Hà Nội cắt giảm 70% kinh phí hội nghị, đi công tác trong và ngoài nước; đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công (Ảnh minh họa)

UBND thành phố Hà Nội vừa ban hành văn bản số 3560/UBND-KT yêu cầu giám đốc, thủ trưởng các đơn vị: Cục Thuế thành phố, Cục Hải quan thành phố, các sở, ban, ngành, đoàn thể thành phố, Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm.

Về thu ngân sách nhà nước, các cấp, các ngành của thành phố phối hợp chặt chẽ với cơ quan Thuế, Hải quan tổ chức kịp thời, có hiệu quả các giải pháp miễn, giảm, giãn thuế và các khoản thu ngân sách; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kết hợp với các biện pháp hỗ trợ khác nhằm tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất - kinh doanh, thu hút đầu tư mới, thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế.

Trong đó Cục Thuế, Cục Hải quan Hà Nội, UBND các quận, huyện, thị xã tăng cường quản lý thu; chống thất thu, chống chuyển giá; quản lý chặt chẽ hoàn thuế, xử lý, thu hồi nợ đọng thuế; dừng thanh tra, kiểm tra tại doanh nghiệp nếu không phát hiện dấu hiệu vi phạm thuế; dự báo và đánh giá mức độ ảnh hưởng của dịch Covid-19 đến nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước trên địa bàn để có giải pháp chỉ đạo, điều hành thu phù hợp; kịp thời báo cáo cấp có thẩm quyền giải quyết những khó khăn, vướng mắc đối với các khoản thu từ thuế, phí, lệ phí, đất đai, tài nguyên, khoáng sản, và các nguồn thu khác...

Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND các quận, huyện, thị xã rà soát, chỉ đạo, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ các dự án giao đất thu tiền sử dụng đất, đấu giá đất… chủ động tháo gỡ các vướng mắc về quản lý đất đai, trường hợp vượt thẩm quyền, kịp thời báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, xử lý.

Về chi ngân sách nhà nước, UBND thành phố yêu cầu đối với chi đầu tư xây dựng cơ bản (XDCB): Các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân chi đầu tư, trong đó: Xác định việc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ chính trị trọng tâm năm 2020 của các cấp ủy đảng, chính quyền và hệ thống chính trị của thành phố, nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, thực hiện cao nhất các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 trong bối cảnh đại dịch Covid-19, chú trọng chi đầu tư để tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội theo đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020.

Các Sở, ban, ngành, quận, huyện, thị xã đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu; chịu trách nhiệm toàn diện trước Lãnh đạo thành phố khi để xảy ra chậm trễ, không đạt mục tiêu giải ngân vốn đầu tư công năm 2020 của cơ quan, đơn vị mình theo kế hoạch; Thực hiện quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp, tháo gỡ kịp thời các rào cản, khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân vốn đầu tư công, phấn đấu đạt mục tiêu giải ngân hết số vốn đầu tư công được giao kế hoạch năm 2020 (bao gồm cả nguồn vốn năm 2019 kéo dài chuyển sang).

Sở Kế hoạch và Đầu tư, UBND các quận, huyện, thị xã theo dõi sát tiến độ triển khai và giải ngân các dự án đầu tư trên địa bàn, chủ động đề xuất cắt giảm, điều chuyển kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách nhà nước từ các dự án có tỷ lệ giải ngân dưới 60% kế hoạch vốn sang các dự án có tiến độ giải ngân tốt hơn nhằm sớm hoàn thành đưa vào sử dụng, kể cả việc điều chuyển vốn bổ sung có mục tiêu cho các huyện; trình cấp có thẩm quyền để thực hiện.

Thực hiện điều hành chi đầu tư gắn với tiến độ một số khoản thu dành để chi đầu tư (tiền sử dụng đất, xổ số kiến thiết...); Chủ động dự kiến số vượt thu từ tiền sử dụng đất, xổ số kiến thiết để bổ sung vốn cho các dự án đã có trong dự toán nhưng do thu cân đối ngân sách khó khăn nên chưa bố trí đủ dự toán.

Đối với chi thường xuyên, các Sở, ban, ngành thành phố, UBND các quận, huyện, thị xã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trực thuộc, UBND cấp xã, phường, thị trấn triệt để tiết kiệm chi thường xuyên, tiếp tục rà soát thực hiện cắt giảm đảm bảo tổng số cắt giảm tối thiểu 70% kinh phí hội nghị, đi công tác trong và ngoài nước còn lại và tiết kiệm thêm 10% chi thường xuyên khác còn lại của năm 2020. Cụ thể, cắt giảm tối thiểu 70% kinh phí hội nghị, đi công tác trong và ngoài nước còn lại của năm 2020 sau khi đã loại trừ số đã thực chi cho các nội dung trong 6 tháng đầu năm; Thực hiện tiết kiệm thêm 10% chi thường xuyên còn lại của năm 2020; Căn cứ hướng dẫn xác định số cắt giảm và số tiết kiệm thêm nêu trên và trên cơ sở số kinh phí thực tế đã cắt giảm, Sở Tài chính, phòng Tài chính - Kế hoạch các quận, huyện, thị xã chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị dự toán xác định số kinh phí tiếp tục cắt giảm, tiết kiệm, tổng hợp, báo cáo UBND cùng cấp để báo cáo Thường trực HĐND cùng cấp xem xét, quyết định và báo cáo HĐND cùng cấp tại kỳ họp cuối năm.

Căn cứ Quyết định cắt giảm và tiết kiệm thêm dự toán chi thường xuyên còn lại của năm 2020 của UBND các cấp; Kho bạc Nhà nước giữ lại tại ngân sách các cấp đối với số kinh phí cắt giảm, tiết kiệm thêm được cấp có thẩm quyền quyết định đối với các cơ quan, đơn vị chi thường xuyên từ nguồn ngân sách nhà nước. Các đơn vị sử dụng ngân sách có thể thực hiện điều chỉnh phân bổ phần ngân sách còn lại để đảm bảo thực hiện các nhiệm vụ chính trị quan trọng đã được giao.

Về điều hành, cân đối ngân sách, trường hợp dự kiến thu ngân sách địa phương giảm so với dự toán được cấp có thẩm quyền giao trong khi vẫn phải chi thực hiện các nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, địa phương phải chủ động xây dựng phương án điều hành sử dụng các nguồn lực của mình theo quy định để đảm bảo cân đối ngân sách địa phương.

Trong quá trình điều hành, trường hợp xảy ra thiếu hụt tạm thời quỹ ngân sách các cấp, thực hiện theo quy định tại Điều 58 Luật Ngân sách nhà nước và Điều 36 Nghị định số 163/2016/NĐ-CP ngày 21/12/2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Ngân sách nhà nước.

Theo Tuổi trẻ Thủ đô