Tính đến 21/10, kim ngạch xuất nhập khẩu đã đạt khoảng 620 tỷ USD. Trong đó, xuất siêu đạt gần 8 tỷ USD. Mục tiêu kim ngạch xuất nhập khẩu của năm nay là 735 tỷ USD. 

Trong giai đoạn "nước rút" để "về đích" này, một trong những giải pháp trọng tâm đã được Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh là việc tăng cường xúc tiến thương mại, đẩy mạnh xuất khẩu. Đây là nhiệm vụ đòi hỏi các bộ ngành, địa phương và cộng đồng doanh nghiệp cần tập trung thực hiện.

Ngoài ra, với những giải pháp mà các doanh nghiệp đang thúc đẩy, theo đánh giá năm nay vẫn tiếp tục sẽ là năm thứ 7 liên tiếp Việt Nam xuất siêu. Để đạt được kế hoạch này các chuyên gia cho rằng sẽ cần thêm các chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp.

Để kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng bền vững cần tập trung vào các nhóm giải pháp như: hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận tín dụng, nối lại nguồn cung và tăng năng suất lao động, đầu tư hạ tầng nhằm cắt giảm chi phí hậu cần, logistics…

Theo đó, Bộ Công Thương phải tăng cường vai trò, sự hiện diện của mình để các tham tán thương mại ở các nền kinh tế đóng vai trò tích cực hơn trong việc giới thiệu khách hàng tiềm năng. Chủ động đa dạng hoá các thị trường tránh tập trung vào một thị trường nào đó, nhất là những thị trường mà có những cảnh báo rủi ro hoặc xác suất suy thoái rất cao.

Ngoài ra, doanh nghiệp cần cập nhật tiêu chuẩn quốc gia, nhãn hàng và nhu cầu thị trường. Đặc biệt là tính đến đầu tư vào những mặt hàng có ưu thế xuất khẩu và nâng chất, xây dựng thương hiệu quốc tế.

Bên cạnh đó, trong các chính sách khuyến khích xuất khẩu của Việt Nam, chúng ta cần tập trung vào lĩnh vực mà chúng ta có ưu thế hơn. Đặc biệt là lĩnh vực đi từ điều kiện chuỗi cung ứng trong nước ít lệ thuộc vào nước ngoài nhiều hơn. Ví dụ như ngành thuỷ hải sản, chế biến… ít lệ thuộc vào nước ngoài hơn, chúng ta có thể tối ưu ở các thị trường mới.

Cụ thể, yêu cầu bây giờ đối với doanh nghiệp giữ vững độ ngũ lao động, cho nên có thể tính toán thí dụ bài toán về lợi nhuận có thể bớt đi, vấn đề là đảm bảo đời sống cho người lao động.

Các chuyên gia cũng cho rằng, ở một số thị trường xuất khẩu truyền thống, doanh nghiệp cần cập nhật tình hình bạn hàng, nước nhập khẩu và nhu cầu tiêu dùng từ đó đưa ra kế hoạch sản xuất phù hợp. Đối với nông sản phải tìm hiểu, đáp ứng được yêu cầu tại các thị trường, hướng tới xuất khẩu chính ngạch.

Trong Báo cáo đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch năm 2022 của Bộ Công Thương, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa cả năm dự báo sẽ vượt mục tiêu Chính phủ giao. Các giải pháp duy trì cán cân thương mại tiếp tục xuất siêu, đẩy mạnh xuất khẩu, đa dạng hóa thị trường, chuỗi cung ứng sẽ là những nhiệm vụ quan trọng cần thực hiện, theo đúng như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Theo congly.vn

Nguồn: https://congly.vn/giai-phap-thuc-day-xuat-khau-nhung-thang-cuoi-nam-217623.html