Theo Chủ tịch Nguyễn Đức Chung, với thu nhập của người dân Hà Nội cũng như thu nhập của người Việt Nam thì vẫn đang sử dụng một tỷ lệ xe máy rất lớn. Trên địa bàn TP hiện nay có gần 6 triệu xe máy, cho nên giải quyết cấm xe máy từng khu vực hay hạn chế vào khu vực nào phải được nghiên cứu, đánh giá rất kỹ lưỡng. Cùng đó, việc hạn chế xe máy phải trên cơ sở nền tảng là TP phải phát triển được đủ phương tiện công cộng để cho người dân đi lại.
|
Trên cơ sở đó, toàn bộ phương án này phải được công bố công khai cho người dân, tạo sự đồng thuận. Trong thời gian tới sẽ đánh giá lại toàn bộ và sẽ công khai tất cả những nội dung này.
Chủ tịch UBND TP nhấn mạnh, phải tuyên truyền để người dân Hà Nội có tác phong, thói quen khi di chuyển trong phạm vi từ 1km- 1,5km đổ lại thì nên đi bộ.
Trước đó, giữa tháng 3-2019 Sở Giao thông vận tải Hà Nội đã xây dựng Đề án "Phân vùng hoạt động của xe máy phù hợp với cơ sở hạ tầng và năng lực phục vụ của hệ thống vận tải hành khách công cộng, tiến tới dừng hoạt động của xe máy trên địa bàn các quận vào năm 2030" theo nghị quyết của HĐND TP.
Để thực hiện lộ trình cấm xe máy tại các quận vào năm 2030, ngành giao thông dự kiến thí điểm cấm xe máy vào giờ cao điểm từ thứ Hai đến thứ Sáu, bố trí làn ưu tiên cho xe buýt tại các tuyến Nguyễn Trãi (từ giao vành đai 3 đến đường Láng) vào năm 2019-2020 và tuyến Xuân Thủy- Cầu Giấy (sau khi tuyến đường sắt đô thị 3A đi vào hoạt động, dự kiến sau 2020). Ngoài thời gian cấm, TP sẽ xem xét cho xe máy hoạt động trên làn ưu tiên cho xe buýt.
Một số tuyến phố khác cũng được nghiên cứu thí điểm cấm xe máy, như: Giải Phóng (đoạn từ giao vành đai 3 đến Đại Cồ Việt), đường Nguyễn Văn Cừ (từ cầu vượt Long Biên đến cầu Chương Dương), đường Lê Văn Lương (giao vành đai 3 đến đường Láng) và tuyến Trần Duy Hưng - Nguyễn Chí Thanh.
T. An