Kế hoạch nhằm góp phần hoàn thành mục tiêu tăng trưởng ngành nông nghiệp bình quân hàng năm của thành phố giai đoạn 2021 - 2025 từ 2,5 - 3,0%; cơ cấu lại ngành nông nghiệp và tăng tỷ lệ giá trị sản phẩm ứng dụng công nghệ cao đến năm 2025 là trên 70%. Thúc đẩy phát triển các sản phẩm chủ lực của Thành phố theo vùng sản xuất chuyên canh tập trung; Tổ chức sản xuất theo hình thức tiên tiến, hiện đại đảm bảo vệ môi trường sinh thái nông thôn và tạo giá trị gia tăng cho liên kết chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm. Nâng cao vị thế ngành nông nghiệp Thủ đô; xác định được vai trò đầu tầu của doanh nghiệp, HTX làm chủ trì liên kết chuỗi; phát triển kinh tế tập thể với vai trò chủ lực là HTX nông nghiệp; thúc đẩy nông dân tích cực tham gia vào liên kết chuỗi, góp phần phát triển kinh tế - xã hội ở khu vực nông thôn thành phố Hà Nội.
Kế hoach đề ra mục tiêu cụ thể là phấn đấu đến năm 2025: Hỗ trợ phát triển, xây dựng liên kết cho 50 liên kết chuỗi trong sản xuất nông nghiệp đối với các sản phẩm nông nghiệp chủ lực gắn với các vùng sản xuất chuyên canh tập trung của thành phố. 100% các chủ thể tham gia liên kết chuỗi được đào tạo, tập huấn kỹ thuật, nâng cao nghiệp vụ quản lý, kỹ thuật sản xuất, năng lực quản lý hợp đồng, quản lý chuỗi và phát triển thị trường; 100% liên kết chuỗi sản xuất tiêu thụ nông sản thực phẩm an toàn ứng dụng công nghệ thông tin truy xuất nguồn gốc sử dụng mã QR, minh bạch thông tin đến người tiêu dùng.
Hoàn thiện hệ thống văn bản pháp lý và chính sách hỗ trợ liên kết thông qua việc: Rà soát, tổng hợp những khó khăn, vướng mắc trong tổ chức thực hiện chính sách khuyến khích hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, đề xuất Trung ương và HĐND thành phố sửa đổi, bổ sung những nội dung còn thiếu và những nội dung không còn phù hợp, nhằm hoàn thiện thể chế, chính sách để thu hút sự tham gia mạnh mẽ hơn của các doanh nghiệp vào phát triển liên kết chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp. Ban hành các văn bản hướng dẫn, quy định thực hiện chính sách khuyến khích hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn.
Tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, ứng dụng đồng bộ các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, các thành tựu của cuộc cách mạng 4.0, công nghệ sinh học, cơ giới hóa, tự động hóa, công nghệ Nano,... trong quá trình sản xuất, sơ chế, đóng gói, chế biến, tiêu thụ sản phẩm nhằm tăng giá trị sản xuất. Phát triển sản xuất theo hướng an toàn, GAP, hữu cơ. Từng bước hỗ trợ, đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị kỹ thuật cho một số vùng sản xuất nông sản chất lượng trọng điểm tại các huyện, nhằm đẩy mạnh cơ giới hoá, hiện đại hoá các khâu trọng yếu trong quá trình: Sản xuất, sơ chế, bảo quản, chế biến, nâng cao hiệu quả sản xuất tại các vùng sản xuất nông sản chủ lực.
Để đạt được mục tiêu đề ra, thành phố sẽ thực hiện các biện pháp hỗ trợ, ưu đãi như: Hỗ trợ Chủ liên kết chi phí tư vấn xây dựng liên kết, bao gồm tư vấn, nghiên cứu để xây dựng hợp đồng liên kết, dự án liên kết, Kế hoạch sản xuất, kinh doanh, phát triển thị trường; Hỗ trợ Dự án liên kết đầu tư máy móc trang thiết bị; xây dựng các công trình hạ tầng phục vụ liên kết bao gồm: nhà xưởng, bến bãi, kho tàng phục vụ sản xuất, sơ chế, bảo quản, chế biến, phương tiện vận chuyển chuyên dụng và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp cho dự án liên kết; Hỗ trợ tập huấn, đào tạo kỹ thuật sản xuất, nâng cao nghiệp vụ quản lý, năng lực quản lý hợp đồng, quản lý chuỗi và phát triển thị trường cho các bên tham gia liên kết chuỗi; Hỗ trợ giống, vật tư, bao bì, nhãn mác sản phẩm tối đa không quá 03 vụ hoặc 03 chu kỳ sản xuất, khai thác sản phẩm cho các bên tham gia liên kết chuỗi; Hỗ trợ chi phí chuyển giao, ứng dụng khoa học kỹ thuật mới, áp dụng quy trình kỹ thuật và quản lý chất lượng đồng bộ theo chuỗi cho các bên tham gia liên kết chuỗi…
Nguồn: https://phapluatxahoi.vn/ha-noi-ban-hanh-ke-hoach-phat-trien-nong-nghiep-theo-chuoi-giai-doan-2021-2025-238720.html?fbclid=IwAR2c9f7bgV4UPqCLLWDOTIQ1MS7O8qVxZmZD6ki_nFQk_zRrXmNY-jg9b3E