Ngày 16/4, BCĐ phòng, chống dịch Covid-19 thành phố Hà Nội ban hành Thông báo số 343/TB-BCĐ, kết luận của Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Đức Chung, Trưởng BCĐ về công tác phòng, chống dịch Covid-19 thành phố, tại phiên họp số 35.
 Các lực lượng chức năng sẽ giám sát việc người dân thực hiện cách ly xã hội từ nay đến 22/4

Về công tác phòng chống dịch Covid-19, theo đó, trước mắt, Hà Nội tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg, ngày 31/3/2020, của Thủ tướng Chính phủ đến ngày 22/4, trong thời gian thực hiện, tùy vào tình hình thực tế, Thành phố sẽ có chỉ đạo cụ thể tiếp theo.

Tuyên truyền công khai minh bạch diễn biến dịch bệnh trên thế giới, Việt Nam và Hà Nội để người dân nắm rõ, hiểu đúng tình hình và nhận rõ nguy cơ lây nhiễm vẫn đang tiềm ẩn trên địa bàn. Nhận thức rõ việc khống chế và dập tắt được dịch bệnh phụ thuộc chủ yếu vào việc người dân đồng thuận và thực hiện đúng chỉ đạo của Chính quyền, hướng dẫn của cơ quan chuyên môn trong công tác phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn Thành phố.

Mọi người dân khi phát hiện những yếu tố ho, đau họng, sốt phải khẩn trương thông tin đến các cơ sở y tế trên địa bàn để được lấy mẫu xét nghiệm. Xác định khâu rà soát, phát hiện là nhiệm vụ quan trọng số một hiện nay.

Rà soát kỹ từng trường hợp đã được lấy mẫu xét nghiệm (nhanh, RT-PCR), phân loại, thống kê đảm bảo khách quan. Tổng hợp, đối chiếu số liệu với Sở Y tế, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố đảm bảo chính xác.

Phối hợp Công an thành phố Hà Nội tăng cường giám sát việc người dân tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg, ngày 31/3/2020, của Thủ tướng Chính phủ; tích cực tuyên truyền để việc người dân thực hiện đeo khẩu trang, rửa tay khử khuẩn, sát khuẩn là thói quen trong trong sinh hoạt hàng ngày, hiện tại cũng như sau này.

Sở Y tế, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố xác định khâu rà soát, phát hiện là nhiệm vụ quan trọng số một hiện nay, các trường hợp có dấu hiệu (ho, đau họng, sốt...) phải được phát hiện kịp thời và nhanh chóng lấy mẫu xét nghiệm, đảm bảo 24/24/7 việc tiếp nhận thông tin bất thường của người dân để lấy mẫu; Công tác xét nghiệm là tối quan trọng, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố khẩn trương lấy mẫu và trả lời nhanh để phân loại; tất cả các trường hợp F1 phải được xét nghiệm và cách ly tập trung theo quy định.

Sở Y tế, Công an thành phố Hà Nội, Cục quản lý thị trường tăng cường kiểm tra, rà soát các đơn vị cung cấp trang thiết bị y tế, bán thuốc chữa bệnh trên địa bàn Thành phố, đảm bảo không để xảy ra hiện tượng lạm dụng dịch bệnh để tăng giá.

Rà soát toàn bộ quy trình mua sắm đảm bảo đúng quy định, tuyệt đối không để tiêu cực xảy ra; Tham mưu UBND Thành phố mời các Ban liên quan của HĐND Thành phố, Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội... tham gia giám sát việc mua sắm trang thiết bị y tế (theo hình thức tập trung) phục vụ việc phòng, chống dịch bệnh và khám chữa bệnh của Thành phố; sớm thực hiện mua sắm trang thiết bị bảo hộ y tế phục vụ công tác chữa bệnh và phòng bệnh.

Tiếp tục tập huấn kỹ năng lấy mẫu xét nghiệm cho tất cả y bác sỹ, nhân viên ngành y tế Thành phố, đảm bảo sẵn sàng cho mọi tình huống, nâng cao năng lực xét nghiệm phải là hàng đầu; phấn đấu đạt 4.000 đến 5.000 mẫu/ngày khi cần; phối hợp UBND các quận, huyện, thị xã thống kê số liệu các trường hợp đã thực hiện nghiệm, đảm bảo chính xác, báo cáo UBND Thành phố theo quy định.

UBND thành phố giao Sở Nội vụ, Ban Thi đua - Khen thưởng thành phố Hà Nội chủ trì, phối hợp UBND các quận, huyện và xã, phường, thị trấn thường xuyên rà soát, nắm bắt thông tin các tổ chức, cá nhân, cơ quan báo chí... gương người tốt, việc tốt trong công tác phòng, chống dịch trên địa bàn Thành phố để kịp thời khen thưởng. Công an thành phố Hà Nội chủ trì, phối hợp quận, huyện, thị xã đảm bảo đo thân nhiệt tại các chốt ra vào Thành phố; tổ chức xử phạt nghiêm các trường hợp không đeo khẩu trang theo quy định. Tăng cường giám sát việc người dân thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ, trước mắt từ nay đến 22/4/2020.

Theo Kinh tế & Đô thị