Kết quả còn hạn chế

Vừa qua, tại Hà Nội, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc phổ biến, giải đáp, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất. Qua 3 tháng triển khai, các ngân hàng thương mại đã vào cuộc rất tích cực, cụ thể: Khẩn trương ban hành quy định nội bộ; Tổ chức tập huấn toàn hệ thống tới từng chi nhánh, phòng giao dịch; Rà soát đối tượng thuộc các ngành, lĩnh vực được hỗ trợ lãi suất; Chủ động thông tin, tuyên truyền, đặc biệt một số ngân hàng thương mại còn phối hợp chính quyền địa phương để truyền tải về chương trình hỗ trợ lãi suất tới các đối tượng thụ hưởng chính sách. Tuy nhiên, do độ trễ của chính sách nên bước đầu kết quả triển khai chưa được nhiều.

Khó khăn trong triển khai giải ngân tiếp tục được ngành ngân hàng và bộ ngành chung tay tháo gỡ
Khó khăn trong triển khai giải ngân tiếp tục được ngành ngân hàng và bộ ngành chung tay tháo gỡ

Theo báo cáo nhanh từ các ngân hàng thương mại, doanh số cho vay được hỗ trợ lãi suất đạt gần 4.407 tỷ đồng đối với gần 550 khách hàng, dư nợ được hỗ trợ lãi suất đạt khoảng 4.300 tỷ đồng; dự kiến số tiền hỗ trợ lãi suất cho khách hàng đến cuối tháng 8/2022 khoảng 13,5 tỷ đồng. Nguyên nhân của việc triển khai hỗ trợ lãi suất chưa được nhiều là do một số vấn đề như: Khó khăn trong xác định đối tượng được hỗ trợ lãi suất trong một số trường hợp khách hàng hoạt động sản xuất, kinh doanh đa ngành; tâm lý e ngại của các ngân hàng thương mại khi triển khai thực hiện do một số chương trình hỗ trợ lãi suất (gồm chương trình hỗ trợ lãi suất năm 2009 và một số chương trình hỗ trợ lãi suất từ ngân sách Nhà nước) vẫn chưa được quyết toán số tiền đã hỗ trợ lãi suất cho khách hàng...

Ông Nguyễn Trần Mạnh Trung, Phó Tổng GĐ VietinBank chỉ ra, “nhiều khách hàng đăng ký hoạt động kinh doanh đa ngành nghề. Vì vậy, việc bóc tách xác định chi phí vốn vay rất khó khăn. Đồng thời, điều kiện trong Nghị định 31 là "phục hồi", khoản 4 Điều 3, không có hướng dẫn cụ thể, đánh giá khả năng phục hồi như thế nào, dẫn đến mỗi ngân hàng áp dụng một điều kiện khác nhau. Việc đưa ra các tiêu chí không thống nhất có thể dẫn đến có thể khó việc khó thanh toán khoản hỗ trợ lãi suất”. Đại diện một số ngân hàng như BIDV, TPBank... cũng cho biết, bên cạnh nhiều DN bị ngân hàng từ chối duyệt đề nghị hỗ trợ lãi suất 2% vì không đủ điều kiện thì có nhiều DN đủ điều kiện từ chối tham gia vì e ngại thủ tục rườm rà và ngại thanh tra, hậu kiểm về sau.

Tháo gỡ khó khăn khi triển khai hỗ trợ lãi suất 2%

Bà Nguyễn Chi Lan, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật Dân sự kinh tế, Bộ Tư pháp, nhấn mạnh, về tiêu chí "có khả năng phục hồi", đại diện Bộ Tư pháp cho biết đã từng được bàn thảo trước khi đưa ra Nghị định. Theo đó, các ngân hàng thương mại có quyền tự quy định theo khẩu vị rủi ro của mình. Các ngân hàng thương mại sẽ hiểu nhất gói cho vay của mình, mục đích cho vay, đánh giá khả năng phục hồi. Trong phạm vi hiểu biết của Bộ Tư pháp, Bộ cũng đồng ý với giải pháp mà chúng ta đưa ra trong Nghị định 31, đó là theo nội bộ của từng ngân hàng thương mại.

Về phía đại diện Ngân hàng Nhà nước nhận định, chương trình hỗ trợ lãi suất 2%/năm từ nguồn ngân sách Nhà nước là chương trình có quy mô lớn nhất từ trước tới nay triển khai thông qua hệ thống ngân hàng thương mại. Do đó, tâm lý của các ngân hàng thương mại và khách hàng khi tham gia chương trình đều rất thận trọng, chặt chẽ để đảm bảo tuân thủ đúng quy định pháp luật. Thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước cho biết sẽ tiếp tục chỉ đạo các ngân hàng thương mại tích cực triển khai trên cơ sở tuân thủ quy định pháp luật. Đồng thời, tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành liên quan kịp thời tháo gỡ vướng mắc phát sinh trong triển khai chương trình nhằm đảm bảo đúng đối tượng, đúng mục tiêu, minh bạch và hiệu quả.

Chương trình hỗ trợ lãi suất 2% từ nguồn ngân sách Nhà nước 40.000 tỷ đồng được Chính phủ hết sức quan tâm. Mới đây, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã họp với lãnh đạo ngân hàng và nhấn mạnh tinh thần là phải nhìn thẳng vào thực tiễn để linh hoạt giải quyết bài toán đặt ra từ thực tiễn. Lãnh đạo Chính phủ đã giao Ngân hàng Nhà nước sớm thành lập một số đoàn công tác (có sự tham gia của các Bộ, ngành liên quan) để tiến hành khảo sát tình hình triển khai thực hiện của các ngân hàng thương mại, nắm bắt các vấn đề đặt ra trong thực tiễn để kịp thời có các biện pháp xử lý các khó khăn, vướng mắc của cơ sở.

Bà Hà Thị Mỹ Dung, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước cho biết, với những nội dung cần thực hiện thấy không thể thực hiện được, Kiểm toán Nhà nước cho rằng cần mạnh dạn báo cáo với các cấp có thẩm quyền sớm. Kiểm toán Nhà nước sẵn sàng tổng hợp ý kiến của các Ngân hàng Thương mại về các khó khăn vướng mắc, tìm nguyên nhân và đề xuất với các cấp có thẩm quyền. Thời gian vừa qua, Kiểm toán Nhà nước chưa tổ chức kiểm toán chương trình hỗ trợ lãi suất 2% được vì trên thực tế chưa triển khai được nhiều.

Theo Phapluatxahoi.kinhtedothi.vn

Nguồn: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/go-kho-khan-vuong-mac-trong-trien-khai-goi-ho-tro-lai-suat-2-303300.html