"Ông lớn" bất động sản đổ bộ
Bên cạnh việc quy hoạch mở rộng thêm các khu công nghiệp, những năm gần đây, định hướng phát triển các khu đô thị lớn của tỉnh Hà Nam đã thu hút sự quan tâm của các "ông lớn" bất động sản tham gia. Điều này khiến cho thị trường bất động sản tỉnh này ghi nhận sự phát triển mới, các hoạt động mua bán sôi động.
Đơn cử, đầu năm nay, UBND tỉnh Hà Nam đã tổ chức lễ công bố quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn 2050, đồng thời khởi công giai đoạn I Tổ hợp dự án Khu đô thị mới Bắc Châu Giang (tên thương mại Đô thị thời đại Sun Urban City Hà Nam).
Với quy mô hơn 400ha, mật độ xây dựng chỉ 18%, dự án Đô thị thời đại Sun Urban City Hà Nam được giới thiệu là đô thị kiểu mẫu tiên phong của địa phương này, tạo nên không gian sống văn minh, thời thượng nhưng vẫn giữ trọn hồn cốt tinh hoa của vùng đất văn hiến.
Ở thời điểm hiện tại, thông tin khởi công dự án Đô thị thời đại khiến cho thị trường bất động sản TP. Phủ Lý và thị trường các khu vực lân cận ghi nhận những diễn biến sôi động.
Không ít môi giới cũng tận dụng cơ hội từ đợt "sóng" này để bán các bất động sản xung quanh, cá biệt có bất động sản còn chưa đủ pháp lý.
Tương tự, Công ty cổ phần kiến trúc Flamingo - thành viên Flamingo Group đang triển khai dự án nghỉ dưỡng cao cấp Flamingo Golden Hill nằm tại thị trấn Ba Sao, huyện Kim Bảng. Dự án này có sản phẩm bất động sản chính là liền kề biệt thự và dịch vụ tiện ích, đáp ứng đa dạng nhu cầu của cư dân và khách vãng lai.
Theo Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS), những năm gần đây, Hà Nam đẩy mạnh thu hút đầu tư vào các dự án bất động sản, trong đó có hàng loạt "ông lớn" đổ về như: Sun Group, Bitexco, BRG Group, T&T hay Icon4… Bình quân mỗi năm, tỉnh Hà Nam có 10 dự án bất động sản mới được hình thành. Toàn tỉnh hiện chỉ có khoảng 43 dự án nhà ở thương mại, khu đô thị có nhà ở cơ bản hoàn thành.
Theo VARS, sức hút của bất động sản Hà Nam đang từng bước tăng lên. Cụ thể, từ đầu năm đến hết tháng 5/2024, toàn tỉnh Hà Nam thu hút 29 dự án (bằng 223% so với cùng kỳ năm 2023) và thực hiện điều chỉnh vốn 22 dự án (bằng 200% so với cùng kỳ năm 2023).
Cũng theo VARS, kể từ đầu năm nay, thị trường bất động sản Hà Nam đang thu hút sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư do tiềm năng tăng trưởng mạnh mẽ. Giá đất nền tại đây vẫn ở mức thấp, dao động từ 15-20 triệu đồng/m2, trong khi giá đất trung tâm Phủ Lý khoảng 40 triệu đồng/m2.
Môi giới đẩy giá, rao bán bất động sản dự án vướng mắc pháp lý
Cộng hưởng từ sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư tới những dự án lớn đang thực hiện trên địa bàn tỉnh Hà Nam, thị trường bất động sản tỉnh này cũng ghi nhận những tín hiệu tích cực.
Khảo sát trên một số trang mua bán bất động sản, đất nền dự án khu đô thị trên địa bàn TP. Phủ lý như: Osaka Garden, River Silk City, khu dự án cho cán bộ Bệnh viện Bạch Mai 2… giá bán đang dao động từ 27-41 triệu đồng/m2, tùy vị trí.
