Việc tập trung kiểm tra, kiểm soát thực phẩm trên khâu lưu thông trước khi thực phẩm bẩn đưa vào các trường học, bếp ăn tập thể hay đưa ra tiêu thụ trên thị trường sẽ hạn chế tối đa những hậu quả có thể xảy ra.
Cục Quản lý thị trường (QLTT) Hà Nội vừa phối hợp với Phòng Cảnh sát môi trường (Công an thành phố Hà Nội) kiểm tra cơ sở kinh doanh thực phẩm Hòa Toản (thôn Cổ Điển, xã Hải Bối, huyện Đông Anh), phát hiện khoảng 3 tấn chân bò và nội tạng gia súc… Toàn bộ số thực phẩm trên được cơ sở này nhập lậu từ nước ngoài về Việt Nam.
Làm việc với lực lượng chức năng, chủ cơ sở không xuất trình được hóa đơn, chứng từ, chứng minh nguồn gốc xuất xứ số thực phẩm trên. Lực lượng chức năng đã lập biên bản niêm phong và tạm giữ toàn bộ số hàng trên, đồng thời tiếp tục củng cố hồ sơ để xử lý theo quy định của pháp luật.
Trước đó, lực lượng chức năng cũng đã kiểm tra tại cơ sở chế biến thực phẩm của ông Kim Văn Tuấn (sinh năm 1971, địa chỉ tại Ngọc Hồi, huyện Thanh Trì, Hà Nội), phát hiện 2 tấn thịt bò, bê, chủ cơ sở không xuất trình được giấy đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện vệ sinh, giấy tờ chứng minh nguồn gốc số thực phẩm tại cơ sở.
Lực lượng chức năng đã thu giữ và tiêu hủy số thịt bò, bê nói trên theo quy định của pháp luật. Đây chỉ là 2 trong số nhiều vụ vi phạm mà lực lượng chức năng phát hiện và xử lý trong thời gian vừa qua.Ông Chu Xuân Kiên - Quyền Cục trưởng Cục QLTT Hà Nội – cho biết, tháng 4 là "Tháng vì hành động ATTP" năm 2019 với chủ đề "Nói không với thực phẩm giả, thực phẩm kém chất lượng, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng". Do vậy, các cấp, ngành cùng vào cuộc đẩy mạnh kiểm tra, kiểm soát và xử lý các hành vi vi phạm về ATTP. Đặc biệt, tăng cường kiểm soát, buôn bán, giết mổ, vận chuyển lợn và sản phẩm của lợn để phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn thành phố.
Ông Chu Xuân Kiên cho biết, trong tháng 5, các lực lượng chức năng sẽ triển khai đồng bộ các giải pháp kiểm tra, kiểm soát thị trường, đấu tranh chống buôn lậu, kinh doanh, vận chuyển hàng cấm, nhập lậu theo chuyên ngành, lĩnh vực, địa bàn quản lý. Quản lý, giám sát chặt chẽ đối với một số mặt hàng trọng điểm như: Thuốc lá, mỹ phẩm, dược phẩm, thực phẩm chức năng, xăng dầu, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn chăn nuôi, chất cấm, chất bảo quản, phụ gia thực phẩm không rõ nguồn gốc và một số hàng hóa có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.
Thống kê của Cục ATTP (Bộ Y tế) cho thấy, trung bình mỗi năm Việt Nam có khoảng gần 170 vụ với hơn 5.000 người mắc và hơn 27 người chết do ngộ độc thực phẩm. Từ đầu năm 2019 đến nay, hàng loạt vụ ngộ độc thực phẩm được phát hiện, những ca tuồn thực phẩm bẩn tiêu thụ trên thị trường được phanh phui, thực phẩm chứa chất cấm, chất độc được công bố… khiến người tiêu dùng hoang mang, lo lắng."Không chỉ với tháng trọng điểm, việc kiểm tra, kiểm soát và xử lý các hành vi vi phạm về ATTP là quá trình thường xuyên, liên tục, do đó, lực lượng chức năng sẽ tập trung xác định đối tượng, lĩnh vực, địa bàn, các mặt hàng trọng tâm, trọng điểm để xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra. Tránh trường hợp gây phiền hà, ảnh hưởng đến các doanh nghiệp đầu tư, sản xuất, kinh doanh trên địa bàn Thành phố" - ông Kiên nhấn mạnh.
Nguồn: http://baodansinh.vn/ha-noi-kiem-soat-chat-an-toan-thuc-pham-d99455.html