Theo đó, Cảnh sát Phòng cháy và Chữa cháy thành phố tiếp tục phối hợp các sở, ngành chức năng thành phố, UBND quận, huyện, thị xã tổ chức kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các yêu cầu về PCCC, những cam kết thực hiện của chủ đầu tư để tổ chức nghiệm thu công trình đưa vào hoạt động theo quy định…

Cùng với đó, chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành chức năng, UBND quận, huyện, thị xã và đơn vị liên quan tiến hành kiểm tra việc khắc phục các vi phạm về phòng cháy chữa cháy (15 ngày/lần), lập biên bản; nêu rõ việc thực hiện những cam kết của chủ đầu tư hoàn thành đến đâu; ra thông báo tạm đình chỉ, đình chỉ khi cần thiết. Sau khi xử phạt xong, nếu chủ đầu tư “chây ì” không khắc phục, đề xuất chính quyền địa phương tổ chức cưỡng chế…

Lựa chọn, đề xuất từ 2 - 3 công trình vi phạm điển hình, báo cáo UBND thành phố chỉ đạo sở, ngành và đơn vị liên quan phối hợp kiểm tra và xử lý điểm theo quy định của pháp luật…

Cảnh sát Phòng cháy và Chữa cháy thành phố cần tiếp tục tuyên truyền công khai cho nhân dân được biết về những công trình vi phạm quy định PCCC; khuyến cáo người dân không mua nhà tại các công trình không đảm bảo về PCCC; kiến nghị các cơ quan chức năng có thẩm quyền cần có biện pháp không cho phép các chủ đầu tư bán nhà tại các công trình vi phạm về PCCC.

Tòa C Golden Silk chưa nghiệm thu PCCC đã đưa cư dân vào ở.p/Ảnh: Trần Kháng.

Tòa C Golden Silk chưa nghiệm thu PCCC đã đưa cư dân vào ở. Ảnh: Trần Kháng.

Ông Nguyễn Văn Sửu yêu cầu Sở Xây dựng tiếp tục thực hiện đúng, đầy đủ các quy định, trách nhiệm trong công tác quản lý đầu tư xây dựng; chỉ đạo, hướng dẫn cơ quan chuyên môn, UBND quận, huyện, thị xã thực hiện nghiêm túc việc cấp phép và nghiệm thu các dự án, công trình xây dựng theo quy định; không cấp giấy phép xây dựng khi công trình chưa được cơ quan Cảnh sát Phòng cháy và Chữa cháy cấp giấy chứng nhận thẩm duyệt thiết kế về PCCC; không nghiệm thu và cấp văn bản cho phép công trình được đưa vào hoạt động khi chưa được cấp văn bản nghiệm thu về PCCC…

Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội phối hợp với Cảnh sát Phòng cháy và Chữa cháy thành phố thực hiện có hiệu quả trong việc cấp phép, phê duyệt dự án. Các sở Quy hoạch Kiến trúc, Sở Tài nguyên và Môi trường từ 1/7 không giới thiệu địa điểm cấp đất, giao đất, cho thuê đất đối với các đơn vị đang là chủ đầu tư 79 công trình nhà chung cư cao tầng vi phạm quy định về PCCC trong đầu tư xây dựng hiện nay chưa được khắc phục.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP. Hà Nội cũng yêu cầuSở Giao thông vận tải Thành phố chủ trì, phối hợp với Cảnh sát Phòng cháy và Chữa cháy thành phố, Sở Xây dựng, UBND quận, huyện, thị xã kiểm tra về giao thông nội bộ phục vụ PCCC trên tất cả các công trình xây dựng trên địa bàn thành phố.

Ngoài ra, Sở Tư pháp cần xây dựng quy trình, thủ tục đảm bảo yếu tố pháp lý và những điều kiện liên quan khác để tổ chức xử lý, cưỡng chế các trường hợp cố tình vi phạm kéo dài về PCCC.

Bên cạnh đó, Sở Thông tin và Truyền thông, các cơ quan truyền thông của thành phố tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức, pháp luật về PCCC; tiếp tục cảnh báo những nội dung tồn tại, vi phạm của từng công trình, thời hạn cam kết của chủ đầu tư trên phương tiện thông tin đại chúng, để người dân biết cùng đấu tranh, tạo áp lực, buộc chủ đầu tư thực hiện.

Lãnh đạo TP. Hà Nội yêu cầu UBND quận, huyện, thị xã thực hiện nghiêm túc chức năng quản lý nhà nước về PCCC theo đúng quy định tại Điều 58 Luật Phòng cháy và chữa cháy. Cương quyết xử lý, cưỡng chế các công trình vi phạm theo đúng quy định của pháp luật.

Các sở Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường thực hiện theo các quy định hiện hành, kiểm soát nguồn nước cấp cho các dự án, công trình để thực hiện nghiêm túc các nội dung trên.

 

Theo Reatimes