Hà Nội hiện đã bố trí 5 BV tiếp nhận cách ly, theo dõi và điều trị dịch bệnh Covid-19 cho bệnh nhân gồm: BVĐK Hà Đông, Đức Giang, Đống Đa, Bắc Thăng Long, Thanh Nhàn. BV Đức Giang ngoài khám chữa bệnh cho người lớn còn đảm nhận nhiệm vụ cách ly, theo dõi và điều trị bệnh đối với bệnh nhân trẻ em. Trong trường hợp dịch bệnh lan rộng trong cộng đồng với 1.000 người bị lây nhiễm, TP sẽ tổ chức BV truyền nhiễm dã chiến để cách ly người về từ vùng có dịch.

Chuẩn bị bệnh viện dã chiến

Tránh bị động trong việc theo dõi, cách ly và điều trị Covid-19, Hà Nội đã chủ động lên phương án thành lập BV truyền nhiễm dã chiến để cách ly người về từ vùng có dịch. Hai địa phương được lựa chọn để thành lập BV dã chiến là Mê Linh và Hoài Đức. ĐH Thành Đô đóng trên địa bàn xã Đức Giang, huyện Hoài Đức sẽ là lựa chọn đầu tiên.

Những căn phòng tại khu kí túc xá ĐH Thành Đô đang được nhà trường làm vệ sinh lại vừa để phòng tránh dịch bệnh, vừa chuẩn bị cho phương án thành lập BV dã chiến của TP. Trong buổi làm việc với đoàn công tác của Sở Y tế Hà Nội, lãnh đạo nhà trường cho biết, đã chuẩn bị phương án vừa đảm bảo việc chuẩn bị cơ sở khám chữa bệnh, vừa đảm bảo công tác dạy học trong sinh viên không bị xáo trộn.

ĐH Thành Đô có diện tích 97.528.000 m2 gồm 4 khu, trong đó có 2 tòa 7 tầng (mỗi tầng có 9 phòng). Đồng thời, trường có khu vực nấu ăn cho 400 người/bữa, cơ sở vật chất khang trang, có khu kí túc xá phù hợp để thành lập BV dã chiến.

Theo phương án phòng chống dịch Covid-19 của TP, trong trường hợp tiếp tục xuất hiện các trường hợp bệnh xâm nhập vào TP và tình huống còn lại là khi dịch bệnh lây lan trong cộng đồng. Với nguy cơ này, TP sẽ phải đáp ứng nhanh, khoanh vùng, xử lý kịp thời và triệt để các ổ dịch nhằm hạn chế thấp nhất việc lan rộng trong cộng đồng, hạn chế tử vong. Khi bệnh dịch Covid-19 trên địa bàn Hà Nội ở cấp độ 4 - lan rộng trong cộng đồng với 1.000 người bị lây nhiễm (cấp độ cao nhất theo kế hoạch phòng, chống dịch Covid-19 của Hà Nội) sẽ tổ chức BV truyền nhiễm dã chiến để cách ly người về từ vùng có dịch.

Sở Y tế sẽ chịu trách nhiệm đảm bảo nguồn nhân lực, cán bộ y tế, phương tiện, trang thiết bị y tế cho các hoạt động khám chữa bệnh. Cùng với đó, kiểm tra giám sát các hoạt động chuyên môn đảm bảo đúng quy trình theo quy định của Bộ Y tế. Sở cũng là đầu mối chỉ đạo các đơn vị y tế trên toàn TP hỗ trợ khi cần thiết. Như vậy, trong trường hợp phải thành lập BV dã chiến, cơ sở vật chất của ĐH Thành đô sẽ đủ sức chứa từ 500 – 700 giường bệnh và đảm bảo khu hậu cần cho hoạt động của BV dã chiến. Trong trường hợp diễn biến dịch bùng phát mạnh, TP sẽ tiếp tục xây dựng mới BV dã chiến có sức chứa 1.000 giường tại huyện Mê Linh.