Đơn cử, một lô đất nền biệt thự tại dự án Lam Hạ Center Point trên địa bàn phường Lan Hạ, TP. Phủ Lý (có vị trí gần dự án Sun Urban City Hà Nam) đang được rao bán giá 41 triệu đồng/m2. Đáng chú ý, giá bán đất nền dự án này đã tăng hơn 50% từ quý I năm nay (từ 27 triệu đồng/m2 lên 41 triệu đồng/m2).
Ngoài ra, ở thời điểm hiện tại, môi giới đăng thông tin rao bán nhiều lô đất thuộc các dự án đang vướng mắc pháp lý hoặc chưa đủ điều kiện mở bán. Đơn cử như, dự án Khu nhà ở phục vụ Khu công nghiệp Đồng Văn (Duy Tiên, Hà Nam) đang được rao bán với giá dao động từ 23-37 triệu đồng/m2, tùy vị trí. Hay, các lô đất nền dự án khu đô thị Trung Đông 68 cũng dao động từ 25 triệu đồng/m2.
Theo môi giới, dù giá rao bán 2 dự án trên đã bị đẩy cao hơn 5-7 triệu đồng/m2 so với thời điểm tháng 4 năm nay, nhưng môi giới vẫn khẳng định, mức giá này vẫn còn tiềm năng tăng trong thời gian tới. Bởi vì, 2 dự án này kết nối theo một trục đường 68m tới dự án Sun Group đang triển khai.
Tuy nhiên, người đăng tin rao bán này cũng thừa nhận, hiện tại dự án trên vẫn chưa hoàn thiện pháp lý như: chưa cấp giấy chứng nhận cho khách hàng và khách hàng cũng chưa được xây dựng trên đất dù đã huy động vốn nhiều năm trước.
Mạnh tay xử lý tình trạng "thổi giá" bất động sản
Theo đánh giá của chuyên gia pháp lý, dự án bất động sản chưa đủ điều kiện mua bán theo quy định, nhưng chủ đầu tư đã tổ chức mua bán, thu tiền của khách hàng thì đây là hành vi huy động vốn trái pháp luật. Hành vi này cần được các cơ quan chức năng vào cuộc, xác minh, tiến hành xử phạt vi phạm hành chính; buộc khắc phục hậu quả, trả lại số tiền và bồi thường thiệt hại cho khách hàng.
Để khắc phục tình trạng này, chuyên gia lĩnh vực bất động sản cho rằng, cần giải tán tất cả các "chợ cóc" bất động sản do "cò" đất lập ra tại các vùng đang "nóng sốt".
Bên cạnh đó, Nhà nước, lãnh đạo địa phương cần quan tâm và kiểm soát, ngăn chặn kịp thời hiện tượng "sốt đất", nhất là tại các khu vực không nằm trong các dự án được quy hoạch rõ ràng, pháp lý hoàn chỉnh. Đặc biệt, cần có chế tài mạnh để xử lý tình trạng "thổi giá" bất động sản.
Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam - cho rằng, chính quyền các địa phương phải vào cuộc quyết liệt để kiểm soát mọi hoạt động sử dụng đất đai, các giao dịch mua bán đất đai... bảo đảm thực hiện theo đúng quy định của pháp luật; gắn trách nhiệm của lãnh đạo các ban, ngành chức năng, chính quyền cơ sở đối với tình trạng "sốt" đất.
Bên cạnh đó, phải cung cấp đầy đủ thông tin về chủ trương phát triển kinh tế, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trên địa bàn; kịp thời phát hiện và xử lý hoạt động tung tin thất thiệt, gây ảnh hưởng đến thị trường, đặc biệt là những tin tức không chính xác làm sốt đất, bất ổn ở địa phương.
Nguồn: https://reatimes.vn/ha-nam-ong-lon-do-bo-moi-gioi-an-theo-day-gia-202240729145406072.htm