Hướng tới xây dựng nền hành chính phục vụ, quản trị hiệu quả và chủ động đáp ứng nhu cầu của người dân; quyết tâm cải thiện, nâng cao Chỉ số PAPI của Hà Nội trong năm 2020 và những năm tiếp theo, UBND TP yêu cầu các cấp ngành TP tập trung cải thiện, nâng cao Chỉ số PAPI trên 8 lĩnh vực.

Thông tin từ Văn phòng UBND TP Hà Nội cho biết, trong tuần từ ngày 8-6 đến 16-6, Chủ tịch UBND TP Hà Nội đã ký ban hành 3 kế hoạch: Cải thiện, nâng cao chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) của TP năm 2020; cải thiện, nâng cao chỉ số hài lòng về phục vụ hành chính của TP, tiếp tục duy trì, nâng cao chỉ số CCHC năm 2020 và các năm tiếp theo của TP nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các cấp chính quyền TP, đặc biệt là cấp cơ sở; tập trung khắc phục dứt điểm những tồn tại, hạn chế trong quản lý-điều hành, xác định rõ mục tiêu, phương hướng hành động trong thời gian tới đảm bảo phục vụ tốt người dân và DN.

Cụ thể, đối với kế hoạch cải thiện, nâng cao Chỉ số PAPI, 8 lĩnh vực được đưa ra gồm: Tổ chức các hoạt động, phương thức phù hợp để người dân được tham gia tích cực và chủ động vào đời sống chính trị, kinh tế, xã hội; phát huy quyền làm chủ của người dân, góp phần cải thiện hiệu quả thực thi chính sách, pháp luật ở địa phương.

Thực hiện đúng, đủ việc công khai, minh bạch trong việc ra quyết định theo quy định tại Pháp lệnh về thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn; tiếp thu ý kiến đóng góp, kiến nghị, phát giác, thắc mắc của người dân; thực hiện giải đáp, xử lý, điều chỉnh kịp thời, đúng quy định những ý kiến của người dân.

UBND TP yêu cầu nâng cao chất lượng giải quyết TTHC ở các cơ quan hành chính Nhà nước để cải thiện chỉ số PAPI. Ảnh: P.C

Nâng cao trách nhiệm giải trình với người dân; tăng cường hiệu quả các phương thức tương tác giữa chính quyền và người dân; thực hiện tốt công tác tiếp công dân; tập trung giải quyết có hiệu quả những kiến nghị, KNTC của công dân.

Tích cực kiểm soát tham nhũng trong chính quyền các cấp, trong các dịch vụ công ích, đặc biệt các lĩnh vực thiết yếu tới đời sống dân sinh: Y tế, giáo dục, tuyển dụng vào cơ quan Nhà nước.

Nâng cao chất lượng giải quyết TTHC ở các cơ quan hành chính Nhà nước; đặc biệt chú trọng các thủ tục hành chính: chứng thực, xác nhận, cấp phép xây dựng, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, và các dịch vụ hành chính cấp xã.

Nâng cao chất lượng các dịch vụ công ích thiết yếu cấp cơ sở như: Y tế công lập, giáo dục bậc tiểu học; cải thiện cơ sở hạ tầng căn bản đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân: điện lưới, nước sạch, giao thông, quản lý rác thải, an ninh trật tự...

Nghiêm túc quản trị môi trường; triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm cải thiện chất lượng môi trường sống của người dân hướng tới phát triển bền vững.

Nỗ lực hơn nữa trong quản trị điện tử; hỗ trợ người dân tiếp cận và thực hiện tốt trách nhiệm phản hồi ý kiến, phản ánh, kiến nghị của người dân thông qua Cổng thông tin điện tử của TP; hỗ trợ người dân tiếp cận và sử dụng mạng Internet.

UBND TP giao Sở Nội vụ chủ động, linh hoạt trong hình thức kiểm tra, thời gian kiểm tra, phương thức kiểm tra đối với các cơ quan, đơn vị thuộc TP; xác định địa bàn ưu tiên quận, huyện, thị xã; chú trọng địa bàn kiểm tra trực tiếp tới tận UBND cấp xã, thôn, tổ dân phố. Xây dựng biểu tiêu chí cụ thể liên quan chỉ số PAPI phục vụ công tác kiểm tra tại UBND cấp xã. UBND cấp huyện, UBND cấp xã chủ động, tăng cường kiểm tra đối với các cơ quan, đơn vị trực thuộc; chấn chỉnh, khắc phục kịp thời các thiếu sót, tồn tại trong thực hiện chức trách, thực thi công vụ của các tổ chức, cá nhân trong cơ quan nhà nước. UBND cấp huyện sử dụng kết quả kiểm tra và đưa nội dung thực hiện Kế hoạch vào tiêu chí xác định Chỉ số CCHC năm 2020 của các xã, phường, thị trấn.

Để nâng cao các chỉ số, chỉ số thành phần chưa có sự cải thiện, đạt điểm thấp; phấn đấu chỉ số CCHC của TP năm 2020 đạt kết quả cao, đứng đầu cả nước, UBND TP yêu cầu tăng cường công tác chỉ đạo, điều hành về CCHC; nâng cao chất lượng công tác xây dựng và tổ chức thực hiện VBQPPL; cải cách TTHC, lấy người dân, DN làm trung tâm, nâng cao chất lượng thực hiện cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông: triển khai Kế hoạch rà soát, đánh giá TTHC, đảm bảo thực hiện 100% kế hoạch đề ra. Các vấn đề phát hiện qua rà soát được xử lý và kiến nghị xử lý theo thẩm quyền…

Để cải thiện, nâng cao Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính của TP Hà Nội năm 2020 và các năm tiếp theo, UBND TP đưa ra 12 nội dung: Phân tích rõ nguyên nhân hạn chế, tồn tại, xây dựng kế hoạch, giải pháp khắc phục theo từng Yếu tố tại Chỉ số gài lòng (SIPAS); tuyên truyền, phổ biến về công tác tiếp nhận, giải quyết TTHC; niêm yết công khai, đầy đủ các TTHC về tại nơi tiếp nhận và trả kết quả TTHC, trên hệ thống Cổng/Trang thông tin điện tử;

Định kỳ 6 tháng tổ chức đối thoại với cá nhân, tổ chức về TTHC, giải quyết TTHC trong đó chú trọng các lĩnh vực phát sinh nhiều giao dịch, các lĩnh vực thường xuyên có hồ sơ quá hạn, các lĩnh vực có nhiều nhóm TTHC liên thông; tiếp tục rà soát các TTHC; tổ chức đánh giá chất lượng giải quyết TTHC;

Triển khai cung ứng dịch vụ công trực tuyến theo đúng Kế hoạch, lộ trình UBND TP; chuyển đổi và triển khai toàn TP Hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001:2015; kịp thời điều chỉnh để đáp ứng được việc chỉ đạo, điều hành của chính quyền các cấp và trong cung cấp dịch vụ công;

Kiện toàn, nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công của Bộ phận một cửa của các Sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã và UBND các xã, phường, thị trấn trên địa bàn; tổ chức thanh tra, kiểm tra trong cung cấp dịch vụ công, xử lý nghiêm những trường hợp không giải quyết TTHC theo đúng trình tự, thủ tục và thời gian quy định, những cán bộ, công chức gây nhũng nhiễu, tiêu cực trong thực thi nhiệm vụ; thường xuyên tổ chức đào tạo, tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn, các kỹ năng trong giải quyết công việc hành chính và kỹ năng giao tiếp của cán bộ, công chức trong thực thi công vụ.

Theo Phong Châu/Pháp luật & Xã hội