Nhiều doanh nghiệp rời thị trường, tín dụng vẫn tăng trưởng tích cực
Chỉ trong Quý I/2025, cả nước ghi nhận hơn 72.900 doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động – tăng 18,6% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường cũng lên tới gần 26.300 doanh nghiệp mỗi tháng, cho thấy bức tranh "hai chiều" của khu vực doanh nghiệp tư nhân. Trong đó, nguyên nhân chủ yếu đến từ những bất ổn kinh tế toàn cầu, thiên tai, biến đổi khí hậu và sự thu hẹp sức chi tiêu của thị trường.
Trước những khó khăn trên, ngành ngân hàng đã vào cuộc mạnh mẽ với loạt giải pháp nhằm hỗ trợ dòng vốn cho doanh nghiệp. Theo TS. Nguyễn Quốc Hùng, Ngân hàng Nhà nước và hệ thống tổ chức tín dụng (TCTD) đã chủ động thực hiện nhiều chương trình tín dụng theo chỉ đạo Chính phủ như: tín dụng nhà ở xã hội, tín dụng cho lâm – thủy sản, tái thiết chung cư cũ… Đồng thời, ngành cũng tổ chức gần 1.300 cuộc kết nối ngân hàng – doanh nghiệp trong năm 2024 để lắng nghe và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Các chính sách cơ cấu nợ, giữ nguyên nhóm nợ cũng được kéo dài đến hết năm 2025, đặc biệt dành cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi thiên tai như cơn bão số 3. Ngoài ra, NHNN đã công bố nguyên tắc giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng từ cuối tháng 12/2024 để các TCTD chủ động triển khai sớm, đồng thời tiếp tục lộ trình tiến tới xóa bỏ cơ chế phân bổ chỉ tiêu tín dụng cứng.
Kết quả, tín dụng toàn nền kinh tế đến cuối năm 2024 đã tăng 15,09% so với năm trước – tương đương 2,2 triệu tỷ đồng được bơm vào nền kinh tế. Đặc biệt, tính đến cuối tháng 2/2025, dư nợ tín dụng dành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa (chiếm đến 98% tổng số doanh nghiệp) đã đạt 2,77 triệu tỷ đồng.

TS. Nguyễn Quốc Hùng – Phó Chủ tịch điều hành kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam.
Nhưng theo ông Nguyễn Quốc Hùng, dù hệ thống ngân hàng đã chủ động vào cuộc, không ít doanh nghiệp vẫn gặp khó khăn trong tiếp cận vốn vay. "Nguồn lực của nhiều doanh nghiệp đã cạn kiệt, tài sản thế chấp thì vướng mắc pháp lý, giấy tờ chưa hoàn chỉnh, hoặc nằm trong quy hoạch treo", ông nêu rõ.
Một trong những trở ngại lớn nhất là vấn đề minh bạch tài chính. Nhiều doanh nghiệp nhỏ không có sổ sách kế toán chuẩn chỉnh, phương án kinh doanh thiếu khả thi, năng lực quản trị yếu. Điều này khiến ngân hàng không đủ cơ sở để thẩm định, dù nhu cầu vay vốn là rất lớn.
Ở chiều ngược lại, các TCTD cũng đối mặt với nhiều thách thức. Việc xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm bị kéo dài do thủ tục pháp lý rườm rà; tội phạm công nghệ trong lĩnh vực ngân hàng có xu hướng gia tăng. Một số chương trình tín dụng ưu đãi như gói 120.000 tỷ đồng cho bất động sản vẫn gặp khó trong triển khai. "Không thể vì hỗ trợ doanh nghiệp mà đánh đổi rủi ro hệ thống", ông Hùng nhấn mạnh, đồng thời cho biết các ngân hàng buộc phải tuân thủ các chuẩn mực quốc tế về quản trị rủi ro.

Dù hệ thống ngân hàng đã chủ động vào cuộc, nhưng theo ông Nguyễn Quốc Hùng, không ít doanh nghiệp vẫn gặp khó khăn trong tiếp cận vốn vay. (Ảnh minh họa)
Cần đồng bộ cải cách từ thể chế đến dữ liệu doanh nghiệp
Để gỡ khó cho bài toán vốn, đại diện Hiệp hội Ngân hàng kiến nghị một loạt giải pháp ở cấp vĩ mô. Trước hết, cần thúc đẩy cải cách thể chế mạnh mẽ hơn nữa để giảm chi phí thực thi cho doanh nghiệp, đồng thời phát triển thị trường vốn nhằm san sẻ áp lực với hệ thống ngân hàng. "Nguồn vốn ngân hàng chỉ nên là vốn bổ sung lưu động. Còn vốn trung dài hạn phải đến từ thị trường vốn", TS. Hùng nhấn mạnh.
Ông cũng kêu gọi đẩy mạnh đầu tư công, tháo gỡ vướng mắc pháp lý cho các dự án dở dang, nhà ở xã hội; xây dựng cổng thông tin doanh nghiệp quốc gia, kết nối với hệ thống thuế, hải quan, ASEAN… để tạo kho dữ liệu chuẩn, giúp ngân hàng thẩm định hồ sơ nhanh hơn.
Bên cạnh đó, cần kích hoạt mạnh mẽ các quỹ bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa – một thiết chế đang hoạt động cầm chừng tại nhiều địa phương. "Chỉ khi có nguồn quỹ dự phòng đủ mạnh, các quỹ bảo lãnh mới dám 'ra tay' trong những thương vụ rủi ro cao", ông Hùng nói.
Bên cạnh đó, để tiếp cận được dòng vốn, bản thân các doanh nghiệp cũng phải chuyển mình mạnh mẽ. Theo ông Hùng, các doanh nghiệp cần quyết liệt tái cơ cấu về tài chính, quản trị, chiến lược và công nghệ; minh bạch thông tin kế toán, đầu tư vào nâng cấp công nghệ lõi, mở rộng thị trường và kênh phân phối.
"Không thể tiếp tục tình trạng vay vốn bằng cách 'xin – cho'. Ngân hàng cần thấy được kế hoạch kinh doanh rõ ràng, khả thi và năng lực quản lý vững vàng từ doanh nghiệp", ông nhấn mạnh.
Đồng thời, các TCTD cũng cần đẩy nhanh chuyển đổi số, ứng dụng dữ liệu lớn (big data) để đánh giá rủi ro tín dụng linh hoạt hơn, thay vì phụ thuộc hoàn toàn vào tài sản thế chấp.
Ông Hùng đề xuất: "Chính quyền địa phương cần đóng vai trò cầu nối trong các chương trình kết nối ngân hàng – doanh nghiệp, thúc đẩy cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, rút ngắn thời gian xử lý hồ sơ vay vốn".
Việc kiện toàn và vận hành hiệu quả các quỹ bảo lãnh, các chương trình liên kết tín dụng, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ cũng là "mảnh ghép" quan trọng trong bức tranh tổng thể tháo gỡ điểm nghẽn vốn hiện nay.
Nguồn: https://reatimes.vn/go-diem-nghen-von-cho-doanh-nghiep-tu-nhan-bai-toan-can-nhieu-loi-giai-20225041721525953.htm