Về việc chuẩn bị cơ sở vật chất cho việc cách ly các trường hợp người đi từ vùng dịch về lưu trú trên địa bàn, qua rà soát của Sở Y tế và các phường, xã, thị trấn cho thấy, công suất các địa điểm này được khoảng 3.500 trường hợp cách ly đủ chuẩn. Như vậy, cộng cả số lượng dự kiến của hai BV dã chiến, Hà Nội đang chủ động phòng chống dịch với trên 5.000 giường bệnh.

Trường Quân sự Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội hoàn tất việc phun khử khuẩn để đón tiếp, cách ly và theo dõi gần 1.000 công dân Việt Nam trở về từ các quốc gia và vùng lãnh thổ có dịch bệnh. Ảnh: G.B

Chuẩn bị đầy đủ nguồn lực phòng chống dịch

Sở Y tế nhận định, hiện nay dịch bệnh đã xâm nhập và có ca lây thứ phát tại Việt Nam, vì vậy nguy cơ dịch lây lan bùng phát tại cộng đồng là rất lớn nếu không quyết liệt triển khai các biện pháp phòng, chống dịch. Do đó, Sở Y tế cũng tiếp tục giám sát chặt chẽ các hành khách nhập cảnh qua Cảng hàng không sân bay quốc tế Nội Bài nhằm phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh; triển khai việc áp dụng tờ khai y tế khi nhập cảnh tại cửa khẩu; chủ động phối hợp với Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương lấy mẫu tất cả các trường hợp nghi ngờ để xét nghiệm tìm tác nhân gây bệnh.

Trước nguy cơ lây nhiễm Covid-19, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung vừa ký ban hành Chỉ thị về việc tăng cường các biện pháp phòng chống Covid-19 gây ra trên địa bàn TP. Theo đó, Chủ tịch UBND TP yêu cầu Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội xây dựng phương án triển khai khu vực cách ly và BV dã chiến, sẵn sàng ứng phó khi dịch bệnh này bùng phát.

Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội có trách nhiệm chỉ đạo Phòng Quân y các đơn vị trực thuộc xây dựng kế hoạch phòng, chống dịch; chỉ đạo các BV sẵn sàng tiếp nhận, sàng lọc và điều trị bệnh nhân; sẵn sàng chi viện cho ngành y tế trong tình huống khẩn cấp vượt quá khả năng đáp ứng của ngành y tế…

Ngày 7-2, UBND TP Hà Nội đã có quyết định bổ sung kinh phí phòng chống dịch bệnh Covid-19 gây ra trên địa bàn TP Hà Nội (đợt 1). Sở Y tế Hà Nội đã có quyết định giao bổ sung kinh phí phòng chống dịch bệnh nCoV cho các đơn vị trong ngành. Số tiền cấp cho các đơn vị đợt 1 là hơn 104 tỷ đồng.

Tính đến 8g ngày 12-2, số trường hợp nghi ngờ nhiễm Covid-19 trên toàn TP là 55 trường hợp, trong đó, đã xét nghiệm âm tính với virus này 53 trường hợp. Tổng số người tiếp xúc gần và có nguy cơ nhiễm bệnh ở Hà Nội là 294, trong đó, 281 trường hợp đã kết thúc giám sát y tế, 13 người tiếp tục phải giám sát y tế. Tổng số người đến từ vùng dịch cần giám sát y tế là 1.556, hiện chỉ còn 777 người phải giám sát y tế.

Hà Nội hiện đã bố trí 5 BV tiếp nhận cách ly, theo dõi và điều trị dịch bệnh Covid-19 cho bệnh nhân gồm: BVĐK Hà Đông, Đức Giang, Đống Đa, Bắc Thăng Long, Thanh Nhàn. BV Đức Giang ngoài khám chữa bệnh cho người lớn còn đảm nhận nhiệm vụ cách ly, theo dõi và điều trị bệnh đối với bệnh nhân trẻ em.

Theo Pháp luật & Xã hội