Chiều 23/11, TAND TP.HCM tiếp tục phiên xét xử tranh chấp bồi thường thiệt hại giữa công ty CP Ánh Dương Việt Nam (Vinasun) và Grab.
Trong buổi làm việc này, có phần tranh luận giữa Vinasun và Grab về số tiền Grab phải chịu bồi thường vì thiệt hại của Grab gây ra cho Vinasun.
Cụ thể, Vinasun đã khẳng định, đồng ý với kết quả giám định của công ty Cửu Long rằng, Vinasun thiệt hại 158,6 tỉ đồng, trong đó thiệt hại do Grab gây ra là 85,9 tỉ đồng. Các báo cáo này cũng chỉ rõ nguyên nhân các thiệt hại của Vinasun là do có sự xâm nhập thị trường vận tải của Grab, Uber, trong đó Grab chiếm 54,2%.
Mà nguyên nhân thiệt hại của Vinasun là hành vi khuyến mãi tràn lan, trái luật, khuyến mãi các chuyến xe 0 đồng là nguyên nhân dẫn đến khách hàng không sử dụng taxi truyền thống, chuyển sang dùng Grab, Uber.
Tuy nhiên, phía Grab phản biện lại, cho rằng công ty hoàn toàn được kinh doanh theo đề án 24, của Thủ tướng Chính phủ. Hơn nữa, hiện nay hoạt động của Grab đang được xem xét điều chỉnh theo Nghị định 86.
Như vậy, ông ty đang cung cấp một nền tảng trực tuyến cho mọi doanh nghiệp vận tải và đang tuân thủ quy định của pháp luật hiện hành, thể hiện qua việc Chính phủ công nhận thông qua việc đồng ý kéo dài thời gian thực hiện Đề án thí điểm.
Grab cũng chỉ ra những điểm bất hợp lý ở bản báo cáo của công ty Cửu Long. Đó là việc Cửu Long đơn thuần đưa ra đánh giá của mình dựa trên 3 báo cáo phân tích chứng khoán của 3 công ty gồm Chứng khoán Bản Việt; Chứng khoán Rồng Việt; và Chứng khoán MBS.
Đáng lẽ, công ty Cửu Long phải tự thực hiện các phân tích và đưa ra kết quả độc lập. Tuy nhiên, Cửu Long lại nhờ vào bản phân tích của đơn vị thứ 3 và tại sao khong chọn những báo cáo khác thay vì những báo cáo này. Vì thế Grab cho rằng bất kỳ nội dung nào trong các báo cáo này mà Cửu Long sao chép đều không thể được thừa nhận là bằng chứng chính thức.
Thứ hai, bảo báo cáo của Cửu lOng chưa khách quan. Cửu Long chỉ trích dẫn một số đoạn nhất định nhằm bảo vệ quan điểm một chiều được được ra trong báo cáo giám định thiệt hại, rằng thiệt hại của Vinasun bị gây ra bởi sự tham gia của các đối thủ mới, đặc biệt là các ứng dụng đặt xe công nghệ. Điều này về cơ bản đã tách ý ra khỏi bối cảnh báo cáo ban đầu, bao gồm các nhiều nguyên nhân khác có thể ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh của Vinasun.
Cuối cùng là, bản báo cáo của Cửu Long cũng đã bỏ qua những điều được nêu rõ trong các cảnh báo rằng những xung đột lợi ích giữa các công ty chứng khoán có thể ảnh hưởng đến tính khách quan của nghiên cứu và họ không đảm bảo tính chính xác hoặc đầy đủ của các dữ liệu.
Kết thúc tranh luận thì HĐXX xét thấy vẫn chưa đủ cơ sở để ra phán quyết nên tòa tạm dừng đến ngày 30/11.