẻ không có địa điểm cố định, đủ điều kiện vẫn được xem xét hỗ trợ.
Liên quan đến vấn đề này, tại cuộc họp giao ban trực tuyến triển khai Nghị quyết số 42/NQ-CP trên địa bàn thành phố Hà Nội ngày 27-5, Phó Chủ tịch UBND thành phố Ngô Văn Quý cho biết, gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng là chương trình hỗ trợ an sinh xã hội chưa có tiền lệ, nên các địa phương cần triển khai sáng tạo, linh hoạt, bằng những giải pháp chưa có tiền lệ. Đối với những nội dung cần có hướng dẫn cụ thể, UBND thành phố giao các cơ quan chức năng khẩn trương xây dựng, để các địa phương có căn cứ triển khai thống nhất, đúng người, đúng đối tượng trong thời gian sớm nhất.