Theo số liệu thống kê, tại TP Hà Nội, dịch vụ logistics chiếm khoảng từ 10 - 15% GDP.
Theo số liệu thống kê, tại TP Hà Nội, dịch vụ logistics chiếm khoảng từ 10 - 15% GDP.

Theo số liệu thống kê, trên địa bàn TP Hà Nội hiện có khoảng 25.000 doanh nghiệp đăng ký hoạt động logistics. Trong số này, doanh nghiệp tư nhân chiếm đến 80%, song chỉ đáp ứng được khoảng 25% nhu cầu thị trường, do phần lớn đều có quy mô nhỏ, hạn chế về vốn, công nghệ và nhân lực.

Theo các chuyên gia, mặc dù, lĩnh vực logistics tại Hà Nội đã có bước phát triển đáng kể nhưng điều kiện kinh doanh còn nhiều "điểm nghẽn" khiến chi phí tăng cao, giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp. Theo đó, "điểm nghẽn" lớn nhất là ở hạ tầng logistics, hệ thống kho hàng, bến bãi trên địa bàn TP Hà Nội vẫn còn nhỏ lẻ, thiếu liên kết, thiếu chuyên dụng (như kho lạnh, kho bảo quản hàng hóa đặc biệt…).

Ngoài các kho bãi thường, trên địa bàn Hà Nội đang duy trì hệ thống kho, bãi container phục vụ hàng hóa xuất, nhập khẩu tại 2 cảng thông quan nội địa là Mỹ Đình và Gia Lâm, tuy nhiên phạm vi khai thác còn hạn chế, chủ yếu chỉ cung cấp dịch vụ vận tải đường bộ, cho thuê bãi và một số dịch vụ liên quan. Việc giải phóng mặt bằng để triển khai các dự án phát triển trung tâm logistics gặp khó khăn.

Các cảng cạn (ICD) còn ít. Về kết nối các loại hình giao thông, các cảng cạn mới chỉ sử dụng đường bộ, chưa nối liền được với đường sắt và đường sông. Bên cạnh đó, cản trở lớn đối với phát triển dịch vụ logistics là vấn nạn ùn tắc giao thông, khổ đường hẹp, giới hạn tải trọng phương tiện… đã làm tăng chi phí của doanh nghiệp.

Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng, để ngành logistics Hà Nội phát triển mạnh mẽ, tận dụng tối đa các cơ hội của quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, các doanh nghiệp logistics cần bắt tay hợp tác, phát huy tính năng động, sáng tạo; xây dựng giải pháp, chiến lược trước mắt và lâu dài.

Theo Kế hoạch số 81/KH-UBND về việc phát triển dịch vụ logistics trên địa bàn TP Hà Nội năm 2022, mục tiêu, phát triển hoạt động logistics nhằm thúc đẩy sản xuất, thương mại truyền thống, thương mại quốc tế và thương mại điện tử; phát triển kết cấu hạ tầng logistics đồng bộ với kết cấu hạ tầng giao thông vận tải, kết cấu hạ thông thương mại - dịch vụ văn minh, hiện đại, đưa Hà Nội trở thành một đầu mối logistics quan trọng của vùng, cả nước và khu vực.

Đồng thời, thúc đẩy doanh nghiệp dịch vụ logistics đổi mới, sáng tạo, cung ứng chuỗi dịch vụ logistics ở mức độ 3, mức độ 4; hướng đến mức độ 5, logistics điện tử trên cơ sở phát triển thương mại điện tử và quản trị chuỗi cung ứng hiện đại, hiệu quả và chuyên nghiệp.

Với những mục tiêu đó, Hà Nội đã có những chính sách và các hoạt động thiết thực để thúc đẩy logistic TP Hà Nội phát triển. Sở Công Thương Hà Nội đang chủ trì nghiên cứu và triển khai "Phương án phát triển ngành thương mại và hệ thống kết cấu hạ tầng logistics Thủ đô thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050".

Theo Sở Công Thương Hà Nội, đây là nghiên cứu rất quan trọng sẽ được tích hợp vào Quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021 - 2030 tầm nhìn 2050 mà UBND TP Hà Nội đang xây dựng. Đó là giải pháp quan trọng mang tính tiền đề để ngành logistics nâng cao hiệu quả, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế và mang lại sự thịnh vượng cho Thủ đô.

Theo ông Trần Đức Nghĩa, Chủ tịch Hiệp hội logistics Hà Nội, để ngành logistics Hà Nội ngày càng phát triển, cần đẩy mạnh vận tải đa phương thức. Theo đó, Hà Nội quy hoạch kết cấu hạ tầng giao thông theo hướng tăng cường kết nối các phương thức vận tải trên địa bàn.

Thành phố cần công bố danh mục các dự án kêu gọi đầu tư trong lĩnh vực logistics, danh mục các dự án đã cấp chủ trương đầu tư và tiến độ thực hiện các dự án logistics đang triển khai. Đồng thời, cần dành không gian phát triển logistics trên địa bàn.

“Hà Nội hiện có nhiều khu, cụm công nghiệp vừa và nhỏ đã được xây dựng nhiều năm trước, quá trình đô thị hóa diễn ra đã đưa các khu, cụm công nghiệp này vào trong nội đô. Do đó, cần có chính sách ưu tiên chuyển đổi mục đích sử dụng quỹ đất công nghiệp này sang cho hoạt động logistics thay vì chuyển đổi sang đất ở nhằm đáp ứng nhu cầu của hoạt động logistics đô thị…”, ông Trần Đức Nghĩa cho hay.

Theo Phapluatxahoi.kinhtedothi.vn

Nguồn: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/ha-noi-day-manh-van-tai-da-phuong-thuc-322972.html