Từ ngày 11 - 17/6, Tổ công tác liên ngành do Sở TN&MT chủ trì sẽ kiểm tra khoảng 20 huyện, thị xã để nắm tình hình xử lý rơm rạ sau thu hoạch của địa phương, nhằm có giải pháp xử lý kịp thời những khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện hạn chế đốt rơm, cải thiện chất lượng không khí TP.

Trước đó ngày 9/6, Tổng cục Môi trường (Bộ TN&MT) đã phát cảnh báo ô nhiễm không khí, đặc biệt là bụi mịn PM2.5, tại miền Bắc do đốt rơm rạ. Thông báo của Tổng cục Môi trường cho hay, từ ngày 3/6, chất lượng không khí tại một số tỉnh miền Bắc có xu hướng suy giảm vào ban đêm và một trong những nguyên nhân chính là "hiện tượng đốt rơm rạ đang diễn ra phổ biến". Tại nông thôn, sau một ngày phơi nắng, rơm rạ thường được đốt vào buổi tối, vì vậy các chất ô nhiễm, đặc biệt là bụi mịn PM2.5 bắt đầu tăng từ khoảng 18 giờ và đạt giá trị cực đại vào 20 - 22 giờ hàng ngày.

Ngoài việc đốt rơm rạ là nguyên nhân phát sinh chất ô nhiễm, Tổng cục Môi trường nhận định các yếu tố khí tượng cũng làm gia tăng tình trạng ô nhiễm không khí vào ban đêm. Trong tháng 6, mặt trời đi qua thiên đỉnh 2 lần tại Hà Nội, cường độ bức xạ mặt trời là mạnh nhất trong năm. Ánh sáng chói chang rọi vuông góc xuống đất khiến mặt đất bị đốt nóng đến 400 W/m2, sau chập tối nguội đi vì phát ra bức xạ hồng ngoại, gây nghịch nhiệt sát mặt đất. Do đó, các chất ô nhiễm do đốt rơm rạ và các hoạt động khác không thể phát tán. Ngoài ra, cường độ bức xạ cao gây ra các phản ứng quang hóa giữa các chất ô nhiễm sơ cấp làm trầm trọng thêm tình trạng ô nhiễm. Để giảm bớt tình trạng ô nhiễm không khí, Tổng cục Môi trường đề nghị người dân không nên đốt rơm rạ.


Theo Kinh tế & Đô thị