Tháng trước, trong hai cuộc họp vào ngày 12 và 13, Grab thông báo sẽ tăng mức chiết khấu từ 15% lên 20% đối với tài xế và sẽ áp dụng từ ngày 5/9.

Ngay sau khi thông báo, đã có rất nhiều tài xế đồng loạt phản đối chính sách này của Grab bằng cách tắt ứng dụng hoặc đặt cuốc ảo. Theo các tài xế, việc áp dụng mức chiết khấu cao sẽ khiến thu nhập của họ bị giảm đi rất nhiều.

Tuy nhiên, dù vấp phải sự phải đối, hôm 5/9 mức chiết khấu 20% đã bắt đầu được áp dụng. Điều này khiến nhiều tài xế bức xúc và tỏ thái độ bất bình.

Anh Nam (Cầu Giấy) một người chay Grab toàn thời gian cho biết, với mức chiết khấu lên 20%, mỗi ngày anh mất khoảng 18.000 -25.000 đồng so với trước. Tính ra mỗi tháng thu nhập của anh giảm khoảng 550.000 -750.000 đồng, số tiền này đối với một người chạy Grab kiếm sống như anh là không hề nhỏ, có thể bằng cả tiền mua sữa một tháng cho con.

Nhiều tài xế phản ứng bằng cách đồng loạt tắt ứng dụng và chạy ngoài

Nhiều tài xế phản ứng bằng cách đồng loạt tắt ứng dụng và chạy ngoài

Còn anh Lâm (Thanh Xuân) thì cho rằng việc tăng mức chiết khấu sẽ khiến các tài xế rất thiệt thòi. Nếu như trước đây, số lượng tài xế chạy Grab còn ít, thu nhập khá hơn thì việc tăng chiết khấu lên 20% anh em còn đỡ.

Tuy nhiên, thời điểm này rất nhiều người chạy Grab nên việc kiếm khách cũng khó khăn hơn nhiều. Một ngày, tài xế chạy hùng hục ngoài trời cũng chỉ kiếm được ba đến bốn trăm nhưng phải trừ đi chi phí xăng xe, điện thoại, bảo dưỡng, ăn uống… cộng thêm 20% chiết khấu thì số tiền thu được rất thấp.

Theo anh, Grab nên tính toán lại và không nên để các tài xế chịu thiệt, vì dù sao các tài xế cũng là người trực tiếp kiếm nguồn thu và tạo nên hình ảnh cho công ty, anh Lâm chia sẻ.

Trong khi đó, trên các trang mạng và nhóm Facebook, các tài xế liên tục kêu gọi đình công và tỏ thái độ không hài lòng về việc Grab tăng chiết khấu.

Một tài khoản Facebook có nick name P.V. Đ đăng dòng trạng thái với nội dung “Cứ nghĩ tới việc chạy một cuốc xe phải trả tới 1/5 chi phí mà em xót hết cả ruột, anh em hãy tắt hết ứng dụng chạy ngoài đi”. Dòng trạng thái đã nhận được sự quan tâm của nhiều người. Nhiều tài xế lên tiếng ủng hộ và cho rằng công ty đang gây áp lực cho họ.

Bên cạnh đó một số tài xế Grab tỏ ra không còn mặn mà đối với những cuốc xe ngắn. Bởi vì theo họ, những cuốc xe này có khi phải bắt khách từ xa mà phải trừ đi tiền chi phí và chiết khấu cao cho nên đã có nhiều tài xế để trôi hoặc hủy chuyến. Điều này cũng ảnh hưởng tới việc đặt xe của khách hàng.

Chị Thủy - Một khách hàng bày tỏ sự đồng cảm với các tài xế và tâm sự, quả thật đi Grab rất tiện và rẻ nhưng nếu trừ của các tài xế cao như vậy thì cũng hơi thiệt thòi cho các em. Grab nên có các chính sách hỗ trợ để vừa chiều lòng khách nhưng cũng tạo được sự yên tâm cho các tài xế thì sẽ tốt hơn.

Trước đó, liên quan đến vấn đề này, bà Nguyễn Thu An - Giám đốc Truyền thông Grab Việt Nam cho biết, mức phí 20% đã được áp dụng với các đối tác mới tham gia GrabBike tại TP. HCM từ ngày 7/5/2017 nhưng ở khu vực Hà Nội sẽ được áp dụng từ ngày 5/9/2017.

Rất nhiều sinh viên kiếm thêm thu nhập bằng việc chạy xe Grab.

Rất nhiều sinh viên kiếm thêm thu nhập bằng việc chạy xe Grab.

Bà đã phát biểu trên báo chí rằng "Việc thay đổi mức phí này nhằm đảm bảo một mức phí thống nhất, ngang bằng với mọi đối tác tài xế GrabBike tại cả 2 thành phố, đồng thời nhằm đảm bảo và nâng cao chất lượng dịch vụ GrabBike. Mức phí này cũng đã được cân nhắc để vẫn đảm bảo tính cạnh tranh so với các dịch vụ tương tự đang có mặt trên thị trường".

Bà An cho biết thêm, hiện nay Grab đang áp dụng các chương trình hỗ trợ đặc biệt dành cho đối tác GrabBike, ví dụ chương trình "Đường đua thần tốc" với tổng trị giá 900 triệu đồng dành cho các tổ đội thi đua với nhau.

Ngoài ra, Grab còn có chương trình thưởng 5% trên doanh thu dành cho top 20% đối tác xuất sắc. Sắp tới, Grab còn triển khai thêm chương trình thưởng giờ cao điểm để nâng cao chính sách cho các tài xế.

Hy vọng với những chính sách này, những tài xế Grab sẽ có thêm động lực để phục vụ hành khách mỗi ngày.

Theo Reatimes/ Dương Hưng