Những người dùng Facebook gần đây chắc hẳn đang rất hoang mang vì có quá nhiều sự kiện được tạo lập với những cái tên vô cùng quái gở và nhảm nhí, như "Ôm nồi cơm điện chạy bộ,", "Đi kiểu zombie trên phố đi bộ", "Phát người yêu miễn phí ở phố đi bộ"...
Rất nhiều các sự kiện nhảm nhí được tạo thành trên Facebook
Mỗi sự kiện đều được bấm nút "tham gia" đến hàng nghìn người, cái tên càng "quái gở" thì số lượng người tham gia càng đông và càng nhận được nhiều lượt bình luận.
Lúc đầu, sự kiện chỉ được một vài bạn trẻ lập ra mang tính chất vui đùa giải trí nhưng sau đó trào lưu này ngày càng lan rộng. Host của các sự kiện thường là những Facebook có nhiều lượt theo dõi, các page có hàng nghìn lượt like.
Chuyện tưởng như đùa mà hóa ra lại thật khi chiều và tối ngày Chủ Nhật (10/9), một hoạt động lạ lùng đã diễn ra trên phố đi bộ quanh Hồ Gươm. Đó là khoảng 200 bạn trẻ cầm chiếc chảo trên tay xen lẫn với những bạn trẻ cosplay nhân vật trong truyện tranh Naruto (một bộ truyện tranh khá nổi tiếng đến từ Nhật Bản) chạy quanh hồ.
Bạn trẻ hóa trang thành nhân vật truyện tranh Naruto cùng chạy bộ với hội bạn trẻ cầm chảo
Theo lời giới thiệu về sự kiện "Chạy bộ kiểu Naruto", 4.500 người xác nhận sẽ tụ tập đông đủ ở Hàm Cá Mập bắt đầu chạy theo kiểu Naruto. Sự kiện này cũng thu hút tới 22.000 người nhấn nút "quan tâm", 2.600 xác nhận sẽ tham gia đẩy sự kiện lan toả chóng mặt trên Facebook.
Hơn 20 nghìn người bấm nút tham gia vào sự kiện chạy Naruto trên Facebook
Sự kiện "Cầm chảo chạy bộ" là sự kiện đầu tiên được thiết lập trên mạng. Từ đó, nó được phát triển thành các sự kiện khác nhau bởi một trang fanpage về game có tên SHG Brothers phát động.
Các sự kiện ăn theo sự kiện chạy Naruto nhưng không còn là tại phố đi bộ
Vì tạo lập một sự kiện trên Facebook quá dễ dàng không có ai là người đứng ra kiểm soát nên rất nhiều sự kiện sau đó ngày càng biến tướng với những cái tên không chỉ "cợt nhả" mà còn có phần tục tĩu, trái với thuần phong mỹ tục của người Việt.
Một số người cho rằng đây chỉ là trào lưu vui đùa của các bạn trẻ, sau một thời gian sẽ chìm xuống không có gì đáng lo ngại nhưng một số khác lại cho rằng đây lại là một trò đùa vô cùng ngu ngốc. Thậm chí một số còn nghĩ đây là một chiến dịch tạo xu hướng của một tổ chức hay của một công ty nào đó.
Một Facebooker chia sẻ quan điểm của mình trên trang cá nhân về trào lưu này
Nếu ai cũng "nhẹ dạ cả tin" và ham vui tham gia thật như sự kiện "Cầm chảo chạy Naruto" thì phố đi bộ chắc hẳn sẽ rơi vào tình trạng "thất thủ" náo loạn.
Facbooker Lê Hồng Cúc chia sẻ: "Mặc dù mình không biết những sự kiện nhảm nhí trên mạng do ai tổ chức nhưng mình biết rõ chỉ là giải trí thôi. Bạn bè mình ấn nút tham gia hiện lên trang chủ của mình thì mình thấy vui thì mình cũng bấm vào, có mất gì đâu".
Nhưng thực tế cái sự "có mất gì đâu" của đa số người dùng facebook không chỉ tiếp tay cho các hoạt động vô bổ mà còn gây phiền toái và ảnh hưởng đến những người xung quanh vì lượt nhấn nút càng nhiều thì sự kiện đó càng xuất hiện trên trang chủ của bạn bè.
Ngoài ra nhiều người dùng sử dụng cách bấm vào các sự kiện ảo này để thể hiện mình là một người hài hước, thú vị và nắm bắt xu hướng.
Hơn thế, một vấn đề khác được đặt ra là rất nhiều sự kiện chất lượng mà bạn trẻ có thể học được nhiều điều lại dễ dàng bị bỏ qua vì nó không có cái tên "kêu", không đủ "nhảm nhí" hay không được chia sẻ và "like" nhiều trên facebook.
Điển hình như sự kiện "hội sách tại Hoàng thành Thăng Long" chỉ nhận được hơn 8 nghìn lượt yêu thích dù đã tạo trước đó một tháng. So với sự kiện "Phát người yêu miễn phí tại phố đi bộ" mới xuất hiện một tuần nhưng lượt người yêu thích đã là 35.000 người.
Một
Một số sự kiện khác mang tính chất giáo dục thì lại chỉ số người tham gia chỉ bằng 1/10 của các sự kiện "nhảm nhí tại phố đi bộ
Hay tại sự kiện vô cùng ý nghĩ như "Chạm vào đôi bàn tay mẹ" rất ít người tham dự, nếu như không có sự xuất hiện của các ca sĩ nổi tiếng thì gần như mọi người thờ ơ, chẳng thèm ngó đến.
Sự kiện "Chạm vào bàn tay mẹ" diễn ra vào ngày 9/9 vừa qua tại phố đi bộ hồ Gươm khá vắng vẻ
Các sự kiện chân chính và nghiêm túc trên Facebook không nhận được sự quan tâm và lan truyền với tốc độ chóng mặt như các sự kiện "quái gở" đơn giản vì nó không bắt kịp được theo xu hướng ham vui và "sống ảo" của giới trẻ. Hơn nữa những sự kiện nghiêm túc có sự kiểm soát thực sự chứ không phải là các "chiêu trò" để tăng like, tăng lượt theo dõi.
Có thể nói, với tâm lý tò mò, chạy theo đám đông mà những người trẻ dùng Facebook đang tạo nên một trào lưu "dị thường" trên mạng xã hội. Dù chưa rõ nguồn cơn từ đâu nhưng rõ ràng với tình trạng không kiểm soát, hàng loạt các sự kiện nhảm không chỉ ảnh hưởng đến nhận thức của giới trẻ mà còn làm ảnh hưởng đến uy tín và chất lượng của những sự kiện chân chính.
Có thể rồi chính những sự kiện chân chính cũng sẽ bị "đồng hóa" theo hướng tiêu cực, tạo ra các xu hướng "quái gở" để thu hút sự chú ý và rồi người dùng sẽ chẳng biết đến giá trị thật sự.
Theo Dung Hương/Reatimes
Like Page để nhận được nhiều thông tin tiêu dùng hữu ích 24/24h